.
Chủ Nhật, 25/08/2019, 09:50 [GMT+7]

Thế giới tuần qua: Cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung Quốc chưa có điểm dừng

Thế giới tuần qua vừa trải qua nhiều sự kiến đáng chú ý, từ Mỹ - Trung tiếp tục áp thuế bổ sung lên hàng hóa của nhau, Triều Tiên sẵn sàng cho cả kịch bản đối thoại và đối đầu với Mỹ, bạo lực không ngừng leo thang tại Tây Bắc Syria, báo động tình trạng cháy rừng Amazon, IS nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công đẫm máu tại Afghanistan...

Thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục tái diễn

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau bên lề Hội nghị G20 tại Nhật Bản hồi tháng 6/2019. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình gặp nhau bên lề Hội nghị G20 tại Nhật Bản hồi tháng 6/2019. (Ảnh: Reuters)

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã tái diễn một lần nữa, với việc Ủy ban chính sách thuế quan thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 23/8 thông báo Bắc Kinh sẽ áp gói thuế bổ sung lên số hàng hóa trị giá 75 tỉ USD nhập khẩu từ Mỹ, một động thái nhằm đáp trả đòn thuế mới của Washington.

Gói thuế mới sẽ ở mức từ 5-10%, áp lên 5.078 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, có hiệu lực với một số hàng hóa từ ngày 1/9 và với số hàng hóa còn lại từ ngày 15/12.

Loạt thuế trả đũa này của Trung Quốc chia làm hai đợt. Đợt đầu tiên là mức 5% lên các sản phẩm đậu nành và dầu thô nhập khẩu từ Mỹ, có hiệu lực từ ngày 1/9. Ở đợt sau, từ ngày 15/12, ôtô nhập khẩu từ Mỹ sẽ bị áp thuế 25%.

Được biết, gói thuế trả đũa trên cho thấy tương đương với khung thời gian mà Mỹ đã vạch ra khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tháng 8 thông báo kế hoạch áp gói thuế bổ sung 10% lên khoảng 300 tỉ USD hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi Trung Quốc thông báo sẽ áp gói thuế bổ sung lên số hàng hóa Mỹ, Tổng thống Donald Trump lập tức thông báo trên Twitter: "Tôi sẽ đáp trả với gói thuế quan của Trung Quốc vào chiều nay. Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời cho nước Mỹ… Một lượng lớn tiền của mà Trung Quốc đánh cắp từ nước Mỹ từ năm này sang năm khác, kéo dài trong nhiều thập niên qua, sẽ và phải dừng ngay!"

Việc Mỹ và Trung Quốc đáp trả thuế quan lẫn nhau ngày 23/8 vừa qua là diễn biến mới nhất trong cuộc chiến thương mại giữa 2 quốc gia vốn bắt đầu cách đây hơn 1 năm khi Mỹ áp thuế lên hàng trăm tỉ USD hàng hóa Trung Quốc với cáo buộc Bắc Kinh thực hiện các hoạt động thương mại bất bình đẳng. Tổng thống Donald Trump cũng chỉ trích Trung Quốc đã lợi dụng Mỹ trong hàng thập kỷ. Những màn đáp trả thuế quan của Mỹ và Trung Quốc đang khiến căng thẳng hai nước "nóng" lên và đe dọa đến sự ổn định của kinh tế toàn cầu

Đối thoại hay đối đầu, Triều Tiên đều “sẵn sàng”

Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho. (Ảnh: AFP)
Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho. (Ảnh: AFP)

Triều Tiên vừa tuyên bố sẵn sàng cho cả kịch bản đối thoại và đối đầu với Mỹ, đồng thời cảnh báo Washington sẽ vấp phải sai lầm nếu như tiếp tục theo đuổi các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Bình Nhưỡng.

Ngày 23/8, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đăng tải tuyên bố của Ngoại trưởng Ri Yong-ho nêu rõ, Triều Tiên sẽ còn là “một mối đe dọa lớn nhất” đối với Mỹ trong một thời gian dài, nếu như Washington còn theo đuổi lập trường thù địch chống lại nước này.

“Mỹ sẽ vấp phải sai lầm nếu như nước này không sẵn lòng từ bỏ lập trường đối đầu và cố gắng đương đầu với Triều Tiên bằng những biện pháp tương tự như lệnh trừng phạt…Chúng ta sẽ tiếp tục duy trì là một mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ trong một thời gian dài, đồng thời khiến Mỹ nhận ra những điều cần phải làm để hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa một lần và mãi mãi…Chúng ta sẵn sàng cho cả sự đối đầu và đối thoại…” – ông Ri Yong-ho nói.

Ngoại trưởng Ri Yong-ho đưa ra tuyên bố trên sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu trong một cuộc phỏng vấn hôm 20/8 rằng nếu Triều Tiên không giải trừ vũ khí hạt nhân, Washington sẽ duy trì các biện pháp trừng phạt mạnh nhất trong lịch sử. Ông đồng thời cũng tiếp tục thuyết phục Bình Nhưỡng sẽ quay trở lại bàn đàm phán về giải trừ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.

Trong tuyên bố được nêu ra, ông Ri Yong-ho đã cáo buộc ông Pompeo cản trở các vòng đàm phán và tập trung nhiều vào “những tham vọng chính trị riêng” hơn là chính sách ngoại giao của Mỹ.

“Nếu Mỹ còn tiếp tục theo đuổi một giấc mơ viển vông rằng họ có thể đạt được mọi thứ thông qua các lệnh trừng phạt, thì chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác, ngoài việc hoặc để Mỹ tiếp tục theo đuổi giấc mơ hoặc khiến Mỹ phải tỉnh ngộ” – ông Ri Yong-ho nói.

Mới đây, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã lên tiếng kêu gọi Mỹ và Triều Tiên xây dựng niềm tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau, đồng thời hy vọng rằng hai bên sẽ đạt được “những kết quả tốt” trong tiến trình đàm phán về phi hạt nhân hóa.

Bạo lực không ngừng leo thang tại Tây Bắc Syria

Khói bốc lên từ làng Maar Hattat ở tỉnh Idlib, Syria, sau vụ đánh bom ngày 20/8/2019 (Ảnh: AFP)
Khói bốc lên từ làng Maar Hattat ở tỉnh Idlib, Syria, sau vụ đánh bom ngày 20/8/2019 (Ảnh: AFP)

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres tỏ ra quan ngại về tình hình bạo lực không ngừng leo thang tại khu vực Tây Bắc Syria và nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công sâu hơn ở thành phố Idlib.

Theo ông Stéphane Dujarric, người phát ngôn của nhà lãnh đạo cấp cao Liên hợp quốc, "Tổng thư ký rất quan ngại về tình trạng bạo lực không ngừng leo thang ở Tây Bắc Syria và nguy cơ tấn công sâu hơn ở Idlib, có thể gây ra một làn sóng đau khổ mới ảnh hưởng đến 3 triệu dân thường".

Trong một tuyên bố được đưa ra vào tối 20/8, ông Guterres lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công liên tục vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm cả các cơ sở y tế và giáo dục. Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các bên tôn trọng hoàn toàn luật nhân đạo quốc tế.

Tổng thư ký nhắc lại lời kêu gọi khẩn cấp của ông về Bản ghi nhớ thỏa thuận tháng 9/2018 về Idlib sẽ được duy trì. "Điều quan trọng là phải thúc đẩy quá trình chính trị được Liên hợp quốc tạo điều kiện tại Geneva, theo nghị quyết 2254 (2015) của Hội đồng Bảo an" – ông kết luận.

Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR), cũng trong ngày 20/8, lực lượng nổi dậy và các phần tử thánh chiến đã rút khỏi khu vực trọng yếu ở phía Tây Bắc Syria khi các lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad mở cuộc tấn công nhằm vào khu vực Idlib.

Báo động tình trạng cháy rừng Amazon – “lá phổi xanh” của Trái Đất

Cảnh tượng cháy rừng ở khu vực Porto Velho, bang Rondonia tại Brazil hôm 21/8. (Ảnh: Reuters)
Cảnh tượng cháy rừng ở khu vực Porto Velho, bang Rondonia tại Brazil hôm 21/8. (Ảnh: Reuters)

Những ngày qua, cả thế giới đang hướng về Amazon, “lá phổi xanh” của Trái Đất hiện vẫn đang bốc cháy dữ dội. Nhiều người đang rơi vào tình cảnh tuyệt vọng khi chứng kiến diện tích lớn rừng nhiệt đới Amazon bị thiêu rụi bởi đám cháy tàn khốc nhất trong lịch sử.

Rừng Amazon là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới, tạo ra gần 20% lượng khí oxy trong khí quyển Trái Đất. Tuy nhiên, các đám cháy tại rừng nhiệt đới Amazon đang tăng nhanh với tốc độ kỷ lục, giới khoa học cảnh báo thảm họa này sẽ là bước lùi nghiêm trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tính đến thời điểm 22/8, số vụ cháy rừng đã tăng 84% so với cùng kỳ năm 2018, với 75.000 vụ. Trên toàn bộ phạm vi lưu vực sông Amazon, tổng cộng có hơn 100.000 vụ cháy diễn ra trong vòng 8 tháng đầu năm 2019.

Quy mô cháy rừng tại Amazon thực sự gây sốc và đáng đe dọa, khiến cộng đồng quốc tế hối thúc chính phủ Brazil nhanh chóng có các biện pháp quyết liệt hơn để chống "giặc lửa" kéo dài suốt hai tuần qua.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hôm qua (23/8) thông báo, ông đã phê chuẩn quyết định cử quân đội nước này tới hỗ trợ chữa cháy rừng Amazon, cũng như trấn áp các hoạt động tội phạm tại những bang khu vực có liên quan.

Theo thông tin mới nhất, lãnh đạo các nước công nghiệp G7 sẽ họp khẩn về khủng hoảng cháy rừng Amazon dự kiến diễn ra tại Biarritz, thị trấn Tây Nam nước Pháp.

Tổng thống Pháp Macron nói rằng cháy rừng đã tạo ra khủng hoảng quốc tế, tuyên bố sẽ đẩy vấn đề lên ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự G7. Trả lời phỏng vấn tối 23/8, ông cho rằng Amazon cần quản lý tốt hơn để chấm dứt tình trạng "diệt chủng sinh thái" đang diễn ra.

IS nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công đẫm máu tại Afghanistan

Cấp cứu nạn nhân sau vụ tấn công. (Ảnh: AP/CNN)
Cấp cứu nạn nhân sau vụ tấn công. (Ảnh: AP/CNN)

Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận trách nhiệm là thủ phạm thực hiện vụ tấn công đẫm máu nhằm vào một đám cưới ở thủ đô Kabul của Afhganistan khiến hơn 63 người thiệt mạng và 180 người khác bị thương.

Ngày 18/8, phương tiện truyền thông có mối liên hệ với IS đã đăng một tuyên bố cho biết, một chiến binh Pakistan đã lên kế hoạch thực hiện một vụ tấn công liều chết nhằm vào một sự kiện tập trung đông đúc của người Shia.

Bộ Nội vụ Afghanistan xác nhận một kẻ tấn công đã tự sát tại một khách sạn thuộc khu vực nơi người thiểu số Shia sinh sống ở khu vực phía Tây thủ đô Kabul. Cơ quan này cũng không loại trừ khả năng lực lượng Taliban đã tiến hành vụ tấn công, dựa trên cách thức vụ nổ được thực hiện. Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Afghanistan cho biết, nhiều phụ nữ và trẻ em đã bị thương vong sau vụ tấn công.

Vụ tấn công trên diễn ra vào thời điểm Taliban và Mỹ đang nỗ lực đàm phán về một thỏa thuận rút các lực lượng của Mỹ để đổi lấy việc Taliban đưa ra cam kết an ninh và ngồi vào bàn đàm phán hòa bình với chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn.

Ngày 18/8, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã mạnh mẽ lên án vụ đánh bom đẫm máu nhằm vào đám cưới ở thủ đô Kabul của Afghanistan, khiến hàng trăm người thương vong. Người đứng đầu Liên hợp quốc bày tỏ “sự cảm thông sâu sắc nhất với gia đình của các nạn nhân, cùng chính phủ và người dân Afghanistan, đồng thời hy vọng những người bị thương sẽ nhanh chóng bình phục”.

Trong một thông điệp đăng tải trên trang Twitter, ngày 18/8, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã mạnh mẽ lên án vụ tấn công “vô nhân đạo” tại thủ đô Kabul. Tổng thống Afghanistan cho biết, ưu tiên hàng đầu của ông hiện giờ là tiếp cận với gia đình của các nạn nhân trong vụ tấn công “man rợ này”. Thay mặt người dân Afghanistan, Tổng thống Ghani gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình của các nạn nhân bị thương vong trong vụ tấn công.

Tổng thống Italy tham vấn thành lập chính phủ mới

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte (giữa) tuyên bố từ chức. (Nguồn: NBC News)
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte (giữa) tuyên bố từ chức. (Nguồn: NBC News)

Theo thông tin từ Phủ Tổng thống Italy, Tổng thống nước này ông Sergio Matterella tối 20/8 đã chấp thuận đơn từ chức của Thủ tướng Giuseppe Conte và sẽ bắt đầu tiến hành tham vấn ý kiến của các chính đảng trong quốc hội Italy vào ngày 21/8 và 22/8 để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính phủ hiện nay.

Quyết định từ chức của ông Conte đã đặt dấu chấm kết thúc đối với liên minh cầm quyền giữa Đảng Liên đoàn và Đảng Phong trào 5 sao (M5S) sau 14 tháng hoạt động. Đầu tháng này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Italy, đồng thời là lãnh đạo của Đảng Liên đoàn, ông Matteo Salvini đã kêu gọi tiến hành cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với ông Conte và tổ chức bầu cử sớm. Ông Salvini cũng rút Đảng Liên đoàn của ông ra khỏi liên minh cầm quyền.

Phát biểu ý kiến trước Thượng viện Italy ngày 20/8, ông Conte chỉ trích mạnh mẽ ông Salvini và cho rằng, hành động của ông Salvini có thể tác động nghiêm trọng đến tình hình chính trị và kinh tế của đất nước. Ông Conte cảnh báo, một cuộc khủng hoảng chính trị xảy ra giữa mùa hè sẽ dẫn đến cuộc bầu cử sớm vào mùa thu, điều này không chỉ rất bất thường đối với các nguyên tắc về thể chế và chính trị của Italy mà còn đặt đất nước vào tình trạng "bất trắc chính trị và bất ổn tài chính".

Theo giới phân tích, Tổng thống Italy Sergio Matterella có thể đề xuất thành lập một nội các kỹ trị tạm quyền trong vài tháng tới nếu các chính đảng đồng ý.

Hiện, một số ý kiến cho rằng, một liên minh mới, lâu dài sẽ là điều cần thiết cho Italy hiện nay, và có thể một liên minh giữa Đảng Dân chủ (PD) và M5S sẽ được hình thành nhằm đảm bảo cho sự ổn định chính trị tại Italy./.

.

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

.