Trong nước
Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 07/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) |
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội Khoá XIII, Luật Công an nhân dân năm 2014 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2015. Thực hiện quy định của Luật, tổ chức, hoạt động của Công an nhân dân đã từng bước đi vào ổn định và thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Luật định, làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, vi phạm pháp luật; thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân kết hợp với nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, kết hợp an ninh với quốc phòng và đối ngoại, kết hợp thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ và tạo môi trường ổn định để phát triển mọi mặt của đất nước.
Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong giai đoạn mới đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện pháp luật về an ninh, trật tự. Trong đó việc sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân năm 2014 là cấp thiết để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thi hành Luật Công an nhân dân năm 2014.
Dự luật được xây dựng nhằm mục đích hoàn thiện cơ sở pháp lý về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn Công an nhân dân trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; khắc phục những chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, địa bàn, đối tượng quản lý.
Đồng thời hoàn thiện cơ sở pháp lý để sắp xếp lại tổ chức bộ máy công an phù hợp, đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” làm cơ sở cho việc điều chỉnh, sắp xếp, bố trí lực lượng và từng bước thực hiện tinh giản biên chế.
Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) |
Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ Năm gồm 7 chương, 48 điều. So với Luật Công an nhân dân năm 2014, dự thảo Luật đã bổ sung 4 điều, sửa đổi, bổ sung 31 điều, bỏ 1 điều của Luật Công an nhân dân năm 2014.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) bày tỏ tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Công an nhân dân với những lý do như Tờ trình của Chính phủ đã nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt nhấn mạnh việc sửa đổi Luật CAND trong thời điểm hiện nay là cấp bách, cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội cũng lưu ý, trong quá trình sửa đổi, bổ sung nội dung dự thảo Luật cần nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, có lộ trình phù hợp, bảo đảm tính khả thi, tính ổn định và phát triển, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; đồng thời, bảo đảm sự đồng thuận cao trong xã hội, hạn chế tối đa những tác động bất lợi đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và Công an xã hiện nay.
Về sự phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, tính hợp hiến, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi, Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho rằng, nội dung dự thảo Luật đã cơ bản bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và phù hợp với quy định của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, một số nội dung trong dự thảo Luật quy định khác với Luật Công an nhân dân năm 2014 như: không quy định cụ thể vị trí và số lượng chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng; bổ sung quy định cục đặc biệt để phong hàm Trung tướng; bổ sung quy định cấp bậc hàm Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I là chưa phù hợp với chỉ đạo của Bộ Chính trị về chủ trương phong, thăng cấp bậc hàm cấp tướng.
Do đó, với tinh thần nhất quán trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, các nội dung này cần báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Đồng thời, đề nghị cần tiếp tục rà soát các quy định liên quan để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi của Luật khi được ban hành.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) |
Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong dự thảo Luật để tránh chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng, thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời rà soát kỹ thuật lập pháp, phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Báo cáo thẩm tra đề nghị các đại biểu Quốc hội thảo luận tập trung cho ý kiến vào một số nội dung về: Công an xã, thị trấn trong hệ thống tổ chức Công an nhân dân (khoản 2 Điều 18); quy định cụ thể vị trí chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng; quy định cục đặc biệt; quy định cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố (khoản 1 Điều 26); thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức trong Công an nhân dân (khoản 2 Điều 27); công nghiệp an ninh (Điều 35)…
Theo chương trình kỳ họp, chiều cùng ngày, các đại biểu sẽ tiến hành thảo luận tại tổ về dự án này và dự kiến thảo luận toàn thể tại hội trường vào sáng 14/6 tới./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội