Thứ Hai, 02/09/2019, 08:15 [GMT+7]

Thế giới tuần qua: 'Nóng' cùng rừng Amazon

Cháy rừng tại Amazon vẫn chưa được dập tắt, hội nghị thượng đỉnh G7, những diễn biến mới liên quan đến căng thẳng thương mại Nhật Bản – Hàn Quốc,... là những vấn đề được quan tâm đặc biệt trên thế giới trong tuần qua (26/8 – 1/9).

Cháy rừng Amazon – thảm họa của cả thế giới

Các đám cháy kỷ lục ở cánh rừng nhiệt đới Amazon tuần qua lan nhanh với tốc độ chóng mặt. Giới chuyên gia cảnh báo rừng Amazon cháy đồng nghĩa với việc thế giới mất đi một phần đa dạng sinh học. Và điều đáng lo ngại hơn cả là việc rừng liên tục mất cũng gây ra những biến động đáng kể đối với tình hình khí hậu, nhất là lượng mưa tại khu vực.

Rừng Amazon đang cháy với tỉ lệ cao nhất trong hơn 15 năm qua (Ảnh: Reuters)
Rừng Amazon đang cháy với tỉ lệ cao nhất trong hơn 15 năm qua (Ảnh: Reuters)

Tờ The Atlantic nhận định, sự phá hủy của vụ cháy rừng Amazon được cho là nguy hiểm hơn nhiều so với vũ khí hủy diệt hàng loạt. Hậu quả của vụ cháy rừng thảm khốc đang diễn ra sẽ diệt chủng các loài động thực vật và đẩy nhanh cuộc khủng hoảng khí hậu kéo dài đến muôn đời.

Gần 79.000 vụ cháy rừng đã được ghi nhận ở Brazil trong năm nay, cao nhất kể từ năm 2013, và một nửa trong đó xảy ra tại rừng mưa Amazon, nơi được coi là "lá phổi xanh" của hành tinh. Theo Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil, riêng hai ngày 23 và 24/8 đã có hơn 1.600 đám cháy mới tiếp tục bùng phát tại Amazon.

Bang lớn nhất của Brazil là Amazonas đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 9/8 trong khi bang Acre thiết lập tình trạng cảnh báo môi trường kể từ ngày 16/8. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cũng ký sắc lệnh huy động quân đội đối phó các đám cháy và cam kết bảo vệ bằng được rừng Amazon. Ngày 29/8, Brazil đã ban bố lệnh cấm trong vòng 60 ngày đối với các đám cháy được cấp phép hợp pháp để phục vụ cho việc phát quang đất. Động thái này nhằm góp phần trong nỗ lực ngăn chặn cháy rừng.

Không chỉ gây ô nhiễm không khí ở Brazil, các vụ cháy ở Amazon còn gây lo ngại ngày càng nhiều cho cộng đồng quốc tế, khiến Tổng thư ký Liên hợp quốc và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải lên tiếng vì khu rừng nhiệt đới này có vai trò rất quan trọng trong công cuộc chống biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, Tổng thống Bolsonaro tuyên bố ông sẽ không chấp nhận đề nghị của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hỗ trợ 20 triệu USD trừ khi người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron rút lại những lời “lăng mạ” nhắm vào ông.

Hội nghị thượng đỉnh G7: Đồng thuận nhưng chưa đồng lòng

Hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (Ảnh: AFP/TTXVN)

Diễn ra từ ngày 24 – 26/8 tại thành phố Biarritz của Pháp, Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã kết thúc bằng việc các nước ra được một bản Tuyên bố chung vô cùng ngắn gọn, dài đúng một trang giấy, trong đó đề cập đến các vấn đề như thương mại quốc tế, Iran, Ukraine, Lybia và Hong Kong.

Tuyên bố ngắn gọn này đã được nước chủ nhà Pháp ban hành khi kết thúc hội nghị, nhưng đây không phải là thông cáo báo chí như thường thấy. Điều này phản ánh sự chia rẽ giữa các nước thành viên.

Tuyên bố cho biết 7 nước thành viên đã cam kết thúc đẩy thương mại quốc tế công bằng và mở cửa, và vì sự ổn định kinh tế toàn cầu.

Tuyên bố cho hay các nước G7 muốn Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) có sự thay đổi đáng kể nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, giải quyết các tranh chấp nhanh chóng hơn và loại trừ các hoạt động thương mại không công bằng.

Tiến trình hòa bình Trung Đông đang rơi vào bế tắc

Đống đổ nát của những ngôi nhà Palestine bị phá hủy, nhìn ra khu định cư của Pisgat Ze’ev ở Beit Hanina, Đông Jerusalem. (Ảnh: UN)
Đống đổ nát của những ngôi nhà Palestine bị phá hủy, nhìn ra khu định cư của Pisgat Ze’ev ở Beit Hanina, Đông Jerusalem. (Ảnh: UN)

Đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Trung Đông Nickolay Mladlenov ngày 27/8 cảnh báo Hội đồng Bảo an rằng, tiến trình hòa bình giữa người Israel và người Palestine đang bế tắc và có nguy cơ leo thang bạo lực trong khu vực.

Ông Mladenov cho biết bạo lực gia tăng tại khu Bờ Tây và dải Gaza, và thực tế là sự kết hợp của việc thiếu tương lai chính trị, hành động đơn phương trên thực địa và các cuộc tấn công khủng bố đã tạo ra một "hỗn hợp nổ". Ông cũng đồng thời nhấn mạnh rằng trong tháng qua đã có sự gia tăng các vụ bạo lực, bao gồm bạo lực liên quan đến người định cư Israel ở khu Bờ Tây và căng thẳng dai dẳng ở trong và xung quanh dải Gaza.

Đặc phái viên của Liên hợp quốc cũng tố cáo hành vi mở rộng các khu định cư của Israel sau nhiều cuộc tấn công ở Bờ Tây và lưu ý rằng "việc mở rộng thuộc địa, phá hủy và tịch thu tài sản của người Palestine vẫn tiếp tục" trong những tuần gần đây.

Trong bối cảnh đó, ông Nickolay Mladenov nhấn mạnh: Các biện pháp cụ thể có thể và phải được thực hiện để khẩn trương đảo ngược quỹ đạo tiêu cực của cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.

Nhật Bản – Hàn Quốc: Căng thẳng thương mại gia tăng

Các công ty rõ ràng phải chịu đựng thiệt hại nhất sẽ là các tập đoàn của Hàn Quốc như Samsung, vốn được hưởng lợi từ các chuỗi cung ứng tích hợp toàn cầu (Ảnh: Reuters)
Các công ty rõ ràng phải chịu đựng thiệt hại nhất sẽ là các tập đoàn của Hàn Quốc như Samsung, vốn được hưởng lợi từ các chuỗi cung ứng tích hợp toàn cầu (Ảnh: Reuters)

Nhật Bản ngày 28/8 đã chính thức thực thi quyết định loại Hàn Quốc khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy, còn gọi là Danh sách Trắng. Chính sách này đã được thông qua từ ngày 2/8 vừa qua, gần một tháng sau khi Tokyo áp đặt hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 nguyên liệu công nghệ cao cần thiết đối với việc sản xuất chất bán dẫn và màn hình, vốn là thế mạnh của những tập đoàn hàng đầu xứ Kim chi như Samsung, LG hay SK.

Việc Tokyo kiên định trong lập trường với Seoul đã làm sâu sắc thêm những căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng tại Đông Bắc Á.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc ngày 28/8 đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại Seoul đến để phản đối động thái trên. Cùng ngày, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon kêu gọi Nhật Bản đối thoại để hàn gắn quan hệ giữa hai nước. Thủ tướng Lee nêu rõ Chính phủ Hàn Quốc sẽ đồng thời xúc tiến “không chậm trễ” việc khiếu kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để khắc phục “sự trả đũa kinh tế không công bằng” của Nhật Bản. Trước đó, Seoul tuyên bố sẽ chấm dứt hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự với Tokyo (GSOMIA).

Trước tình hình quan hệ thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trở nên căng thẳng, Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra kế hoạch thúc đẩy các biện pháp nhằm tăng khả năng cạnh tranh của các mặt hàng chế tạo trong nước, chấm dứt sự phụ thuộc vào các mặt hàng của Nhật Bản.

Ngày 30/8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố cho biết ông sẽ hợp tác với Nhật Bản nếu Tokyo chuyển sang đối thoại để chấm dứt tranh cãi ngoại giao và thương mại giữa hai nước.

Châu Âu quan ngại các hành động đơn phương tại Biển Đông

EU quan ngại các hành động đơn phương tại Biển Đông gây tổn hại môi trường an ninh hàng hải (Ảnh: New Straits Times)
EU quan ngại các hành động đơn phương tại Biển Đông gây tổn hại môi trường an ninh hàng hải (Ảnh: New Straits Times)

Ngày 28/8, Liên minh châu Âu (EU) đã đăng thông cáo nhấn mạnh "những hành động đơn phương trong các tuần vừa qua trên Biển Đông đã dẫn đến gia tăng căng thẳng và gây tổn hại môi trường an ninh hàng hải, là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự phát triển hòa bình kinh tế của khu vực."

Theo EU, tất cả các bên trong khu vực cần kiềm chế, có những bước đi cụ thể hướng tới khôi phục nguyên trạng, kiềm chế quân sự hóa khu vực và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Thông cáo của EU nhấn mạnh các bên cũng có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của bên thứ ba dưới hình thức hòa giải hoặc trọng tài phân xử để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các khiếu nại của mỗi bên.

Cũng trong thông cáo, EU khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ đầy đủ các tiến trình do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dẫn đầu trong khu vực, nhằm thúc đẩy hơn nữa trật tự khu vực và quốc tế dựa trên các quy tắc, nhằm củng cố hợp tác đa phương, cũng như hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các bên thứ ba.

EU mong muốn các bên sớm hoàn tất theo hướng minh bạch các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và có tính ràng buộc pháp lý.

EU khẳng định cam kết với trật tự pháp lý ở các vùng biển và đại dương dựa trên luật pháp quốc tế, an ninh và hợp tác hàng hải cũng như tự do hàng hải và hàng không vì lợi ích của tất cả các quốc gia./.

.

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

.