Trong nước

Báo cáo kết quả giám sát 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018'

07:58, 14/11/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Ngày 13/11/2019, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 18 của Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành cả ngày nội dung chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2014-2018”.

Cùng ngày, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã tham gia giải trình một số thắc mắc liên quan của đại biểu Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014 - 2018.

Bộ trưởng Tô Lâm tham gia giải trình một số thắc mắc liên quan của đại biểu Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014 - 2018.
Bộ trưởng Tô Lâm tham gia giải trình một số thắc mắc liên quan của đại biểu Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014 - 2018.

Theo đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt thay mặt Đoàn giám sát trình bày Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014 - 2018” và xem video clip minh họa về nội dung của Báo cáo.

Báo cáo nêu rõ: Giai đoạn 2014 - 2018, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng mới 96.792 phương án chữa cháy, tổ chức thực tập 52.032 phương án. Trong 4 năm, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tham gia và phối hợp với các lực lượng dập tắt được gần 10.000 vụ cháy (chiếm 73,1% số vụ); hướng dẫn thoát nạn, cứu sống hàng ngàn người. Nhiều vụ cháy được Cảnh sát PCCC và nhân dân khống chế kịp thời, không để xảy ra cháy lớn; ước tính giá trị tài sản bảo vệ được trong các vụ cháy trung bình và nhỏ là hơn 600.000 tỷ đồng. Lực lượng PCCC tại chỗ xử lý được trên 3.000 vụ cháy từ khi phát sinh.

Cũng trong giai đoạn giám sát, lực lượng chức năng đã tiến hành 357 cuộc thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về PCCC, kiểm tra an toàn PCCC trên 1.500.000 lượt, trong quá trình kiểm tra đã kịp thời phát hiện hàng triệu tồn tại, thiếu sót, ban hành 98.384 công văn kiến nghị. Các địa phương đã tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành đối với trên 15 nghìn lượt cơ sở.

Đã điều tra làm rõ nguyên nhân 11.277 vụ cháy (đạt 85,76%); đã khởi tố điều tra, truy tố, xét xử hình sự 66 vụ án với 43 bị can; xử phạt hành chính trên 98 nghìn trường hợp vi phạm với số tiền 206 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 1.956 trường hợp, tạm đình chỉ hoạt động 2.720 trường hợp…

Toàn cảnh phiên họp.
Toàn cảnh phiên họp.

Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014 - 2018. Tại phiên thảo luận, có 38 đại biểu phát biểu. Đa số ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với Báo cáo giám sát và cho rằng, Báo cáo này đã phản ánh khá đầy đủ, khách quan, đúng thực trạng về công tác PCCC; phân tích làm rõ nguyên nhân của những hạn chế, bất cập và đề ra các giải pháp, kiến nghị; ghi nhận, đánh giá cao công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ trong thời gian qua.

Trong quá trình thảo luận, Bộ trưởng Tô Lâm đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, công tác thường trực, sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) được thực hiện nghiêm túc. Do đó số vụ cháy được dập tắt kịp thời chiếm tỷ lệ cao; chỉ 1% số vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 99% số vụ cháy còn lại là cháy vừa và nhỏ do được dập tắt kịp thời, bảo vệ được hàng nghìn tỷ đồng tài sản, cứu được hàng nghìn người khỏi các vụ cháy.

Thời gian qua, Bộ Công an đã tham mưu Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện hành lang pháp lý về công tác PCCC và CNCH; cũng như ban hành các văn bản, quy phạm pháp luật liên quan đến công tác PCCC và CNCH.

Lực lượng Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để đẩy mạnh tuyên truyền về PCCC. Lực lượng cảnh sát PCCC cũng thường xuyên tổ chức các buổi hướng dẫn kỹ năng PCCC cho học sinh, sinh viên thông qua những hình thức khác nhau. Bộ Công an cũng phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo đề ra những quy định cụ thể về PCCC với các nhà trường, cơ sở giáo dục.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, thời gian qua, nhiều chiến sĩ Cảnh sát PCCC đã xả thân quên mình, không ngại nguy hiểm, cứu người, cứu tài sản cho nhân dân; hình ảnh chiến sĩ cảnh sát PCCC dũng cảm, quên mình được người dân ghi nhận, đánh giá cao. Từ năm 2014 đến nay có 5 chiến sĩ cảnh sát PCCC anh dũng hi sinh, hàng chục chiến sĩ bị thương khi làm nhiệm vụ.

Về tổ chức, bộ máy, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã được kiện toàn, tổ chức lại theo hướng tinh gọn, gồm cơ quan cấp bộ, cấp tỉnh và mở rộng mạng lưới xuống cấp huyện để bám địa bàn, bám cơ sở. Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các tỉnh bố trí các đồng chí có trình độ chuyên môn cao về PCCC vào các vị trí lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị PCCC địa phương, không điều chuyển các cán bộ, chiến sĩ công tác tại lực lượng PCCC sang các đơn vị khác.

Về phương hướng, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ trong thời gian tới, công tác PCCC sẽ tiếp tục lấy phòng ngừa là chính; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân vào việc thực hiện nhiệm vụ PCCC; sẽ tăng cường phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ngành, các cơ quan báo, đài đề nghị tăng cường thời lượng, thời gian tuyên truyền về PCCC và CNCH, đưa công tác này đi vào thiết thực và có hiệu quả. Tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật, quy phạm pháp luật để bổ sung, chỉnh lý, sửa đổi phù hợp với thực tiễn. Chỉ đạo lực lượng PCCC tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật PCCC. Quá trình kiểm tra, nếu phát hiện những vi phạm sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, nhất là đối với các chung cư, nhà cao tầng cố ý chây ỳ, không khắc phục vi phạm. Sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để dân giám sát, kiểm tra.

Phát biểu kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, nhìn chung, các ý kiến phát biểu sôi nổi, sâu sắc và mang tính xây dựng. Tại phiên thảo luận, các ý kiến đại biểu cho rằng, Báo cáo đã thể hiện tương đối toàn diện, đưa ra nhận định, đánh giá thuyết phục, có số liệu minh họa rõ ràng, đề xuất các giải pháp, kiến nghị cụ thể. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua.

Nguồn: Quang Minh/Cổng TTĐT Bộ Công an

Các tin khác