Trong nước

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn

17:02, 04/06/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Bấm Play để xem video. Mở loa để nghe tiếng

Thị trường đất đai tại đặc khu diễn biến phức tạp - vấn đề liên quan đến tầm nhìn

Trả lời chất vấn của đại biểu về tình hình thị trường đất đai tại một số địa phương dự kiến xây dựng đặc khu đang diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, vấn đề này liên quan đến tầm nhìn. Bởi, theo quy luật, khi nhìn thấy tiềm năng là người dân sẽ đổ xô vào đất đai, nhưng chúng ta chưa có giải pháp để ngăn chặn trước tình trạng này.

Theo Bộ trưởng, vừa qua cũng đã có một số giải pháp mang tính chỉ thị hành chính để ngăn chặn, nhưng thực tế người dân đã có nhiều giao dịch "ngầm". Từ 10 năm trước, đất đai ở khu vực quy hoạch làm sân bay Long Thành cũng xảy ra tình trạng tương tự, dù chính quyền có dừng chứng nhận các giao dịch thì việc mua bán "ngầm" vẫn diễn ra. Vấn đề "sốt đất" là đương nhiên, nhưng nghiêm trọng hơn là việc chuyển đối mục đích sử dụng đất, từ đất rừng, đất đặc dụng thành đất xây dựng, hệ quả khó lường. Nếu các giao dịch trái pháp luật thì khi đền bù, thu hồi đất cần phải áp dụng sao cho công bằng.

Cũng theo Bộ trưởng, việc ra chỉ thị tạm dừng giao dịch như cách một số địa phương vừa làm không phù hợp với pháp luật hiện nay. QH cần ban hành Nghị quyết đặc thù để quản lý đất đai tại các đặc khu sẽ hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ rõ, các địa phương cần xem xét lại hồ sơ quản lý hiện trạng đất đai để có chính sách công bằng, kiên quyết xử lý để những người đầu cơ không được hưởng lợi từ những giao dịch đất đai vào thời điểm như vừa qua.

Sáng 5/6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các thành viên Chính phủ tiếp tục trả lời chất vấn về nhóm vấn đề thứ hai.

TRỰC TIẾP: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn - Ảnh 1.

Đến 2030 phải có các nhà máy phát điện sử dụng công nghệ xử lý rác

Trả lời chất vấn của đại biểu liên quan đến việc chưa kiểm soát, giảm thiểu được tình hình ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, "rác thải là vấn đề hết sức bức xúc hiện nay", đồng thời nhận trách nhiệm trên cương vị Bộ trưởng Bộ TN - MT.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, vấn đề này có liên quan đến nhiều bộ, ngành. Cụ thể, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm về vấn đề quy hoạch; Bộ Khoa học và Công nghệ giải quyết về vấn đề công nghệ. Do đó, các Bộ thống nhất đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quản lý tổng hợp về xử lý chất thải trên quan điểm, nguyên tắc và mục tiêu chú trọng đến công nghệ xử lý rác có tính toán phù hợp của các điều kiện kinh tế của các đô thị.


Ô nhiễm không khí rất lớn, nhưng chưa đến mức nghiêm trọng…Theo tính toán của Bộ TN - MT, đến năm 2030, Việt Nam phải có các nhà máy phát điện bằng cách sử dụng các công nghệ xử lý rác. Các công nghệ này hiện nay đang được kiểm chứng và đánh giá cho đầy đủ, tuy nhiên việc lựa chọn các mô hình của thế giới sẽ phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam, sau khi được thẩm định qua Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ được công bố để các địa phương trong cả nước biết và thực hiện.

Các ĐBQH Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) chất vấn Bộ trưởng về giải pháp xử lý tình trạng xả thải thải trực tiếp ra môi trường từ các khu công nghiệp; nguy cơ ô nhiễm môi trường từ bên ngoài biên giới; thực trạng, giải pháp xử lý ô nhiễm bụi, không khí ở các thành phố lớn; quản lý thị trường đất đai tại ba địa phương đang xây dựng đặc khu, vì đây là vấn đề đang gây bức xúc cho dư luận xã hội...

Cho rằng các khu, cụm công nghiệp chủ yếu do cấp huyện quản lý, do thiếu vốn nên về cơ bản không có hạ tầng, hoặc hạ tầng không kết nối, trong cụm công nghiệp lại bố trí dân cư ở..., Bộ trưởng nêu rõ, hiện trạng này đã dẫn tới tình trạng hình thành các khu dân cư ô nhiễm, chuyển ô nhiễm từ làng nghề ra các cụm công nghiệp... Tháng 5 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định về vấn đề này, trong đó có quy định trách nhiệm cụ thể của cấp tỉnh, cấp huyện... trong bảo đảm môi trường.

Liên quan đến ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận "tình trạng này là rất lớn" (dù chưa đến mức nghiêm trọng như một tổ chức đã công bố)… Bộ đã tham mưu Thủ tướng ban hành kế hoạch giám sát môi trường không khí, công bố công khai để nhân dân biết, giám sát, có giải pháp để giảm nguồn thải từ giao thông; khắc phục tình trạng đốt rơm rạ khi thu hoạch...

Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Anh Trí tranh luận và khẳng định, với những thông tin đại biểu có và chuyên môn của một bác sỹ, thì bụi đang gây ô nhiễm rất nghiêm trọng, nhất là ở các thành phố lớn.

Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, có 66 ĐBQH đăng ký chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Chủ tịch QH đề nghị các đại biểu hỏi nhanh, Bộ trưởng đáp gọn, mỗi đại biểu chỉ tranh luận không quá 2 lần để nhiều ĐBQH được đặt câu hỏi chất vấn.

Kiểm soát bảo đảm đạt chuẩn mới được xả thải

Các ĐBQH Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên), Lê Công Đỉnh (Long An), Lê Công Nhường (Bình Định)… chất vấn Bộ trưởng về giải pháp trước mắt và lâu dài xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước; triển khai các giải pháp huy động các nguồn lực để ứng phó biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)...

TRỰC TIẾP: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn - Ảnh 2.

ĐBQH Lê Công Đỉnh (Long An)Ảnh: Quang Khánh

Trả lời các chất vấn này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận ô nhiễm môi trường nói chung cũng như ô nhiễm môi trường lưu vực sông nổi lên vừa qua là xu hướng chưa đảo ngược. Hiện tượng này có ba nguyên nhân chính. Nguyên nhân thứ nhất có thể khắc phục được là các nguồn thải từ các nhà máy, khu công nghiệp. Trong thời gian qua, về cơ bản, Bộ TN - MT, các bộ, ngành, địa phương đã kiểm soát những nguồn thải này, và có biện pháp cụ thể yêu cầu xử lý, giám sát chặt, tức là "yêu cầu phải bảo đảm đạt tiêu chuẩn mới xả thải". 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, do sự phát triển cơ sở hạ tầng chưa chú ý đến công tác thu gom nước thải, nước thải vẫn lẫn với nước mưa, nên khoảng 95% lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý, thải trực tiếp ra môi trường. Bên cạnh đó, các làng nghề truyền thống, mà trên thực tế nhiều làng nghề là công nghiệp cũ, lạc hậu biến tướng đã tham gia vào khu vực này. Với điều kiện, năng lực hạn chế nên chưa kiểm soát được hết các làng nghề, trong khi đó nguồn lực đầu tư Nhà nước có hạn.

Về trách nhiệm trên lưu vực sông, Bộ trưởng cho biết, hiện đã có cơ chế và Ủy ban bảo vệ lưu vực sông. Trong thời gian qua, đã có tiến bộ bước đầu, xác định địa phương nào có nước thải, có kinh phí nhiều phải tự xử lý tại nguồn. Với cơ chế này, Bộ trưởng cho rằng, thời gian tới, có thể xác định nguồn thải từng địa phương và cơ chế xác định trách nhiệm địa phương. Hà Nội hiện đang có cơ chế huy động xã hội hóa, đầu tư tư nhân áp dụng công nghệ, và dự kiến đến năm 2020 thì tư nhân hóa tham gia vào xử lý nước thải này, với sự hỗ trợ của UBND thành phố.

"Ở đây, trước hết, từng địa phương phải xác định trách nhiệm của mình", Bộ trưởng nói, "thứ hai, có sự đầu tư, huy động nguồn lực từ xã hội để thu gom nguồn nước thải, có công nghệ thích hợp để xử lý, và thứ ba là từng bước để người dân tham gia vào việc này, hiện chi phí đóng góp chỉ chiếm 7% tổng chi phí, chưa bảo đảm".

Bộ trưởng cũng khẳng định, "với cơ chế hiện nay, nguồn lực đầu tư của Nhà nước và cơ chế thực hiện xã hội hóa thì có thể giải quyết vấn đề này trong tương lai gần. Bộ đang trao đổi với Hà Nội và thực hiện đánh giá nước thải từng địa phương, cung cấp công nghệ cần thiết".

TRỰC TIẾP: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn - Ảnh 3.

Là "tư lệnh" ngành thứ hai đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà sẽ trả lời về các vấn đề như: Công tác quản lý đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo; tình trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long.

Với kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp, trên cơ sở phân tích rõ tình hình, thực trạng cũng như các hoạt động đã triển khai, kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế..., trong phần giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sẽ đẩy mạnh phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm mới, đồng thời giảm các nguồn thải đang gây ô nhiễm; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, có chính sách ưu đãi các nhà máy, khu công nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến xử lý chất thải, tuần hoàn chất thải, giảm phát thải.

Tiếp tục tổng hợp, rà soát thông tin về xả thải của các cơ sở nhằm phân loại dự án, nguồn thải theo mức độ tác động, thiết lập cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả, tiến tới kiểm toán chất thải. Hoàn thiện hệ thống quan trắc, quan trắc tự động tại cơ sở và môi trường xung quanh; đối với các dự án có nguy gây ô nhiễm môi trường cao, tăng cường các giải pháp phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường như hồ sự cố, hồ kiểm chứng…

Triển khai đề án kiểm soát đặc biệt với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao với mục tiêu kiểm soát, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường lớn; tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Duy trì và phát triển đường dây nóng tiếp nhận thông tin về ô nhiễm môi trường từ trung ương đến địa phương.

Nguồn: Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Các tin khác