Trong nước
"Chúng ta không phụ thuộc bất cứ nền kinh tế nào"
08:55, 13/06/2014 (GMT+7)
Chiều 12/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Tình hình Biển Đông và biện pháp ứng phó là một trong những nội dung “nóng” tiếp tục được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn.
Làm gì để kinh tế Việt Nam tránh phụ thuộc vào Trung Quốc?
Tại phiên chất vấn, vấn đề Chính phủ có giải pháp gì để kinh tế Việt Nam tránh phụ thuộc vào Trung Quốc đã được nhiều đại biểu đưa ra.
Là đại biểu đầu tiên chất vấn Phó Thủ tướng, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị: Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ có giải pháp gì để xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập gắn với đảm bảo an ninh - quốc phòng, không lệ thuộc nước ngoài?
Trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào Việt Nam và một số phần tử bị kích động đã đập phá, cướp tài sản gây bất bình trong dư luận, làm mất niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam, đại biểu đề nghị: Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã và đang có những giải pháp gì để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư?
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên chất vấn chiều ngày 12/6 |
Cũng quan tâm đến vấn đề Biển Đông, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ niềm tin và sự đồng tình với những bước đi và đối sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển nước ta. Cũng thời gian đó, tin tức về vấn đề này liên tục xuất hiện trên các trang truyền thông quốc tế. Cờ Tổ quốc được người Việt Nam ở nước ngoài và cả người nước ngoài phất cao tung bay ở nhiều thành phố, nhiều nước trên thế giới. Theo đại biểu, như vậy trong thách thức có cơ hội. “Vậy, Chính phủ đã và sẽ làm gì để nắm bắt cơ hội này, để thế giới tiếp tục ủng hộ Việt Nam, để các nhà đầu tư vẫn lựa chọn Việt Nam là điểm đến?” - đại biểu Trần Hoàng Ngân chất vấn.
Hoanh nghênh báo cáo của Phó Thủ tướng dành thời lượng cần thiết để nói về tình hình Biển Đông, đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị: Phó Thủ tướng cho biết, bên cạnh những giải pháp tái cấu trúc bình thường như đã làm, thì trong tình hình hiện nay, Chính phủ đã có giải pháp gì đột phá hơn để thoát dần phụ thuộc, đặc biệt về nguyên vật liệu từ Trung Quốc?
Trả lời các câu hỏi trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chúng ta không phụ thuộc bất cứ nền kinh tế nào". Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, trong thế giới phẳng, thì không thể độc lập hoàn toàn, nhưng chúng ta có tinh thần xây dựng nền kinh tế chủ động hơn, ứng phó với các tình huống…
Phó Thủ tướng cho biết, để xây dựng nền kinh tế chủ động hơn, giải pháp đặt ra là phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, từng bước nâng cấp nền kinh tế hiệu quả, chất lượng; thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, có chọn lọc hơn, đặc biệt là những dự án mang hàm lượng khoa học hơn, mang lại môi trường tốt hơn cho nước ta; hỗ trợ doanh nghiệp và người dân để đủ sức hấp thụ sự đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; nâng cao năng lực của doanh nghiệp nội tại; mở rộng đa dạng hóa thị trường, phát triển các nguồn nguyên liệu trong nước…
Về vấn đề lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài qua vụ việc một số phần tử bị kích động đã đập phá tài sản của doanh nghiệp Phó Thủ tướng cho biết, trước tình hình trên, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời các ngành chức năng, địa phương lập lại trật tự nhanh chóng: Tạm giữ hành chính gần 2 nghìn người; khởi tố 244 vụ và hơn 500 bị can với tội trộm cắp tài sản, chống người thi hành công vụ; tiến hành nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như: Giải quyết vấn đề bảo hiểm tài sản, y tế, xã hội; hỗ trợ những người lao động, thậm chí bổ sung lực lượng lao động cho doanh nghiệp... Với những chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, các doanh nghiệp tại các địa phương, ngay trong thời gian ngắn, đã phục hồi đến 80 - 90%.
“Điều đáng mừng là các nhà đầu tư nước ngoài đã yên tâm làm ăn ở Việt Nam" - Phó Thủ tướng khẳng định.
Quyết liệt đẩy lùi tham nhũng
Chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) đề cập: Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội trình Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, nhất là nhận định và đánh giá trong báo cáo về trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp, các tệ nạn và tội phạm xảy ra bức xúc trong nhân dân, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu. Nhấn mạnh hai vấn đề: Tội phạm chưa được chặn đứng và tham nhũng chưa bị đẩy lùi, đang là hai vấn đề bức xúc, gây tâm trạng lo lắng, bất an trong nhân dân, đại biểu đề nghị: Phó Thủ tướng cho biết, những giải pháp mạnh quyết liệt, đột phá để chặn đứng tội phạm, đẩy lùi tham nhũng, nhất là tham nhũng trong những cơ quan phòng chống tham nhũng và cơ quan bảo vệ pháp luật nhằm xây dựng lòng tin bền vững trong lòng cử tri và dư luận xã hội.
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Như Tiến, Phó Thủ tướng cho biết: Thời gian qua đã phát hiện, xét xử điều tra nhiều vụ án tham nhũng lớn, được dư luận đồng tình. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng chưa được ngăn chặn, còn nhiều phức tạp, thách thức. Phó Thủ tướng cho biết, biện pháp hiệu quả là tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hoàn thiện thể chế pháp luật; củng cố lực lượng trực tiếp chống tham nhũng; tổ chức tốt các hình thức tiếp nhận thông tin; thường xuyên kiểm tra đánh giá những lĩnh vực nhạy cảm; xác định trách nhiệm của người đứng đầu…
Sau phần trả lời của Phó Thủ tướng, đại biểu Lê Như Tiến đặt lại câu hỏi: Một trong những giải pháp hữu hiệu của phòng chống tham nhũng là kiểm soát tài sản gia tăng của cán bộ, công chức. Tài sản đã kê khai nhưng phải công khai tại nơi công tác, cư trú để nhân dân phát hiện, giám sát.
Theo đại biểu, thời gian qua, chúng ta có kê khai nhưng không công khai. “Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, có bao nhiêu cán bộ cao cấp công khai, minh bạch và phải giải trình về khối tài sản?” - đại biểu chất vấn.
Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ có Nghị định về người đứng đầu và minh bạch tài sản. Theo Phó Thủ tướng, việc công khai, minh bạch chưa làm tốt chứng tỏ văn bản pháp luật là có, nhưng triển khai ở một số cấp, ngành còn hạn chế. Do đó, cần tiếp tục triển khai tốt việc công khai, minh bạch và giải trình tài sản tăng thêm. Về số liệu cụ thể, Phó Thủ tướng cho biết, chỉ có thể qua thanh tra mới phát hiện được.
Nguồn: dangcongsan.vn