Trong nước
Chỉ đạo, điều hành nổi bật trong tuần
13:52, 14/06/2014 (GMT+7)
Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; giảm lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, đối tượng chính sách; hình thành một số Tập đoàn cơ khí chế tạo chủ đạo; giao bổ sung kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2014... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ 9-13/6/2014.
Ảnh minh họa |
Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Chương trình hành động đề ra nhiệm vụ triển khai đổi mới chương trình giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực; phát triển năng lực và phẩm chất người học; chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống; nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; phát triển khả năng sáng tạo và ý thức tự học.
Cũng theo Chương trình hành động, cần đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục theo hướng đánh giá năng lực của người học; kết hợp đánh giá cả quá trình với đánh giá cuối kỳ học, cuối năm học theo mô hình của các nước có nền giáo dục phát triển. Trong đó, cần đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh cao đẳng, đại học, tiến tới tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đào tạo cao đẳng, đại học; thành lập các trung tâm khảo thí độc lập.
Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo và dạy nghề, đặc biệt đối với giáo dục mầm non, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Huy động sự tham gia của toàn xã hội để tăng nguồn đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ các hoạt động của cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Bỏ thủ tục đăng ký đầu tư dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện
Theo Nghị quyết về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh, về thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư, sẽ bãi bỏ thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện.
Đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện, thay thế thủ tục thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư trong trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất và nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án trên đất thuộc quyền sử dụng của nhà đầu tư bằng thủ tục đăng ký đầu tư với nội dung đăng ký đơn giản, chỉ bao gồm các thông tin về dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, lồng ghép các nội dung xét duyệt của các thủ tục đăng ký đầu tư và thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư vào các nội dung xét duyệt của thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư thành một TTHC thống nhất trong trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư không thông qua đấu giá, đấu thầu. Kết quả giải quyết TTHC này là giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Giảm lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, đối tượng chính sách
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội, lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, giải quyết việc làm, đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài (theo Quyết định 365/2004/QĐ-NHNN) và lãi suất cho vay đối với học sinh, sinh viên là 7,2%/năm (0,6%/tháng).
Trước đó, mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, giải quyết việc làm, đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài và học sinh, sinh viên là 7,8%/năm (0,65%/tháng).
Hình thành một số Tập đoàn cơ khí chế tạo chủ đạo
Theo Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các ngành công nghiệp được lựa chọn ưu tiên phát triển là ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành Điện tử và Viễn thông; ngành Năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Căn cứ Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo nội dung quy hoạch, từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 ngành cơ khí - luyện kim sẽ hình thành một số Tập đoàn cơ khí chế tạo chủ đạo đi đầu để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và khu vực; phát triển ngành luyện kim theo hướng sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, thiết bị đồng bộ có tính liên hợp cao và suất tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng thấp; phấn đấu năm 2020, tỷ trọng ngành cơ khí - luyện kim chiếm 20 - 21% và năm 2030 chiếm 22 - 24% trong cơ cấu ngành công nghiệp.
5 trường hợp được miễn tiền sử dụng đất
Theo Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, có 5 trường hợp được miễn tiền sử dụng đất gồm:
1- Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với người có công với cách mạng thuộc đối tượng được miễn tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về người có công; hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở; nhà ở cho người phải di dời do thiên tai.
2- Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi cấp Giấy chứng nhận lần đầu đối với đất do chuyển mục đích sử dụng từ đất không phải là đất ở sang đất ở do tách hộ đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi theo Danh mục các xã đặc biệt khó khăn do Thủ tướng Chính phủ quy định.
3- Miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được giao trong hạn mức giao đất ở cho các hộ dân làng chài, dân sống trên sông nước, đầm phá di chuyển đến định cư tại các khu, điểm tái định cư theo quy hoạch, kế hoạch và dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4- Miễn tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất được giao trong hạn mức giao đất ở để bố trí tái định cư hoặc giao cho các hộ gia đình, cá nhân trong các cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5- Thủ tướng Chính phủ quyết định việc miễn tiền sử dụng đất đối với các trường hợp khác do Bộ trưởng Bộ Tài chính trình trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Đơn giá thuê đất
Theo Nghị định quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, về đơn giá thuê đất, trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm không thông qua hình thức đấu giá thì đơn giá thuê đất hàng năm = Tỷ lệ phần trăm (%) nhân (x) Giá đất tính thu tiền thuê đất.
Trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá thì đơn giá thuê đất thu một lần cho cả thời gian thuê là giá đất của thời hạn thuê đất.
Trường hợp đấu giá thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì đơn giá thuê đất là đơn giá trúng đấu giá của thời hạn một năm.
Đơn giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm được xác định theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất. Đơn giá trúng đấu giá được ổn định 10 năm, hết thời gian ổn định thực hiện điều chỉnh đơn giá thuê đất theo chính sách về thu tiền thuê đất đối với trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm không thông qua hình thức đấu giá; mức điều chỉnh không vượt quá 30% đơn giá thuê đất trúng đấu giá hoặc đơn giá thuê đất của kỳ ổn định liền kề trước đó.
Trường hợp đấu giá thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì đơn giá thuê đất là đơn giá trúng đấu giá của thời hạn thuê đất. Giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất thuê được xác định theo các phương pháp so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư.
Giao bổ sung kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2014
Thủ tướng Chính phủ quyết định giao bổ sung kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2014.
Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương danh mục dự án và bổ sung kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2014 theo ngành, lĩnh vực. Tổng số vốn trái phiếu Chính phủ năm 2014 được giao bổ sung cho các Bộ và địa phương là 9.000 tỷ đồng. Trong đó, bổ sung gần 1.490 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ năm 2014 cho các Bộ: Giao thông vận tải; Quốc phòng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế và bổ sung hơn 7.510 tỷ đồng cho 49 tỉnh, thành phố.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định giao các Bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương danh mục và mức vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung kế hoạch năm 2014 cho từng dự án; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác của các thông tin, số liệu và mức vốn bố trí cho các dự án nêu tại các phụ lục; chủ trì kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung kế hoạch năm 2014 của các Bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; định kỳ hàng quý báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện vốn trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2014.
Bổ sung hơn 586 tỷ đồng cho 10 địa phương
Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 586,6 tỷ đồng cho 10 địa phương từ số vốn thu hồi do bố trí không đúng quy định năm 2011 và chưa giải ngân năm 2012.
10 địa phương được bổ sung vốn gồm: Lào Cai, An Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Nam, Tiền Giang, Bạc Liêu.
Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam
Theo Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2014 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, VNPT sẽ điều chuyển nguyên trạng: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin động VMS (Mobifone); Bưu điện Trung ương; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.
Đồng thời, điều chuyển các bệnh viện đa khoa, bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng tại Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, các trường trung học bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin tại Hà Nam, Tiền Giang, Thái Nguyên về các địa phương quản lý.
Cùng với đó, VNPT thoái hết vốn đang nắm giữ tại Tổng công ty cổ phần Bảo Minh; 53 Công ty cổ phần; 4 Công ty trách nhiệm hữu hạn; 4 Quỹ và 1 Ngân hàng thương mại cổ phần.
Nguồn: chinhphu.vn