Trong nước
Quốc hội thảo luận dự án Luật căn cước công dân
15:51, 20/06/2014 (GMT+7)
Nhiều đại biểu Quốc hội nhất trí với việc phải hiện đại hóa giấy tờ về căn cước công dân theo hướng ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới. Cần quy định việc sử dụng thẻ căn cước công dân theo công nghệ tiên tiến vừa bảo đảm bền đẹp, chống làm giả, vừa có khả năng tích hợp nhiều thông tin cần thiết để góp phần đơn giản hóa giấy tờ cho công dân, từng bước thực hiện Chính phủ điện tử.
Với 20 ý kiến phát biểu tại hội trường, các đại biểu thống nhất cao sự cần thiết ban hành Luật Căn cước công dân, khẳng định tính khoa học, chặt chẽ của dự luật, những ưu điểm nổi trội phục vụ yêu cầu quản lý dân cư và tạo thuận lợi cho người dân, đáp ứng yêu cầu mới.
Theo dự luật, trên thẻ căn cước công dân có thông tin về nơi thường trú của công dân, sau khi hoàn thành cơ sở hạ tầng và tích hợp đầy đủ dữ liệu về công dân sẽ bỏ sổ hộ khẩu. Trên thẻ căn cước công dân cũng có thông tin về họ và tên khai sinh, họ và tên gọi khác, ngày tháng năm sinh, giới tính… Các thông tin này được tích hợp từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công dân có thể sử dụng thẻ căn cước công dân để chứng minh trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân mà không cần phải sử dụng một số giấy tờ khác. Mặt khác, trên thẻ căn cước công dân có số định danh cá nhân của mỗi người, giúp cho công dân thuận tiện khi giải quyết các thủ tục hành chính, thực hiện các giao dịch dân sự…
Thẻ căn cước công dân giúp cho công dân thuận tiện khi giải quyết các thủ tục hành chính, dân sự |
Những tiện ích vượt trội
Phát biểu thảo luận, các đại biểu nhất trí cao sự cần thiết ban hành Luật Căn cước công dân. “Hiến pháp năm 2013 đã quy định quyền tự do đi lại, giao dịch, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư bí mật cá nhân và bí mật gia đình là quyền con người, quyền công dân được Nhà nước bảo vệ. Căn cước công dân liên quan trực tiếp đến những quyền này. Vì vậy, xây dựng Luật Căn cước công dân để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân liên quan đến căn cước công dân” - đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) nêu quan điểm. Ông đánh giá cao về việc xây dựng dự luật, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và thời đại. Ông mong Việt Nam cũng làm được để đáp ứng sự mong đợi của người dân. Đánh giá về sự thuận tiện, đại biểu Niễn cho rằng: “Đây là vấn đề rất mới, cần phải quan tâm. Đó là số định danh cá nhân từ khi sinh ra tới khi mất đi. Chìa khóa con người không ai giống ai. Thẻ căn cước công dân sẽ rất thuận tiện, không cần nhiều giấy tờ…”.
Nhiều đại biểu nhất trí với việc phải hiện đại hóa giấy tờ về căn cước công dân theo hướng ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật công nghệ tiên tiến, phù hợp với xu hướng của các nước trên thế giới. Cần quy định việc sử dụng thẻ căn cước công dân theo công nghệ tiên tiến vừa bảo đảm bền đẹp, chống làm giả, vừa có khả năng tích hợp nhiều thông tin cần thiết để góp phần đơn giản hóa giấy tờ cho công dân, từng bước thực hiện Chính phủ điện tử.
Đại biểu Nguyễn Tất Thắng (Vĩnh Long) phân tích: “Tôi đánh giá rất cao tinh thần khẩn trương của ban soạn thảo. Dù là lứa tuổi nào cũng là để quản lý con người, dữ liệu quốc gia là tài sản quốc gia, tùy chức năng mỗi Bộ mà giao nhiệm vụ. Nếu Bộ nào cũng xây dựng một bộ dữ liệu là chồng chéo thông tin”.
Đồng tình quan điểm, đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho rằng, đây là bước tạo đột phá cải cách hành chính Nhà nước phục vụ nhân dân, hạn chế được nhiều loại giấy tờ, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, đồng bộ với hệ thống pháp luật và dữ liệu quản lý dân cư, quản lý công dân. Liên quan tới tên gọi, đại biểu Nguyễn Đức Chung đề nghị, nguyện vọng của nhân dân là để tên gọi “chứng minh nhân dân”, như vậy sẽ không thay đổi các giấy tờ liên quan khác và sẽ thuận tiện hơn. Cả nước thống nhất từ năm 1976 đến nay, với 68 triệu người dân được cấp, đó là cơ sở vô cùng quý báu, nếu thay tên sẽ gặp khó khăn.
Vì quyền lợi người dân thì phải gắng làm
Nhiều đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị của Chính phủ trình dự luật này. Theo đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), Chính phủ đã có đề án về cải cách hành chính rất rõ ràng, phải mạnh dạn hơn nữa, không thể là “tiếng kèn ngập ngừng”. Vì thuận tiện cho công dân, phải chọn phương án 2 là công nghệ. Đó là thể thông minh, đa dạng thì mới đáp ứng được. Tích hợp thông tin hữu ích cái mà người dân cần, Nhà nước cần và rất thuận tiện cho người dân về nhiều mặt. Ông cho rằng, đã có nhiều luật quy định hiện đại hóa thông tin, nay nhân cơ hội này ta làm, cần sự đầu tư thích đáng về kinh phí.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng phát biểu tại hội trường ngày 19/6 |
Có đại biểu băn khoăn về tính khả thi của dự án luật vì có nhiều vấn đề mới chưa được triển khai, kiểm nghiệm trên thực tiễn như: khả năng làm chủ về công nghệ, kỹ thuật, trang thiết bị, sự tương thích đối với hạ tầng kỹ thuật của các cơ quan tổ chức liên quan… Về vấn đề này, nhiều ý kiến khẳng định, những ứng dụng công nghệ mới, thay đổi khiến người dân ban đầu chưa quen, cơ quan quản lý chưa có kinh nghiệm nhưng về sau, khi đã sử dụng đồng bộ, nó sẽ tạo thói quen vì sự tiện ích, hiện đại của nó. Về phía cơ quan quản lý, quá trình tập huấn, bồi dưỡng sẽ giúp làm chủ công nghệ, đáp ứng yêu cầu mới. Từ đó, một số ý kiến đề nghị đánh giá tác động toàn diện về kinh tế - xã hội và lợi ích của nhân dân, quy định cụ thể những vấn đề đã được tổng kết, kiểm nghiệm trong thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới. Căn cứ vào tình hình kinh tế, xã hội của đất nước để có lộ trình phù hợp, bảo đảm vừa đổi mới, cải cách, vừa phải đáp ứng yêu cầu ổn định trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.
Phù hợp xu thế thế giới
Vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu căn cước công dân cấp số định danh cá nhân, thẻ căn cước công dân… cũng được đại biểu Quốc hội đóng góp cụ thể. Theo đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam), thẻ căn cước công dân là Nhà nước đã cấp cho công dân một loại giấy tờ tùy thân đặc biệt, gắn liền với người dân trong lưu trữ quốc gia, là việc làm cần thiết. “Tôi thấy phù hợp với thông lệ quốc tế để quản lý dân cư, quản lý xã hội, dễ phân biệt giới tính, vùng miền. Thẻ 12 số đảm bảo nhất quán định danh, phục vụ tra cứu đảm bảo yêu cầu phục vụ đảm bảo an ninh trật tự".
Liên quan đến sổ định danh cá nhân, đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho ý kiến, mỗi công dân từ khi sinh ra đến khi mất đi có 1 số định danh cá nhân. Mã hóa liên quan vùng, phải đảm bảo 12 chữ số, toàn bộ liên quan đến phần mềm, dữ liệu gốc. Ông khẳng định, phải có 12 chữ số mới cải cách được. Dự thảo luật quy định rõ: số định danh cá nhân là mã số công dân gồm 12 số tự nhiên, được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý thống nhất trên toàn quốc, được cấp cho mỗi công dân Việt Nam và không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu cụ thể của một người trong cơ sở dữ liệu. Về hạn sử dụng thẻ căn cước công dân, đối với thẻ của người dưới 15 tuổi thì hạn sử dụng là từ khi cấp đến khi người đó đủ 14 tuổi. Đối với thẻ của người từ 15 tuổi đến dưới 25 tuổi thì hạn sử dụng là 10 năm, kể từ ngày cấp. Đối với thẻ của người từ đủ 25 tuổi đến dưới 70 tuổi thì hạn sử dụng là 15 năm. Riêng đối với người từ 70 tuổi trở lên thì không xác định hạn sử dụng của thẻ.
Nên gộp hộ tịch vào Luật Căn cước
Bên lề Quốc hội, đại biểu Vũ Chí Thực cho rằng, quan điểm chung là phải xây dựng cơ sở dữ liệu công dân, trong đó số định danh cá nhân là bước đột phá để chúng ta tiến tới quản lý công dân bài bản, theo quy trình từ khi con người sinh ra đến khi con người mất đi.
- Thảo luận tại hội trường, có ý kiến băn khoăn về việc đổi CMND 9 số lên 12 số. Quan điểm của ông thế nào?
Để làm được thẻ căn cước công dân thì CMND 9 số hiện nay phải nâng lên thành 12 số thì mới bảo đảm được dãy số tự nhiên để quản lý được 90 triệu dân sau này là 125 triệu dân khi đạt cực thịnh như dự đoán của chúng ta. Hiện nay, Chính phủ đang cho thí điểm làm CMND 12 số ở 5 tỉnh, thành. Trong dự thảo Luật Căn cước công dân cũng nêu rõ, giai đoạn để hoàn tất làm thẻ căn cước công dân là từ nay đến năm 2020. Từ nay đến đó, vẫn sẽ tiến hành song song, ai có CMND 9 số thì vẫn dùng, còn ai muốn đổi sang 12 số thì vẫn được.
- Dự kiến từ 1/1/2016 đã áp dụng thẻ căn cước công dân. Việc đổi sang 12 số có nên đợi đến thời điểm đó?
Vấn đề này thì Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội đã bày tỏ quan điểm của mình, có văn bản đề nghị tạm dừng thí điểm CMND 12 số đợi Luật Căn cước công dân. Xã hội, ĐBQH cũng có luồng suy nghĩ như thế. Song thực ra, ta đang thí điểm CMND 12 số, là dự án trước đây khi chưa có nghiên cứu về Luật Căn cước công dân. Vì vậy, theo tôi được biết Bộ Công an cũng đang cân nhắc điều này. Hiện đang làm thí điểm nên đang nghiên cứu, nhất là sau khi Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về Luật Căn cước công dân.
- Có ý kiến đề nghị lùi thời hạn áp dụng thẻ căn cước công dân vì lo ngại từ 1/1/2016 thì chưa thể bảo đảm điều kiện về hạ tầng cơ sở cũng như các vấn đề khác để làm. Ông thấy sao?
Toàn bộ khả năng dữ liệu gốc của công dân dù chưa thực sự hoàn chỉnh, chưa đi vào hệ thống tích hợp tốt nhưng các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là ngành Công an, tư pháp đều đã quản lý được rồi. Kho dữ liệu là có rồi, ví dụ ngành Công an chúng tôi, để cấp một giấy CMND hay tờ khai hộ khẩu thì đã thực hiện 46 cột mục của người đó rồi. Chỉ có điều bây giờ chúng ta phải thực hiện tích hợp lại cho gọn gàng, đưa vào thành hệ thống cho tốt thôi.
- Hiện dự án Luật Hộ tịch cũng bị cho là có sự chồng chéo với dự án Luật Căn cước. Ta có nên gộp dự Luật Hộ tịch vào Luật Căn cước, nếu gộp thì ai quản lý?
Như hiện nay thì cơ quan Công an nắm là đầy đủ nhất. Tôi thiên về hướng cả 3 luật: thẻ căn cước công dân, hộ tịch, cư trú nên nhập làm một. Sau đó các Nghị định sẽ phân theo nhánh là tốt nhất, bảo đảm không chồng chéo gì cả...
|
Nguồn: cand.com.vn