Thứ Hai, 23/12/2019, 09:11 [GMT+7]

Hạ viện Anh thông qua lần thứ nhất thỏa thuận Brexit: Vừa mừng, vừa lo

Thỏa thuận Brexit, nói việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), mà chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson ký kết với EU hồi tháng 10 vừa qua, đã được Hạ viện khóa mới thông qua lần thứ nhất hôm 20-12 (giờ địa phương), qua đó cho phép tiến hành phiên họp về đại cương dự luật.
 
Đây là bước đi đầu tiên hướng tới hiện thực hóa cam kết hoàn tất Brexit vào ngày 31-1-2020 mà ông Boris Johnson đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Tờ Financial Times gọi đây là chiến thắng lịch sử đầu tiên của Thủ tướng Anh tại Hạ viện mới.
 
Vừa mừng…
 
Với 358 phiếu ủng hộ và 234 phiếu chống, các nghị sỹ tại Hạ viện Anh 650 ghế đã nhất trí tiến hành phiên họp thông qua đại cương dự luật Thỏa thuận rút lui, điều kiện cần thiết để thỏa thuận này được chính thức phê chuẩn. 
 
Các bước phê chuẩn cuối cùng sẽ được thực hiện ngay sau Giáng sinh khi Hạ viện sẽ làm việc tới ngày 9-1 để thông qua dự luật và có 3 tuần để thỏa thuận được Thượng viện thông qua trước khi được Hoàng gia Anh phê chuẩn. 
 
Vì Thượng viện Anh hiện do đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson nắm thế đa số nên gần như chắc chắn dự luật này sẽ được thông qua và trở thành luật vào tháng 1 tới. 
 
Sau khi chính thức rời EU, Anh sẽ bước vào giai đoạn đàm phán thỏa thuận thương mại với EU trong thời kỳ chuyển tiếp. Thủ tướng Boris Johnson cũng đã bổ sung một số sửa đổi trong dự luật Thỏa thuận rút lui nhằm đảm bảo giai đoạn chuyển tiếp sẽ không kéo dài quá cuối năm 2020.
Nỗi lo về kịch bản “Brexit không thỏa thuận” đang một lần nữa phủ bóng cả EU và nước Anh.
Nỗi lo về kịch bản “Brexit không thỏa thuận” đang một lần nữa phủ bóng cả EU và nước Anh.
Phát biểu ngày 20-12, Thủ tướng Boris Johnson khẳng định thỏa thuận Brexit của ông sẽ mở đường cho thỏa thuận mới với EU về mối quan hệ song phương dựa trên một thỏa thuận tự do thương mại “đầy tham vọng”. Trong đó, Anh sẽ có quyền tự quyết các quy định của luật pháp và không phải tuân thủ các quy định của EU. 
 
“Cuối cùng, để Brexit hoàn thành, giờ là lúc chúng ta rời khỏi EU để cùng nhau viết lên một chương mới thú vị cho câu chuyện của đất nước, để xây dựng mối quan hệ đối tác mới với những người bạn châu Âu của chúng ta – những người mà chúng ta vẫn tự hào gọi là những người bạn thân nhất của mình”, Thủ tướng Boris Johnson nói. 
 
Ông cũng khẳng định cơ quan lập pháp nước này sẽ luôn được cập nhật về tiến trình đàm phán thỏa thuận thương mại Anh-EU. Trong chương trình nghị sự của chính phủ mới, công bố hôm 19-12, Thủ tướng Boris Johnson khẳng định ưu tiên hàng đầu là Brexit. 
 
Ông nêu rõ năm 2020 sẽ là năm “tuyệt vời” với nước Anh khi bức tranh Brexit đã rõ ràng hơn, mang lại sự chắc chắn để các doanh nghiệp và người dân có cơ sở vững chắc để lên kế hoạch cho tương lai. 
 
Về phần mình, Ủy ban châu Âu cũng cho biết họ đã sẵn sàng thực hiện các bước chính thức để thông qua thỏa thuận Brexit đã đạt được với Anh.
 
…Vừa lo
 
Như vậy, một khi hoàn tất việc phê chuẩn thỏa thuận “chia tay” từ nay đến ngày 31-1-2020, Anh và EU sẽ ngay lập tức mở các cuộc đàm phán về mối quan hệ tương lai. Tuy nhiên, bước cuối cùng trong tiến trình Brexit lại đang làm dấy lên nhiều hoài nghi và được dự báo sẽ ẩn chứa nhiều bất ngờ. Thậm chí, nỗi lo về kịch bản “Brexit không thỏa thuận” lại một lần nữa phủ bóng cả Brussels và London. 
 
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Layen hôm 18-12 khẳng định, kịch bản không thỏa thuận với Anh sẽ có tác động tiêu cực không chỉ với EU, mà cả với nước Anh. Theo bà, nếu không thể đạt được thỏa thuận về mối quan hệ tương lai từ nay đến cuối năm 2020, hai bên sẽ một lần nữa đứng trước tình huống khó khăn. 
 
“Trong trường hợp Anh và EU không thể ký kết thỏa thuận vào cuối năm 2020, chúng ta sẽ lại phải đối mặt với một tình huống khó khăn. Điều này tất nhiên sẽ gây tổn hại tới Liên minh châu Âu, song với nước Anh sẽ lớn hơn. Bởi trong trường hợp này, Liên minh châu Âu vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ thị trường duy nhất và những thỏa thuận ký với các nước đối tác. Trong khi Anh thì ngược lại”, bà Ursula Von der Layen nói.
 
Trong khi đó, chuyên gia phân tích Russell Foster của Anh nhận định: “Anh, cũng giống như Đức và Pháp, đều là những quốc gia hậu công nghiệp, nơi nền kinh tế dịch vụ chiếm ưu thế. Vì thế, Thủ tướng Boris Johnson có thể đạt được một số yếu tố của thỏa thuận thương mại từ nay đến Giáng sinh năm sau. Tuy nhiên, nếu nhìn vào việc EU mất bao lâu để ký thỏa thuận với Canada hay Nhật Bản, thì có thể thấy chúng ta cần bao lâu để đạt được thỏa thuận”. 
 
Trước đây, EU và Canada từng phải mất đến 7 năm đàm phán để đạt được Hiệp định thương mại tự do. Đây là chưa kể các bên vẫn chưa hoàn thành mọi vấn đề về thuế quan và hạn ngạch đối với một số sản phẩm, trong đó có thịt bò. Thỏa thuận thương mại với Nhật Bản vừa có hiệu lực trong năm nay cũng phải mất tới 4 năm hay Hàn Quốc là 2 năm rưỡi. 
 
Theo các nhà phân tích, dường như nước Anh đã lựa chọn đi theo mô hình quan hệ dựa trên một thỏa thuận tự do thương mại không có thuế quan, không có hạn ngạch. 
 
Cả cựu Thủ tướng Theresa May và sau đó là Thủ tướng Boris Johnson hiện nay đều nhất quán với quan điểm nói “không” với việc tiếp tục ở lại thị trường chung như Norway hay Liên minh hải quan như Thổ Nhĩ Kỳ. 
 
Bởi theo các nhà lãnh đạo này, chỉ có như thế, các tập đoàn công nghiệp và thương mại của Anh mới không phải chịu sự ràng buộc của vô số các tiêu chuẩn cộng đồng trong thị trường duy nhất. 
 
Tuy nhiên, đối với EU, một hệ thống như vậy là lỏng lẻo và có nguy cơ dẫn tới các hình thức cạnh tranh khó lường. 
 
Nhiều ý kiến tại châu Âu nhận định, để tránh rơi vào "bẫy quan hệ tương lai” do sức ép về thời gian, châu Âu chắc chắn sẽ buộc Anh phải đưa ra những đảm bảo về cạnh tranh, về hỗ trợ Nhà nước và các tiêu chuẩn xã hội, thuế quan, cũng như môi trường nhằm đổi lấy một sự tiếp cận rộng rãi với thị trường châu Âu. 
 
Đây cũng là lý do khiến bước cuối cùng trong tiến trình Brexit được dự báo sẽ ẩn chứa nhiều bất ngờ.
.

Nguồn: CAND

.