Sáng 19/11, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng xung quanh vấn đề chất lượng công trình, giá công trình, suất công trình, chất lượng công trình…
Liên quan đến suất đầu tư công trình, tiến độ, chất lượng, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay, về suất đầu tư phải có so sánh, cân nhắc tương đồng, tương đối. Vì nếu không đưa được nó về cùng một mặt bằng thì so sánh là rất khó. Ví dụ: 2 căn nhà làm quy mô giống nhau hoàn toàn, nằm cạnh nhau, thi công cùng một lúc nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau, tiêu chuẩn thiết kế khác nhau thì giá thành cũng đã khác nhau rồi. Một bên thiết kế không động đất, một bên thiết kế động đất cấp 7, cấp 8 thì rõ ràng giá thành của công trình khác nhau, việc so sánh này cũng hết sức khó khăn, cho nên chỉ mang tính tương đối.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN. |
Bộ trưởng thông tin, ở khu vực miền núi, trung du miền Bắc, bình quân là 7,4 triệu USD/1km. Khu vực Trung và Nam Trung Bộ 10,5 triệu USD/1km. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ 10,6 triệu USD/1km. Khu vực đồng bằng Nam Bộ 17,2 triệu USD/1km. Đó là tính bình quân của đường cao tốc và tôi không thể so sánh đường cao tốc với các đường quốc lộ và các đường tỉnh lộ được. "Cho nên, không thể bình quân tất cả các đường giao thông được", Bộ trưởng nói.
Về chi phí giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Dự án Láng - Hòa Lạc tổng số giải phóng mặt bằng là 1.550 tỷ đồng, bằng 20,59% tổng mức đầu tư. Dự án Hà Nội - Hải Phòng 3.699 tỷ đồng, bằng 8,13% tổng mức đầu tư. Dự án Đà Nẵng - Quảng Ngãi 3.199 tỷ đồng, bằng 11,44% tổng mức đầu tư. Dự án thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương 980 tỷ đồng, bằng 9,2% tổng mức đầu tư. Dự án Bến Lức - Long Thành 3.034 tỷ chiếm 10% tổng mức đầu tư. Mỗi một dự án có điều kiện khác nhau, chi phí giải phóng đền bù mặt bằng khác nhau.
“Đối với đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu như một số đại biểu nói là đắt nhất hành tinh, với chiều dài 520m, kinh phí giải phóng mặt bằng 825 tỷ đồng, chiếm 85% tổng mức đầu tư, Bộ trưởng Đinh La Thăng lý giải: "Chi phí xây dựng đường các nơi tương đối như nhau chứ không phải là làm con đường đấy là đắt nhất hành tinh. Nhưng vì con đường đó đi qua một khu dân cư như vậy, cho nên tiền giải phóng mặt bằng chiếm tới 85%. Ngành giao thông vận tải luôn phải rà soát lại các định mức, các đơn giá, các tiêu chuẩn, quy chuẩn để làm sao cố gắng đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình nhưng giá thành phải tiếp tục giảm để sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư”.
Đề cập đến việc thu phí Quốc lộ 1 song song với đường cao tốc, Bộ trưởng Đinh La Thăng giải thích, khi mà lưu lượng giảm không như tính toán của nhà đầu tư thì trong tổng số dự án tính toán thì cần một lượng xe nhất định đi qua với một tổng chi phí nhất định để nộp phí. Tuy nhiên, nếu lưu lượng giảm có nghĩa người đi ít, vậy thời gian dự án phải dài ra đúng như đại biểu nói nhưng tổng số là không đổi.
Theo như Bộ trưởng tính toán, chẳng hạn 1 triệu lượt xe đi để thu hồi vốn đoạn đường này như theo tính toán 20 năm, nhưng bây giờ 20 năm chưa đủ 1 triệu xe chỉ có 800 nghìn xe, do đó, phải kéo dài ra để cho đủ 1 triệu xe, nên tổng số người dân nộp không phải tăng thêm một chút nào mà vẫn như vậy./.