Trong nước

Bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn

18:32, 06/06/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
Sau ba ngày làm việc tích cực và trách nhiệm, chiều 06/6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc phiên chất vấn
Chủ tịch Quốc hội phát biểu bế mạc phiên chất vấn
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, sau ba ngày làm việc tích cực và trách nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành các nội dung của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5. Qua các phiên chất vấn cho thấy các nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn đều là những vấn đề kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, bức xúc được đông đảo các vị đại biểu Quốc hội và cử tri cũng như dư luận xã hội và nhân dân cả nước quan tâm. Nhìn chung các phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Việc đổi mới một bước cách thức chất vấn, hỏi ngắn, đáp gọn tại kỳ họp lần này đã có kết quả tích cực, được các đại biểu Quốc hội và cử tri đồng tình, đánh giá cao. Tại các phiên chất vấn đã có hơn 250 lượt đại biểu Quốc hội chất vấn và tranh luận. Các thành viên Chính phủ đã trả lời hầu hết tất cả các câu hỏi đặt ra, mặc dù Quốc hội đã dành 3 ngày để thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn nhưng vẫn còn nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi mà chưa đủ thời gian để trả lời trực tiếp tại hội trường và các thành viên Chính phủ sẽ trả lời bằng văn bản sau.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao việc các đại biểu Quốc hội đã thể hiện sự tâm huyết, tinh thần trách nhiệm nghiêm túc cơ bản chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề và tích cực tranh luận để làm rõ thêm nội dung chất vấn. Nhưng cũng còn một số đại biểu đặt nhiều câu hỏi hoặc hỏi nhiều nội dung trong câu chất vấn, chất vấn quá thời gian quy định, đăng ký tranh luận nhưng lại đặt câu hỏi. Các thành viên của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã nắm chắc tình hình thực trạng ngành, lĩnh vực phụ trách, đã trả lời thẳng thắn và giải trình rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu thuộc phạm vi, trách nhiệm của mình và cam kết khắc phục những hạn chế, bất cập để nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, tăng cường kỷ  luật, kỷ cương quyết tâm tạo sự chuyển biến trong thời gian tới. Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, của các ngành trong việc trả lời chất vấn, trong sự chỉ đạo, điều hành, khắc phục được những tồn tại, hạn chế, đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều vấn đề nổi lên. Một số nội dung đã được Quốc hội chất vấn, giám sát nhưng chuyển biến còn chậm, chưa đạt yêu cầu như mong đợi. Do vậy cần có quyết tâm cao hơn, giải pháp đột phá hơn để tạo sự chuyển biến thiết thực, hiệu quả trong thời gian tới, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân.

Toàn cảnh hội trường phiên họp

Qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy Quốc hội, các đại biểu Quốc hội không chỉ nêu ra những hạn chế, bất cập mà còn thể hiện trách nhiệm đồng hành, chung tay, sát cánh cùng Chính phủ, với các bộ ngành, địa phương trong việc triển khai các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vì sự phát triển của đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Trong những vấn đề Quốc hội, cử tri yêu cầu có nội dung liên quan đến công tác quản lý, điều hành có thể chấn chỉnh, triển khai ngay, nhưng cũng có những nội dung liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực cần xem xét, sửa đổi chính sách pháp luật để triển khai một cách đồng bộ mới có hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, sau kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chuẩn bị dự thảo Nghị quyết về chất vấn tại kỳ họp thứ 5 để trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở cho việc giám sát triển khai thực hiện. Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp. Thực hiện các giải pháp có hiệu quả, đẩy mạnh hơn nữa tiến độ thực hiện và khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được nêu đối với từng lĩnh vực để báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau./.

 

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Các tin khác