Trong nước
Quốc hội nghe báo cáo dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)
Sáng 31/5, họp phiên toàn thể tại hội trường, Quốc hội nghe các báo cáo về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý liên quan đến việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài Nhà nước; nội dung các quy định phòng chống tham nhũng (PCTN) trong khu vực ngoài Nhà nước; đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập; công khai bản kê khai tài sản, thu nhập; minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập; kiểm soát xung đột lợi ích...
Báo cáo thẩm tra dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày cho biết tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này.
Ủy ban Tư pháp cho rằng dự thảo Luật được chỉnh lý về cơ bản đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội liên quan đến việc thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo, định hướng của Đảng trong xây dựng Luật, trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.
Nhiều quy định của dự thảo Luật đã được sửa đổi nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành như: quy định về công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm giải trình; tiêu chí đánh giá công tác PCTN; báo cáo, công khai báo cáo công tác PCTN; tuyên truyền, giáo dục về công tác PCTN; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; thanh toán qua tài khoản và nhiều nội dung khác của dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là một dự án Luật hết sức quan trọng, tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội nên một số nội dung lớn, phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng để vừa nâng cao hiệu quả PCTN, khắc phục được những hạn chế trong thực tiễn thi hành, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội nước ta, bảo đảm tính khả thi, nhất là quy định về xử lý tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý nguồn gốc; thẩm quyền của cơ quan Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra về công tác PCTN khu vực ngoài Nhà nước; cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập...
Ủy ban Tư pháp tán thành với việc mở rộng phạm vi áp dụng của dự thảo Luật vì cho rằng, hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, đồng thời đây là các chủ thể huy động vốn đóng góp của nhiều cổ đông hoặc thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện… Do đó, cần có sự kiểm soát chặt chẽ để tránh việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ được giao hoặc thành lập doanh nghiệp “sân sau” để tham nhũng. Đồng thời nhấn mạnh quy định này còn có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, thúc đẩy hiệu quả PCTN trong khu vực Nhà nước.
Để có cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật, theo sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận một số vấn đề lớn về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật ra khu vực ngoài Nhà nước; nội dung thanh tra, kiểm tra đối với khu vực ngoài Nhà nước (Điều 100 và Điều 103); cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 32); đối tượng kê khai tài sản, thu nhập (Điều 37); xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc (Điều 49)…
Nguồn: Chinhphu.vn