Trong nước
Xử lý kỷ luật tổ chức đảng giới thiệu cán bộ sai!
Quốc hội khóa XIV mới đi được nửa chặng đường, đã có một số đại biểu do các vấn đề khác nhau phải cho thôi hoặc mất tư cách đại biểu Quốc hội. Điều này đặt ra nhiều vấn đề, trong đó có trách nhiệm của tổ chức đảng, bí thư, cấp ủy về công tác đánh giá giới thiệu cán bộ và hiệp thương bầu cử.
Thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kỷ luật và đề nghị kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm. (Ảnh: HH) |
Cho thôi hoặc mất tư cách đại biểu Quốc hội
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay có 2 người bị bác tư cách đại biểu, 3 đại biểu được cho thôi nhiệm vụ, 2 người bị mất quyền đại biểu và 2 đại biểu đã qua đời.
Quốc hội khóa XIV sau bầu cử có 496 người (theo quy định bầu không quá 500 đại biểu). Tuy nhiên, ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường đã bị bác tư cách đại biểu Quốc hội.
“Tiếp đó, do có những vi phạm nên có người bị buộc phải thôi nhiệm vụ và mất quyền đại biểu Quốc hội. Có trường hợp chuyển công tác” – ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm.
Cụ thể: Cho thôi nhiệm vụ đại biểu đối với ông Võ Kim Cự (đoàn Hà Tĩnh) và bà Phan Thị Mỹ Thanh (đoàn Đồng Nai) do bị kỷ luật và có đơn xin thôi nhiệm vụ. Ông Ngô Đức Mạnh (đoàn Bình Thuận) được cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội để nhận công tác làm Đại sứ tại Liên bang Nga.
Hai ông Đinh La Thăng (đoàn Thanh Hoá) và Nguyễn Quốc Khánh (đoàn Quảng Nam) bị mất quyền đại biểu Quốc hội sau khi toà phúc thẩm tuyên án tù.
Ngoài ra, có hai đại biểu đã qua đời là ông Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) và Hoà thượng Thích Chơn Thiện (đoàn Thừa Thiên Huế). Như vậy, Quốc hội khoá XIV hiện còn 487 đại biểu.
Về việc khuyết 9 đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Những trường hợp này không phải có nhiều nên không ảnh hưởng lắm. Hơn nữa, đại biểu Quốc hội không chỉ làm việc tại nơi được bầu mà hoạt động theo phân công khi tiếp xúc cử tri. Thậm chí đại biểu Quốc hội ở tỉnh này có thể sang tỉnh khác tiếp xúc cử tri. Cơ chế hiện nay rất rộng”.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh: “Qua các trường hợp đại biểu Quốc hội khoá XIV vi phạm pháp luật cho thấy đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm sâu sắc về việc thẩm tra nhân sự khi tiến hành bầu cử trong nhiệm kỳ tới”.
Trách nhiệm tổ chức đảng, bí thư cấp ủy giới thiệu cán bộ sai
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi bày tỏ: Tôi nghĩ, đại biểu Ngô Đức Mạnh đi làm nhiệm vụ Đại sứ ở Nga thì đó cũng là điều vinh dự cho Quốc hội. Tuy nhiên, kỳ này còn tới 3 đại biểu khác phải cho thôi hoặc mất tư cách đại biểu thì đó là nỗi buồn.
Ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm: Quy trình lựa chọn ứng viên là rất bài bản, đi từ cơ sở, giới thiệu từ cơ sở lên, rồi đưa ra Mặt trận để hiệp thương. Quá trình đó chúng ta làm rất chặt chẽ, bài bản mà vẫn “lọt” người, như vậy tôi cho rằng các tổ chức, xem xét, đánh giá cán bộ và công tác hiệp thương của Mặt trận còn thiếu sót. Vấn đề trách nhiệm ở đây nên được xem xét là công tác đánh giá cán bộ, giới thiệu và hiệp thương của chúng ta chưa chắc chắn và có lẽ cũng có “lỗ hổng" nào đó!
“Công tác hiệp thương của Mặt trận cần phải làm rất kỹ và có lẽ chúng ta phải nghe thêm ý kiến của nhân dân - với nguyên lý lấy chất lượng làm gốc. Tôi nghĩ có đại biểu trong quá trình giới thiệu, hiệp thương người dân đã ý kiến rồi nhưng chúng ta chưa làm hết trách nhiệm của mình để nghiên cứu kỹ vấn đề này” - ông Bùi Sỹ Lợi chia sẻ.
Nhấn mạnh đến trách nhiệm của cơ quan để “lọt” đại biểu không xứng đáng vào Quốc hội, PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho rằng: Giới thiệu cán bộ sai, vi phạm pháp luật mà tổ chức đảng ở đó chỉ bị kỷ luật “khiển trách” là hơi nhẹ. Ông Vũ Văn Phúc dẫn chứng trường hợp sai phạm đã xảy ra trong công tác cán bộ, tổ chức đảng giới thiệu Trịnh Xuân Thanh ứng cử đại biểu Quốc hội để người này lọt qua 3 vòng hiệp thương, được đưa bầu và rồi “trúng cử”, suýt trở thành đại biểu Quốc hội chính thức giờ cần phải chịu trách nhiệm, bị kỷ luật. Tương tự, vụ việc của bà Phan Thị Mỹ Thanh – nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai bị kỷ luật và cho thội đại biểu Quốc hội, theo ông Vũ Văn Phúc, đến lúc này, tổ chức đảng giới thiệu bà Thanh cần phải bị xem xét kỷ luật vì đánh giá cán bộ giới thiệu, hiệp thương lựa chọn cán bộ của mình không đúng”.
Những hạn chế, yếu kém trên minh chứng cho đánh giá của Hội nghị Trung 7 khóa XII: Đánh giá cán bộ là khâu trọng yếu trong công tác cán bộ nhưng cho đến nay vẫn là khâu yếu nhất. Trung ương nhấn mạnh, trong kiểm điểm, đánh giá vẫn còn biểu hiện hình thức, chưa thực chất; còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, thiếu tính chiến đấu, dĩ hòa vi quý, khen ngợi lẫn nhau, ít góp ý về khuyết điểm khi phê bình người đứng đầu; chưa làm rõ vai trò trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, việc đánh giá và phân loại cá nhân chưa đúng thực chất. Có cán bộ có khuyết điểm, vi phạm nhưng không phát hiện được vẫn đánh giá tốt để được quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, bầu vào các chức vụ cao hơn. Không ít cán bộ được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng sau đó bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự và trường hợp cho thôi hoặc mất tư cách đại biểu Quốc hội là ví dụ.
Do vậy, để khắc phục những hạn chế trên về công tác cán bộ, trong đó có việc giới thiệu cán bộ để bầu vào Quốc hội, đặt ra yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ trước hết là đánh giá cán bộ theo Nghị quyết số 26 của Trung ương 7 khóa XII; lựa chọn cán bộ để hiệp thương, tranh cử chọn ra những người có đủ đức và tài đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đảng và bí thư, cấp ủy và người đứng đầu trong việc giới thiệu nhân sự.
Về vấn đề này, PGS.TS Vũ Văn Phúc cho rằng: “Nên đưa vào quy định của Đảng buộc tổ chức đảng, bí thư, cấp ủy, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trong việc tham mưu giới thiệu cán bộ, đảng viên ứng cử. Phải quy định hình thức kỷ luật cao hơn thì tổ chức đảng, bí thư, cấp ủy đơn vị đó mới có trách nhiệm đến nơi đến chốn với việc này”.
Cùng quan điểm trên, đồng chí Phạm Đức Tiến – Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện, Quy định 263 năm 2014 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Do đó, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ, vi phạm các quy định về bầu cử để xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng giới thiệu cán bộ sai, vi phạm công tác bầu cử trong thời gian vừa qua./.
Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam