Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 |
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng nêu rõ, các Bộ, ngành địa phương phải phân tích kỹ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để tìm cách khắc phục, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2017.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, xu hướng tích cực về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Theo đó, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, tín dụng tăng mạnh, được định hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Lãi suất ngân hàng giảm 0,5%. Thị trường chứng khoán đạt điểm cao nhất trong 9 năm. Xuất nhập khẩu tăng mạnh, gần 19%. Thu ngân sách đạt khá, trên 53 tỉnh, thành phố vượt thu so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công đã tăng 1,8 lần so với tháng trước. Thu hút đầu tư tăng mạnh, nhất là đầu tư nước ngoài (FDI). Có 73.000 doanh nghiệp mới đăng ký và trên 17.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý một số bất cập, tồn tại như tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn khi vẫn còn 43.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động. Một số chi phí, nhất là chi phí vận tải, logistics còn cao. Giải ngân tăng nhưng chưa đạt yêu cầu khi 7 tháng mới đạt 38,5% dự toán.
Đặc biệt, dịch sốt xuất huyết lan rộng với trên 60.000 người mắc, trong đó gần 50.000 người nhập viện, đặt biệt có 17 người tử vong. Tình trạng cháy, nổ, tai nạn giao thông còn phức tạp, gần đây nhất là xảy ra vụ cháy nghiêm trọng ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức thành phố Hà Nội làm chết 8 người.
Cùng với đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh hệ thống chính quyền cơ sở, nhất là cấp huyện, xã, chuyển biến chậm, nhũng nhiễu phiền hà còn nhiều, thủ tục hành chính rườm rà, chưa ngăn chặn hết tiêu cực, kỷ cương phép nước, kỷ luật hành chính chưa được thực hiện nghiêm ở một số cán bộ công chức.
Thủ tướng hoan nghênh TP Hà Nội xử lý nghiêm vụ Phó Chủ tịch phường Văn Miếu |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Tiếp tục đẩy mạnh cải cánh thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn ở các cấp, các ngành cả hệ thống để tháo gỡ rào cản phát triển tạo thuận lợi cho người dân. Tôi hoan nghênh Thành phố Hà Nội đã đình chỉ công tác, kiểm điểm Phó Chủ tịch phường Văn Miếu, không để tình trạng người dân khai tử gây khó dễ làm chậm quá trình mai táng, những việc đơn giản mà quan liêu như vậy phải xử lý nghiêm trong toàn hệ thống. Nhiều người cho tôi biết các đồng chí lãnh đạo nói rất mạnh vấn đề này nhưng chuyển biến cả hệ thống để phục vụ nhân dân dưới cơ sở còn rất nhiều vấn đề bất cập".
Thủ tướng đề nghị, các thành viên Chính phủ “hiến kế”, đề xuất những giải pháp trong những tháng còn lại của năm 2017 để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, cũng như thảo luận các quyết sách gỡ các nút thắt như về thể chế, thủ tục hành chính, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, vướng mắc về giải ngân vốn ODA, chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí thủ tục hành chính, cả thời gian, tiền bạc còn là gánh nặng đối với người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, phải đặt vấn đề đẩy mạnh các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, để đưa vốn đầu tư xã hội đạt 34-35% GDP.
"Đặc biệt các đồng chí phải đề xuất những giải pháp cụ thể trong những tháng còn lại để đạt mục tiêu 6,7% trong năm nay, và những năm tiếp theo. Anh nào chưa có lửa trong lòng mình, trong ngành mình hãy nhóm lên, anh nào cần đá tiền đạo, hai ba tiền đạo để ghi bàn cần tiến lên. Chúng ta không phải chạy theo số lượng, nhưng nếu không hoàn thành tốt ảnh hưởng rất nhiều đến các chỉ tiêu của Chính phủ, trong đó có chỉ tiêu nợ công. Chúng ta phải thực hiện nghiêm cơ chế chính sách pháp luật chỉ đạo điều hành của Chính phủ trong đó việc tổ chức thực hiện là vấn đề cốt lõi cần tập trung để có biện pháp mạnh hơn", Thủ tướng đề nghị.
Trong sáng nay, các thành viên Chính phủ dành phần lớn thời gian để thảo luận và cho ý kiến về Dự án Luật an ninh mạng, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao, nghe Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo tóm tắt về Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Góp ý về nội dung này, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ cho rằng: "Việc thực hiện không có gì khó, mà khó khăn ở chỗ sau khi sắp xếp sẽ dư thừa một số người từng làm báo, đẩy họ ra ngoài xã hội, họ sẽ hoạt động thế nào, và quản lý họ ra sao? Họ còn được giữ thẻ nhà báo, còn là Hội viên Hội nhà báo Việt Nam nữa hay không để chúng ta còn quản lý. Nếu không họ sẽ có những tác động bất lợi đây chính là vấn đề cần giải quyết của các cơ quan chủ quản".
Theo chương trình, chiều cùng ngày, Chính phủ thảo luận cho ý kiến về tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017./.