Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2017, tổng số hộ dân di cư tự do được hỗ trợ bố trí, sắp xếp theo quy hoạch và người dân tự ổn định là 42.237 (đạt 63,3%). Như vậy, đến nay, vẫn còn khoảng 24.500 hộ dân di cư tự do chưa được bố trí, sắp xếp ổn định theo các dự án, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên (hơn 22.000 hộ).
Đối với vùng này, thời điểm dân di cư tự do đi thường là vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Số lượng di cư không nhiều như những năm trước mà di chuyển từng nhóm nhỏ lẻ, vào thăm người thân, ở tá túc với người di cư tự do đã đến trước đó, sau đó dựng nhà tạm và tiếp tục đưa cả gia đình vào. Các hộ dân di cư tự do thường sống theo các nhóm hộ, cùng dân tộc đến định cư tại các vùng riêng lẻ trong rừng, trong các thung lũng, dọc các khe suối… và ít giao lưu với bên ngoài.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình trạng dân di cư tự do từ lâu đã gây nên những hệ lụy không nhỏ trong phát triển kinh tế, an ninh trật tự, xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường ở cả các địa phương có người di cư đi và đến.
Thủ tướng cùng các đại biểu dự Hội nghị. - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Về tình hình quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên, báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đến nay, đã tiến hành rà soát 122 công ty, trong đó, giữ lại 108 công ty, còn lại là giải thể và bàn giao về địa phương. Diện tích đất sau khi rà soát, sắp xếp lại của 108 công ty nông, lâm nghiệp giữ lại là 935.120 ha.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, vẫn còn bất cập, hạn chế cần giải quyết như hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng đất của các nông lâm trường còn kém hiệu quả; tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp, lấn chiếm đất đai, nguy cơ rừng và đất rừng tiếp tục bị tàn phá.
Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận để tìm ra giải pháp hiệu quả ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.
Trước đó, tại cuộc làm việc chiều 8/12 với Thủ tướng, tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị cơ chế đặc thù được sử dụng diện tích đất có nguồn gốc đất lâm nghiệp nhưng không còn rừng và không có quy hoạch trồng lại rừng để bố trí cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và tái định cư tại chỗ đối với dân di cư tự do.