LTS: Aaron David Miller là một chuyên gia tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson, đồng thời là một nhà đàm phán về Trung Đông trong chính quyền Mỹ. Richard Sokolsky là một chuyên gia cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế và là cựu thành viên của Văn phòng Chính sách thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Hai chuyên gia có bài viết với nhan đề "Saudi Arabia và Israel đang đẩy Mỹ vào cuộc chiến với Iran. Trump không nên mắc bẫy" đăng trên CNN ngày 21/5/2019. VOV.VN xin giới thiệu bản lược dịch bài viết này:
Đồng minh không cùng lợi ích
Tháng 2/2019, một cuộc họp về Trung Đông với sự sắp xếp của chính quyền Tổng thống Trump đã được tổ chức. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đăng tải trên Twitter rằng cuộc gặp này là để "thúc đẩy lợi ích chung trong cuộc chiến với Iran".
Lo ngại trước tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực, Saudi Arabia và Israel đang muốn “lợi dụng” Mỹ để loại bỏ “cái gai trong mắt” là Iran? Ảnh: Reuters |
Dòng tweet này sau đó đã bị xóa đi và đăng tải lại với nội dung được điều chỉnh, thay vì là "cuộc chiến với Iran" thì trở thành "sự đương đầu với Iran" nhưng hàm ý mà Thủ tướng Israel muốn truyền tải thì gần như không thay đổi. Trong khi đó, một hãng truyền thông của Saudi Arabia có quan hệ với Thái tử Mohammad bin Salman (MBS) cũng hối thúc Mỹ tiến hành các cuộc "tấn công phẫu thuật" (surgical strikes- hàm ý chỉ các cuộc tấn công nhanh và chính xác) nhằm chống lại Iran sau khi vương quốc này cáo buộc Tehran dùng máy bay không người lái tấn công một đường ống dẫn dầu của Saudi Arabia.
Hiện tại, mối quan hệ giữa Mỹ và Iran được cân bằng một cách mong manh, ví như một người đang đi trên dây, không hòa bình nhưng cũng chưa bị đẩy tới mức chiến tranh. Việc chính quyền Tổng thống Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và tiến hành chiến dịch gây sức ép tối đa về kinh tế lên Tehran đã làm gia tăng sự bấp bênh trong quan hệ hai bên, đẩy Mỹ và Iran vào vòng xoáy nguy hiểm khi mà chỉ 1 hành động gây leo thang là chiến tranh quân sự có nguy cơ sẽ xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh thiếu một kênh liên lạc trực tiếp để giảm căng thẳng 2 bên.
Nhà bình luận Aaron David Miller và Richard Sokolsky trên CNN cho rằng trong khi cả Saudi Arabia và Israel luôn lên tiếng ủng hộ các chính sách cứng rắn của Mỹ với Iran thì Washinton nên cân nhắc về việc phát động chiến tranh với Tehran bởi lợi ích của 2 nước trên và lợi ích của Mỹ không phải lúc nào cũng thống nhất với nhau.
Thỏa thuận hạt nhân với Iran sẽ ngăn cản Tehran phát triển vũ khí hạt nhân, ít nhất là cho đến năm 2030 cũng như giám sát nghiêm ngặt các chương trình hạt nhân của Tehran. Theo quan điểm của Aaron David Miller và Richard Sokolsky, giống như nhiều thỏa thuận kiểm soát vũ trang khác, thỏa thuận hạt nhân năm 2015 vẫn có những hạn chế nhưng đây có lẽ là thỏa thuận tốt nhất có thể đàm phán được trong thời điểm hiện tại khi đáp ứng được mục tiêu cao nhất của Mỹ là ngăn cản Iran với vũ khí hạt nhân thống trị khu vực.
Tuy nhiên, chính phủ Israel và Saudi Arabia “không hề ưa gì” thỏa thuận này. Saudi Arabia quan tâm đến tham vọng địa chính trị tại vùng Vịnh của Iran, trong khi Israel “lo ngay ngáy” kho vũ khí hạt nhân của Iran. Nói cách khác, nếu Mỹ và Iran hòa giải, điều ấy sẽ gây nguy hiểm cho ảnh hưởng và an ninh của Saudi Arabia và Israel trong khu vực.
Thành công trong nỗ lực thuyết phục chính quyền Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2018, Riyadh và Tel Aviv đã đạt được mục tiêu và lợi ích của mình. Trái lại, Mỹ thì không thế bởi Washington sẽ không còn khung kiểm soát nào hạn chế các chương trình hạt nhân, cũng như không có cơ chế nào để tham gia đối thoại với Iran. Chiến lược trừng phạt trở thành một lựa chọn mặc định của Mỹ. Mặc dù thành công trong việc "bóp nghẹt" nền kinh tế Iran nhưng rõ ràng trừng phạt không phải là cách để kiềm chế tham vọng hạt nhân hay tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Sai lầm của Saudi Arabia và Israel khi đối phó với Iran
Tuy nhiên, thay vì có những bước đi hiệu quả nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Iran trong khu vực, các chính sách của Thái tử Saudi Arabia đã vô tình mở rộng tầm ảnh hưởng của Tehran.
Trong khi đó ở Syria, Israel cũng tìm mọi cách để kiềm chế Iran. Iran đang ngày gia tăng ảnh hưởng ở quốc gia Trung Đông này không chỉ với chính quyền Tổng thống Assad mà còn với các lực lượng ủy nhiệm của Iran tại đây. Tehran cũng không có ý định sẽ rời Syria. Tuy nhiên, các chính sách của chính phủ Israel với người Palestine tại dải Gaza đã đẩy những người Hồi giáo Palestine vào phạm vi ảnh hưởng của Iran và chống lại Israel trong một loạt các động thái leo thang căng thẳng gần đây.
Chiến tranh với Iran là một cái “bẫy”
Iran không phải mối đe dọa hiện hữu của Mỹ nhưng Saudi Arabia và Israel thì khác. Hai nước này có nhiều lý do để lo ngại về chương trình hạt nhân của Iran cũng như ảnh hưởng của Tehran với các quốc gia láng giềng. Do đó, cả Saudi và Israel đều muốn Mỹ đối đầu với Iran mặc dù 2 nước này không muốn bị lôi vào cuộc chiến này. Saudi Arabia sẽ bị đe dọa trước các tên lửa đạn đạo của Iran và nước này lo ngại sự tấn công của Tehran có thể phá hủy các cơ sở sản xuất dầu của mình. Trong khi đó, Israel không muốn lao vào một cuộc chiến với lực lượng Hezbollah mà Iran hậu thuẫn với 130.000 vũ khí tên lửa.
Mỹ không muốn và không nên lao vào một cuộc xung đột với Iran, không chỉ vì lợi ích của Mỹ mà còn vì Israel, Saudi Arabia và dĩ nhiên cả Iran. Mỹ nên tránh chiến tranh với Iran bằng mọi giá, trừ khi Tehran đe dọa đến các lợi ích cốt lõi của Mỹ như: ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố chống lại Mỹ ở trong và ngoài nước, bảo vệ dòng chảy dầu mỏ ở Vịnh Ba Tư, ngăn cản Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Israel và Saudi Arabia đều có những lo sợ có thể hiểu được và những bất an trước Iran. Tuy nhiên, không giống như Thủ tướng Netanyahu và Thái tử MBS - những người hầu như không hứng thú với việc quan hệ với Iran, chính quyền Tổng thống Trump nên nỗ lực mở các kênh liên lạc trực tiếp với Iran. Thứ mà cả Mỹ và Iran đều thiếu để đi đến đối thoại và cải thiện quan hệ 2 bên chính là niềm tin.
Do đó, một cuộc trao đổi nghiêm túc và thẳng thắn giữa 2 bên có thể giúp tránh leo thang căng thẳng và thậm chí mở ra những khía cạnh mà hai bên có thể đàm phán được mặc dù triển vọng đàm phán vẫn còn rất mong manh. Thay vì nghe theo các đồng minh Saudi Arabia và Israel, chính quyền Tổng thống Trump cần tính tới các nhu cầu và lợi ích của chính mình. Căng thẳng Mỹ-Iran chỉ hạ nhiệt khi hai nước bước đầu xây dựng được niềm tin cũng như các quốc gia khác không nên "châm dầu vào lửa" bằng bất cứ hành động can thiệp hay khiêu khích nào./.