Bão số 9 dự báo diễn biến phức tạp, lại đổ bộ vào khu vực vốn ít xảy ra thiên tai, do đó nếu chủ quan, không chuẩn bị chu đáo các biện pháp ứng phó thì hậu quả sẽ rất lớn đối với tính mạng, tài sản của người dân và nhà nước.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cuối giờ làm việc sáng 22/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dự và phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (BCĐTƯ PCTT) bàn công tác ứng phó với bão số 9.
Cuộc họp ban đầu do Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường – Trưởng BCĐTƯ PCTT chủ trì.
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của cơn bão trên hiện trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã quyết định tham dự cuộc họp để nghe báo cáo chi tiết về tình hình, diễn biến và những biện pháp chuẩn bị ứng phó.
Bão càng vào bờ càng mạnh
Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ cho biết, hiện đã triển khai nhiều giải pháp để nhanh chóng liên lạc, kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn. Trên đất liền, nhiều giải pháp ứng phó với mưa bão cũng đang khẩn trương được triển khai.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, hiện nay tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên đã có một số hồ chứa đạt trên 70% dung tích. Những hồ này cần theo dõi đặc biệt chặt chẽ, nếu cần thiết chủ động cho xả nước sớm để đảm bảo an toàn.
Bên cạnh đó, còn hàng chục hồ nhỏ, xây dựng đã lâu, hiện do chính quyền địa phương quản lý. Đây chính là mối lo lớn trong thời điểm này. Do đó, việc phối hợp, điều tiết xả lũ cần được thực hiện một cách rất chặt chẽ.
Riêng tại Khánh Hoà, hiện đã có 14/18 hồ đạt 70-75% dung tích. Tuy nhiên đáng chú ý, hiện vẫn còn những hồ chỉ mới đạt 20%, trong khi đó mùa khô năm nay dự báo sẽ rất khắc nghiệt.
“Công tác vận hành phải rất linh hoạt, căn cứ diễn biến thực tế, vừa đảm bảo an toàn hồ đập, an toàn cho hạ du, vừa đảm bảo giữ nước cho mùa khô”, ông Thắng đề nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCLB cho biết, cơn bão số 9 dự báo sẽ rất đặc biệt.
Về hướng, bão sẽ đi thẳng vào khu vực Nam Trung Bộ. Đây là nhận định được nhiều cơ quan dự báo quốc tế đưa ra. Đáng chú ý, đây là khu vực không thường xuyên xảy ra mưa bão.
Về diễn biến, dự báo càng gần bờ, tốc độ di chuyển của bão sẽ chậm lại, trong khi cường độ sẽ ngày càng cao. Cùng thời điểm bão đổ bộ sẽ có gió mùa Đông Bắc lệch Đông, do đó sẽ diễn ra hiện tượng phối trộn các hình thái thời tiết khiến diễn biến mưa bão sẽ rất phức tạp.
Phó Thủ tướng trao đổi với các đại biểu về tình hình và giải pháp ứng phó mưa bão. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Sớm cử các đoàn công tác đi cơ sở
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Bộ NN&PTPT, các Bộ, ngành, các địa phương trong việc sớm triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 9.
Theo Phó Thủ tướng, các tỉnh Nam Trung Bộ cần tuyệt đối không được chủ quan với diễn biến bất thường của mưa bão, nếu không hậu quả sẽ rất nặng nề.
“Chỉ trong thời gian ngắn, hoàn lưu bão số 8 vừa qua đã gây mưa cực lớn, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân, đến nay vẫn phải tập trung để khắc phục”, Phó Thủ tướng nói.
Thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gửi lời thăm hỏi đến người dân khu vực chịu thiệt hại của cơn bão, chia buồn với gia đình các nạn nhân chết, mất tích.
Trước những dự báo về cường độ, hướng đi, diễn biến của cơn bão số 9, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nêu cao cảnh giác, chuẩn bị nghiêm túc các phương án ứng phó.
“Tất cả các bộ ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ của mình phải chủ động đề ra phương án, liên tục cập nhật, rà soát phương án tuỳ vào tình hình cụ thể của địa phương, của ngành mình để triển khai thực hiện có hiệu quả”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng yêu cầu một số Bộ, ngành liên quan phải sớm cử các đoàn công tác, chủ động phối hợp với địa phương triển khai tốt phương án bảo vệ an toàn các công trình hồ đập, các công trình hạ tầng, nhà ở của người dân theo phương châm 4 tại chỗ.
“Trước hết phải chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, vật tư. Chủ tịch UBND tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó. Yêu cầu đầu tiên là phải đảm bảo an toàn cho người dân, không để tàu thuyền nào trên biển trong khu vực nguy hiểm; không để người dân còn trên các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Kinh nghiệm bão số 12 năm 2017 vừa qua, tại Khánh Hoà, người dân vẫn ở lại bị mắc kẹt trên các lồng bè nuôi hải sản, do đó khi bão đổ bộ chịu thiệt hại lớn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh yêu cầu phải khẩn trương rà soát lại, chủ động sơ tán, đảm bảo không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm, dễ xảy ra ngập úng hay sạt lở, trong các công trình, nhà xuống cấp, kém chất lượng.
Cùng với đó, phải chủ động kiểm tra an toàn của tất cả các hồ, đập trên địa bàn. Giao Bộ NN&PTNT chủ trì cùng với các địa phương rà soát các hồ, đập thuỷ lợi, Bộ Công Thương rà soát các công trình thuỷ điện, đảm bảo vận hành an toàn tuyệt đối.
“Phải chủ động rà soát, kiểm tra tất cả các hồ, đập trên địa bàn để có phương án ứng phó. Quan trọng nhất là phải vận hành một cách phù hợp nhất, vừa đảm bảo an toàn cho hồ đập, cho hạ du, vừa giữ được nước cho mùa khô”, Phó Thủ tướng nói.
Các địa phương chủ động lên phương án đảm bảo an toàn cho nhà dân, các công trình, công sở, trụ sở, cơ sở sản xuất quan trọng. Cùng với đó, phải sẵn sàng lực lượng để hỗ trợ sơ tán dân khi cần thiết, kịp thời ứng phó với sự cố tìm kiếm cứu nạn.
Phó Thủ tướng giao Ủy ban Quốc gia Ứng phó với sự cố, thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn chủ động phối hợp lực lượng với các địa phương, các quân khu, các đơn vị quân đội, công an đứng chân trên địa bàn.
Cơ quan khí tượng thuỷ văn tiếp tục theo dõi chặt để dự báo một cách chính xác nhất diễn biến mưa bão. Các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương tiếp tục vào cuộc một cách mạnh mẽ, tích cực, một mặt hướng dẫn nhân dân chủ động ứng phó có hiệu quả với cơn bão số 9, giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân và nhà nước; đồng thời cung cấp thông tin phục vụ công tác lãnh đạo chỉ đạo ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.