Thứ Hai, 10/06/2019, 15:59 [GMT+7]

Quốc hội thảo luận Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Sáng ngày 10/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương tại Kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, qua gần 3 năm triển khai thực hiện, bên cạnh các kết quả đã đạt được, một số quy định hiện hành của 2 Luật cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, cụ thể: Đối với Luật Tổ chức Chính phủ, việc giao Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện làm giảm tính chủ động của địa phương trong việc tổ chức và thành lập các cơ quan chuyên môn phù hợp với điều kiện, đặc điểm, đặc thù ở mỗi địa phương.... Đối với Luật tổ chức chính quyền địa phương, một số quy định của Luật về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền chưa được quy định rõ, nhất là chủ thể thực hiện ủy quyền gây khó khăn trong việc áp dụng và hạn chế hoạt động của chính quyền địa phương các cấp. Luật chưa có quy định để tạo cơ sở cho các luật chuyên ngành quy định cụ thể các nhiệm vụ, quyền hạn không được phân cấp, ủy quyền nhằm tránh việc phân cấp, ủy quyền tràn lan, làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.

Thẩm tra Tờ trình, Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm kịp thời thể chế hóa và cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành luật thời gian qua. Hồ sơ, tài liệu về dự án Luật được chuẩn bị nghiêm túc, kỹ lưỡng, bảo đảm đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung dự án Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 05 điều của Luật Tổ chức Chính phủ. Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; Ủy ban thẩm tra cũng đồng tình với việc Chính phủ đề nghị sửa đổi 28 điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Nội dung sửa đổi tập trung vào việc phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan của chính quyền địa phương các cấp; cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân; phương thức hoạt động của chính quyền địa phương; tổ chức chính quyền địa phương ở hải đảo, ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và cụ thể hóa chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu

Phát biểu trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường, đại biểu Nguyễn Tạo- Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương thể chế hóa các chủ trương của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII, thực hiện Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên đại biểu đề nghị, cần cân nhắc các yếu tố đảm bảo việc sửa đổi, bổ sung này phù hợp với các quy định của Hiến pháp và hệ thống các luật về tổ chức bộ máy nhà nước đang có hiệu lực.

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Đinh Thị Phương Lan- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị tiếp tục nghiên cứu về cơ cấu, số lượng HĐND các cấp, do đó không giảm Phó chủ tịch HĐND. Đề nghị Chính phủ giải trình thêm tính phù hợp của việc giao Chính phủ quy định biên chế tối thiểu của tổ chứ hành chính; cần hoàn thiện khung biên chế thay vì chỉ ban hành số lượn biên chế tuyệt đối như hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ công tron lĩnh vực sự nghiệp, công ích, hành chính cho các tổ chức và cá nhân.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi phát biểu

Cũng tham gia ý kiến thảo luận, theo đại biểu Phạm Tất Thắng- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì Luật sửa đổi cần đảm bảo hai yêu cầu: tạo ra hiệu lực thực tế là cần có các mô hình, cơ cấu tổ chức phù hợp với loại hình, địa bàn, yêu cầu quản lý của tổ chức chính quyền địa phương; nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của chính quyền đia phương, giải quyết hài hào giữa số lượng và chất lượng của đại biểu HĐND.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trân trọng cảm ơn nhưng ý kiến đóng góp xác đáng, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội; Bộ sẽ tiếp thu nhiêm túc, chính các các ý kiến thảo luận để tiếp tục hoàn thiện Dự luật. Giải trình rõ một số nội dung đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết Luật sửa đổi lần này đẩy mạnh vấn đề phân cấp, phân quyền của Chính phủ, các bộ, ngành và ủy quyền thực hiện nhiệm vụ giữa trung ương và địa phương. Do đó, vấn đề phân cấp, phân quyền theo Dự luật lần này có mở rộng về phạm vi và đối tượng. Về quy định khung, sẽ khắc phục được việc giao cứng các cơ quan chuyên môn như trước đây; quy định rõ số biên chế tối thiểu và cấp phó tối đa nhằm thu gọn đầu mối trên cơ sở đa nhiệm vụ, đa chức năng; giảm biên chế trên cơ sở giảm đầu mối.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, phiên thảo luận diễn ra trong không khí sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm; đa số các ý kiến thảo luận tán thành sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương để khắc phục những tồn tại, bất cập trong hai luật hiện hành và thực tiễn triển khai những năm vừa qua. Sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Cơ quan soạn thảo phối hợp với Cơ quan thẩm tra và các đơn vị hữu quan hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 tới đây./.

.

Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội Việt Nam