Trong một thế giới mà vai trò của các nước lớn ngày càng thể hiện tầm quan trọng, việc các nước này đưa ra những hoạch định chiến lược và thể hiện nó như thế nào đang nhận được sự quan tâm của cả thế giới, đặc biệt là những nước có sự cạnh tranh trực tiếp và những nước nhỏ hơn.
Năm 2020 được dự báo là năm của những cạnh tranh chiến lược để xem nước nào sẽ giành quyền dẫn dắt thế giới.
Cẩm nang thế giới của CIA
Trật tự thế giới đang đối diện với những thách thức từ việc thay đổi bối cảnh an ninh với một loạt các tranh chấp lãnh thổ, đối đầu chiến lược ngày càng gia tăng và các phát triển đột phá về công nghệ quân sự. Giải quyết các mối quan hệ giữa các cường quốc ổn thỏa hay phức tạp cũng chính là làm cho thế giới bình yên hay dậy sóng.
Theo lẽ thường, việc lãnh đạo toàn cầu hoạt động tốt nhất khi các cường quốc nắm bắt một tầm nhìn chung, toàn diện về trật tự toàn cầu, cùng quản lý thách thức đối với trật tự đó và tài trợ cho các hàng hóa công để củng cố nó. Thế nhưng gần đây, mọi thứ đã không diễn ra như vậy. Các cường quốc bị phân tâm bởi các ưu tiên trong nước và các cường quốc mới nổi khác đang thúc đẩy phá vỡ các chương trình nghị sự.
Các nhà lãnh đạo thuộc nhóm Five Eyes được cho là đồng minh thân thiết của Mỹ. Ảnh: nzherald.co.nz. |
Có thể nhìn thấy rõ nhất là Trung Quốc và Mỹ, hai cường quốc hàng đầu này như thấy mình bị mắc kẹt trong một cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt. Và các nước khác - bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Indonesia và Brazil... cũng phải vận hành theo những quỹ đạo khó mà định hình sẵn. Nếu như nhìn vào 20 nền kinh tế lớn nhất của thế giới, được đo bằng quy mô GDP, cách dễ dàng nhất để làm điều này là sử dụng các bảng so sánh quốc gia trong cuốn “Cẩm nang thế giới” của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA), ta sẽ thấy rõ sức mua của các nền kinh tế quốc gia.
Trung Quốc và Mỹ là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng Mỹ, vốn quen với vai trò lãnh đạo toàn cầu nên có vẻ "chán nản" với nhiệm vụ này. Tóm lại, kinh nghiệm thì có thừa nhưng động lực lại rất yếu. Ngược lại, Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây được thúc đẩy bởi ý thức mạnh mẽ về quyền lợi sẽ có động lực mạnh mẽ.
Tiếp sau hai nước này, đứng ở vị trí thứ ba là Ấn Độ, về kinh tế chỉ bằng một nửa so với Mỹ. Có một câu hỏi các chuyên gia đang đặt ra sau khi Ấn Độ rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là liệu nền kinh tế Ấn Độ có xu hướng “hạ cánh cứng”? Câu trả lời cho câu hỏi này, ở một chừng mực nào đó, sẽ xác định xu thế của nền kinh tế quy mô lớn này ở châu Á trong năm tới. Bởi, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản cùng nhau đóng góp một phần đáng kể cho hoạt động kinh tế của châu Á.
Mặc dù nền kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng trong quý III/2019 với tốc độ nhanh hơn, ước tính 1,8%, song còn quá sớm để nói rằng nền kinh tế của nước này sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm tới. Nền kinh tế Nhật Bản vẫn đang phải vật lộn với tình trạng giảm phát nghiêm trọng và tăng trưởng chậm. Thật khó để kỳ vọng Nhật Bản trở thành “đầu tàu” trong sự tăng trưởng của châu Á trong năm tới.
Ấn Độ đã nổi lên như một siêu cường kinh tế của châu Á trong vài năm qua. Trung Quốc và Ấn Độ sẽ “dẫn dắt” sự tăng trưởng kinh tế châu Á trong năm 2020. Tuy nhiên, thật đáng tiếc, cả hai nền kinh tế này đang phải đối mặt với áp lực giảm tốc. Một vài nhà quan sát dự báo tăng tưởng GDP của Trung Quốc có thể giảm xuống dưới 6% trong năm tới.
Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nhật và Chủ tịch Trung Quốc tại hội nghị G20. Ảnh: japan-forward.com. |
Thậm chí, trong trường hợp kịch bản này trở thành hiện thực, Trung Quốc vẫn là quốc gia đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng GDP của châu Á trong tương lai gần. Con số 6% chỉ đánh dấu về mặt tâm lý chứ không có ý nghĩa thực tiễn. Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,1% hoặc 5,9% cũng không tạo ra sự khác biệt lớn cho nền kinh tế châu Á.
Sự không chắc chắn lớn nhất đối với nền kinh tế châu Á cũng đến từ Ấn Độ. Nền kinh tế này đang đối mặt với nguy cơ “hạ cánh cứng”. Tăng trưởng GDP hằng năm của Ấn Độ đã giảm xuống mức đáng kể 4,5% trong quý III/2019. Điều gì sẽ diễn ra tiếp theo? Nền kinh tế của nước này đang phải đối mặt với thời điểm khó khăn nhất kể từ khi ông Narendra Modi trở thành thủ tướng vào năm 2014. Nếu nền kinh tế Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng chậm, niềm tin của thị trường vào sự quản trị của ông Modi sẽ được thử nghiệm. Nhiệm vụ khẩn cấp nhất của chính phủ Modi là kiềm chế sự giảm tốc và khôi phục niềm tin của thị trường.
Theo Hãng tin PTI của Ấn Độ, Bộ trưởng Liên minh Dharmendra Pradhan cho biết sự suy thoái kinh tế gần đây là “nhất thời” do hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra. Cuộc chiến thương mại thực sự có thể gây tổn hại đến nền kinh tế của Ấn Độ, tuy nhiên New Delhi cần phải nhìn sâu vào tận gốc rễ của vấn đề, thay vì đổ lỗi cho tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Chính phủ theo chủ trương cải cách của ông Modi đã làm rất tốt trong những năm gần đây trong việc đẩy mạnh phát triển nền kinh tế. Hy vọng "phép màu kinh tế Modi" có thể được duy trì trong những năm tới, nếu không nền kinh tế châu Á có thể đi vào con đường gập ghềnh trong năm 2020.
Về phía Trung Quốc, nhìn lại năm 2019, Trung Quốc phải đương đầu với hai cuộc đấu quan trọng. Cuộc đấu trong quan hệ với Mỹ và mục tiêu quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Việc có được đồng tiền được chấp nhận trên toàn cầu sẽ mang lại các lợi thế tài chính, tiền tệ và địa chiến lược mà Trung Quốc cần để thực thi nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế hướng tới tiêu dùng và dịch vụ. Tuy nhiên, người Mỹ đã “nhảy vào” đảm nhiệm vai trò lãnh đạo toàn cầu.
Nhiều chuyên gia chỉ ra, do cơ chế thương mại của Mỹ vốn đã rất hoàn thiện, với những đặc trưng về dân sự và quản trị. Trong khi đó, cơ chế mới nổi của Trung Quốc, được thúc đẩy chủ yếu bởi xuất khẩu trong một nền kinh tế chưa đủ độ mở, chưa thực sự hoàn thiện cả về kinh tế lẫn tài chính.
Nếu nhìn vào các đối thủ chính trị của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong đảng Dân chủ, người ta có thể thấy rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông đã làm thay đổi suy nghĩ của người Mỹ về kinh tế Trung Quốc. Chắc chắn, không một đối thủ nào trong đảng Dân chủ muốn tìm cách đảo ngược cuộc chiến thuế quan do Mỹ dẫn đầu hoặc chiến lược chia tách Mỹ khỏi Trung Quốc. Trung Quốc hiện theo đuổi nhiều cải cách chính sách để giảm thiểu thua thiệt trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Trong khi Trung Quốc như vậy, về phía Ấn Độ, nước này bị nhìn nhận có chút khác đi khi gần đây do dự tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Việc này đã cho thấy Ấn Độ vẫn còn lưỡng lự “dang rộng đôi cánh của mình”. Hơn nữa, nước này bị mắc kẹt bởi nhiều vấn đề trong nước và các thách thức an ninh cơ bản cản trở khát vọng lãnh đạo toàn cầu của họ. Trong khi New Delhi đã đưa ra một số tuyên bố hùng hồn về sự lãnh đạo toàn cầu của mình trong quá khứ, những tuyên bố này chủ yếu được thiết kế xung quanh hoạt động của thế giới thứ ba.
Nhật Bản và Đức đứng thứ tư và thứ năm nhưng họ từng là hai trong trục quyền lực trong Chiến tranh thế giới thứ hai và đã chủ động tránh xa vị thế an ninh trong hơn 70 năm qua. Ngày nay, hai nước này đều thận trọng với chính sách chiến lược, mỗi nước đều nhận thức rằng các nước láng giềng của họ có thể không yên tâm về bất cứ động thái nào mà họ có thể thực hiện để ủng hộ các khả năng gia tăng sức mạnh hoặc vũ khí hạt nhân.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. |
Sau 5 nước top trên, nước Nga xếp thứ sáu trong khi Indonesia đứng thứ bảy và chưa có bất kỳ kinh nghiệm nào trong việc điều hành thế giới. Ở vị trí thứ tám là Brazil, một cường quốc khu vực, chứ không phải cường quốc toàn cầu. Vương quốc Anh, đứng thứ chín và cũng đang bận rộn với Brexit. Nước Pháp lọt vào top 10 nhưng do GDP dưới 3 nghìn tỷ USD nên không đủ lực để điều hành thế giới.
Hệ thống liên minh phức tạp
Các thang bậc từ 11 đến 20 là những nước được gọi là “cường quốc bậc trung”. Mỗi nước này có thể có ảnh hưởng khu vực đối với các vấn đề cụ thể trong khoảng thời gian tương đối ngắn - như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Iran hiện đang làm. Các mô hình cũ vẫn nổi bật: ví dụ, độ bền các cấu trúc liên minh của Mỹ thời hậu chiến. Trong top 10, chúng ta thấy Mỹ và 4 đồng minh của nước này: Nhật Bản, Đức, Anh và Pháp.
Trong nhóm cường quốc bậc trung, 7/10 nước này là đồng minh của Mỹ: Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Canada, Australia và Thái Lan. Những liên minh này đều được xây dựng trong thời kỳ Mỹ khẳng định ưu thế vượt trội hay nói cách khác là Mỹ thống trị toàn cầu; độ bền của chúng không nhất thiết phụ thuộc vào sự ưu việt như vậy đang tồn tại ngày nay.
Tương tự, ảnh hưởng của vùng văn hóa nói tiếng Anh vẫn rất rõ ràng. Mỹ, Anh, Canada và Australia tất cả đều nằm trong top 20, điều này cho thấy thỏa thuận Five-Eyes vẫn là tài sản quan trọng cho lãnh đạo toàn cầu. Nhưng ngay cả ở đó, Mỹ và Anh vẫn bị phân tâm bởi những ưu tiên trong nước, chia rẽ chính trị và thách thức lãnh đạo. Lãnh đạo toàn cầu hiển nhiên không chỉ là tham vọng nước lớn mà còn về việc thiết kế, xây dựng và duy trì một trật tự trong đó những người khác có ý thức về quyền sở hữu và ý nghĩa của nó.
Chiến tranh Lạnh đã kết thúc gần 30 năm trước. Nhưng, nhìn lại khoảng thời gian đó, thật đáng chú ý khi nhớ lại những gì một tập hợp đồng minh đa dạng mà Washington đã cố gắng để cùng nhau chống lại Liên Xô và các đối tác của Hiệp ước Vacsava. Sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng tất cả những đồng minh đó là bình đẳng về chiến lược. Một số không chỉ mạnh hơn mà còn lãnh đạo nước khác. Giữa những người chiến thắng và kẻ thua cuộc trong Chiến tranh thế giới thứ hai là vấn đề rất đáng chú ý.
Hệ thống liên minh của Mỹ đã thu hút được sức mạnh của “những người thắng cuộc” (Mỹ, Anh và Pháp) và những cường quốc “thua cuộc” (Tây Đức, Nhật Bản và Italy). Nhưng hai nhóm đã đóng góp khác nhau cho các mục tiêu rộng lớn hơn của phương Tây. Nhóm A, những người chiến thắng, tất cả đều có ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Và họ có hàng không mẫu hạm, máy bay ném bom tầm xa, tên lửa đạn đạo và quan trọng nhất là vũ khí hạt nhân.
Nhóm B không có những thứ đó. Họ là đồng minh của nhóm A; Tây Đức và Italy với tư cách là thành viên của NATO, Nhật Bản là một phần trong liên minh “trục bánh xe và nan hoa” của Mỹ ở châu Á. Nhưng vai trò và trách nhiệm của họ rơi nhiều hơn vào các lĩnh vực quyền lực dân sự và kinh tế. Tài sản chiến lược mạnh mẽ của họ là phòng thủ, không tấn công. Ngày nay, nhóm A đã mệt mỏi. Tuy nhiên, nhóm B sẽ khó giải quyết sự mệt mỏi chiến lược này, ngay cả khi họ cảm thấy cần có trách nhiệm làm như vậy.
Rõ ràng, trật tự quốc tế tự do dựa trên luật pháp đang đối diện hàng loạt thách thức, từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và sự lan rộng của chủ nghĩa độc tài, cho tới những hoài nghi ngày càng lớn về các giá trị tự do và sai lầm của các thể chế quốc tế. Đúng như cựu Phó Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Avril Haines và Chủ tịch Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế Bill Emmott bình luận, những lo ngại này là triệu chứng chứ không phải nguyên nhân cốt lõi gây nên những áp lực mà hệ thống quốc tế phải đối mặt.
Tại các nền kinh tế đang phát triển, bất bình đẳng thu nhập không ngừng gia tăng và ngày càng có nhiều công dân, nhất là những người không nhận được lợi ích tài chính từ quá trình toàn cầu hóa, bị tước bỏ các quyền lợi. Kết quả là những phát biểu mang màu sắc dân túy nhận được sự ủng hộ và chào đón ngày càng lớn trên khắp thế giới.
Những căng thẳng về kinh tế song hành cùng các thách thức về địa chính trị, những mâu thuẫn chiến lược và sự phớt lờ luật pháp quốc tế càng trầm trọng hơn bởi nhiều lực lượng cố tình lạm dụng các công cụ số, như truyền thông xã hội hay các công cụ an ninh mạng để phục vụ các chiến dịch thông tin giả, can thiệp bầu cử ở quốc gia khác. Những hoạt động giám sát và thu thập dữ liệu của các nhà nước đang tác động tiêu cực tới trật tự quốc tế.