Quốc tế

Thế giới tuần qua: Nguy cơ xung đột quân sự Mỹ - Iran

16:56, 19/05/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Nguy cơ xung đột quân sự Mỹ - Iran, gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, chính phủ Venezuela và phe đối lập có cuộc gặp đầu tiên tại Na Uy, Tổng thống Mỹ đề xuất cải cách chính sách nhập cư... Đó là một số tin tức quốc tế được dư luận quan tâm trong tuần qua.

Nguy cơ xung đột quân sự Mỹ - Iran

Tuần qua, mặc dù cả Mỹ và Iran đều đưa ra những tuyên bố khẳng định không muốn xảy ra chiến tranh giữa hai nước, song những diễn biến trên thực tế đang gây ra lo ngại về sự leo thang căng thẳng giữa Washington và Tehran có thể dẫn đến xung đột quân sự.

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ. (Ảnh: Reutes)
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ. (Ảnh: Reutes)

Thời gian gần đây, Mỹ liên tiếp có những động thái gia tăng sức ép đối với Iran, thông qua việc liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách khủng bố, áp đặt lệnh cấm vận toàn diện nhằm vào các hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran và tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực vùng Vịnh. Tuần trước, chính quyền Tổng thống D.Trump đã điều nhóm tác chiến tàu sân bay và 1 phi đội máy bay ném bom B-52 tới Trung Đông nhằm sẵn sàng phản ứng trước điều mà Mỹ coi là “nguy cơ đe dọa từ Iran hay các đối tượng do Iran ủy thác”. Căng thẳng tiếp tục gia tăng sau khi Ả rập Xê út cho biết hai tàu chở dầu của nước này đã bị tấn công ngày 12/5. Một số phương tiện truyền thông Mỹ cáo buộc Iran hoặc các lực lượng vũ trang do Iran hậu thuẫn có thể đứng đằng sau hành động phá hoại này. Tuy nhiên, phía Iran đã mạnh mẽ lên tiếng bác bỏ.

Ngày 15/5, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố nước này đang thể hiện sự "kiềm chế tối đa", bất chấp việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran đã ký năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), đồng thời cáo buộc Washington có hành động leo thang căng thẳng "không thể chấp nhận". Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Amir Hatami tuyên bố Iran đã sẵn sàng chuẩn bị ở mức cao nhất chống lại bất kỳ mối đe dọa quân sự nào.

Ngày 16/5, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã cảnh báo các hãng hàng không cẩn trọng khi thực hiện các lộ trình bay qua vùng Vịnh vì lý do "các hoạt động quân sự đang được đẩy cao và căng thẳng chính trị gia tăng tại khu vực". Trước đó, ngày 15/5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu các nhân viên không làm công vụ khẩn cấp tại Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad và Lãnh sự quán Mỹ tại Arbil phải rời khỏi Iraq trong thời gian sớm nhất có thể, đồng thời khuyến cáo các nhân viên chính phủ tránh xa các cơ sở của Mỹ trên lãnh thổ Iraq. Tập đoàn Exxon của Mỹ cũng đã sơ tán các nhân viên người nước ngoài của họ khỏi một khu khai thác dầu mỏ ở Iraq.

Ngày 18/5, Bahrain đã cảnh báo công dân nước này không nên đến Iraq và Iran, đồng thời khuyến cáo công dân hiện đang ở các nước này "ngay lập tức" quay về để đảm bảo an toàn.

Trước tình hình trên, Liên hợp quốc đã kêu gọi các bên liên quan “kiềm chế tối đa” trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong quan hệ Mỹ - Iran và tại khu vực vùng Vịnh.

Gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Ngày 15/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm các công ty công nghệ trong nước mua hoặc sử dụng thiết bị nước ngoài "có thể gây nguy hại an ninh quốc gia của Mỹ hoặc an ninh và an toàn của người Mỹ". Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc và 70 chi nhánh của tập đoàn này vào "Danh sách thực thể", trong một động thái nhằm cấm tập đoàn khổng lồ này mua các bộ phận và công nghệ từ các công ty của Mỹ nếu chưa có sự đồng ý của chính phủ Mỹ.

Trụ sở tập đoàn Huawei ở thành phố Plano, Texas, Mỹ. (Ảnh: AP)
Trụ sở tập đoàn Huawei ở thành phố Plano, Texas, Mỹ. (Ảnh: AP)

Nhà Trắng khẳng định sắc lệnh này không nhằm vào bất kỳ công ty hay quốc gia cụ thể nào. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gia tăng căng thẳng, động thái này được cho là nhằm vào Huawei do Washington quan ngại về hoạt động gián điệp. Trước đó, Nhà Trắng đã cấm các cơ quan chính phủ mua thiết bị của Huawei.

Ngày 16/5, Huawei đã ra tuyên bố khẳng định "những hạn chế vô lý của Mỹ sẽ xâm phạm các quyền của Huawei và gây ra các vấn đề pháp lý nghiêm trọng khác", đồng thời cho rằng việc hạn chế Huawei kinh doanh tại Mỹ sẽ chỉ làm tổn hại lợi ích của các công ty và người tiêu dùng Mỹ khi họ buộc phải lựa chọn nhà cung cấp thay thế đắt đỏ và yếu kém hơn. Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đã lên tiếng chỉ trích động thái của Mỹ, cho rằng đây là “cách tiếp cận sai lầm” và Trung Quốc sẽ thực hiện thêm các biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Việc Mỹ công bố các biện pháp giới hạn mới nhằm vào Huawei được nhìn nhận là một diễn biến làm gia tăng căng thẳng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, khi mà các đòn trả đũa lẫn nhau giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngày 13/5, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD kể từ ngày 1/6 tới nhằm đáp trả quyết định trước đó của Washington về việc tăng thuế từ 10% lên 25% đối với số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.

Trong cuộc điện đàm ngày 18/5 với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đề nghị Mỹ “không đi quá xa” trong những động thái gây tổn hại tới lợi ích của Bắc Kinh, tránh gây thêm thiệt hại cho quan hệ song phương.

Chính phủ Venezuela và phe đối lập có cuộc gặp đầu tiên tại Na Uy

Ngày 16/5, một phái đoàn của Chính phủ Venezuela và đại diện phe đối lập đã có cuộc tiếp xúc tại Oslo, Na Uy để tìm kiếm khả năng tiến hành đối thoại nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Đây là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Chính phủ Venezuela và phe đối lập kể từ khi quốc gia Nam Mỹ này chìm trong cuộc khủng hoảng chính trị sau khi ông Guaido tự phong là “tổng thống lâm thời” ngày 23/1.

Phát biểu với các binh sĩ ở bang miền Trung Aragua ngày 17/5, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết các cuộc đàm phán giữa đại diện của Chính phủ Venezuela và phe đối lập nhằm thúc đẩy các thỏa thuận hòa bình, hữu nghị và hòa hợp đã có khởi đầu thành công.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu với các binh sĩ tại bang miền Trung Aragua, ngày 17/5. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu với các binh sĩ tại bang miền Trung Aragua, ngày 17/5. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Maduro nêu rõ đại diện hai bên đã tổ chức các cuộc đàm phán tại Na Uy trong tuần này để "bắt đầu và thăm dò" các cuộc thảo luận và đối thoại với phe đối lập nhằm xây dựng một chương trình nghị sự hòa bình cho đất nước.

Nhà lãnh đạo Venezuela cam kết tôn trọng các quy ước được đưa ra tại các cuộc họp mang tính thăm dò. Ông bày tỏ cám ơn Chính phủ Na Uy vì đã "hỗ trợ toàn bộ nỗ lực hòa bình", đồng thời kêu gọi người dân Venezuela ủng hộ tiến trình đối thoại.

Ngày 17/5, Bộ Ngoại giao Na Uy ra thông cáo khẳng định nước này đã tham gia vào việc tổ chức các cuộc đàm phán giữa các đại diện của Chính phủ Venezuela và phe đối lập nhằm tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Venezuela.

Về phần mình, thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido bác bỏ việc đàm phán và cho biết đã cử các đại diện tới Na Uy chỉ để tham gia nỗ lực làm trung gian của Oslo nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Venezuela.

Tổng thống Mỹ đề xuất cải cách chính sách nhập cư

Ngày 16/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch nhập cư mới, với hai nét đáng chú ý là khuyến khích người nhập cư có kỹ năng cao và thắt chặt hình thức nhập cư đoàn tụ gia đình.

Phát biểu từ Nhà Trắng, ông D.Trump tuyên bố mục tiêu của kế hoạch này là nhằm tạo ra “một hệ thống nhập cư công bằng, hiện đại và hợp pháp cho nước Mỹ”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 16/5. (Ảnh: Xinhua)
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 16/5. (Ảnh: Xinhua)

Theo quan điểm của ông D.Trump thì hiện một “sự thay đổi lớn nhất” mà nước Mỹ cần thực hiện là gia tăng tỷ lệ người nhập cư có tay nghề cao từ mức 12% lên 57%, thậm chí cao hơn.

“Điều này sẽ đưa nước Mỹ được xếp ngang hàng với các nước khác và mang lại cho chúng ta năng lực cạnh tranh toàn cầu… Chúng tôi trân trọng cánh cửa rộng mở mà chúng tôi tạo ra cho đất nước chúng tôi. Nhưng một tỷ lệ lớn những người nhập cư phải đến với nước Mỹ với những kỹ năng và bằng cấp”– người đứng đầu Nhà Trắng bày tỏ.

Tổng thống D.Trump cho biết thêm, những chính sách cải cách mà ông đưa ra cũng đòi hỏi người nhập cư phải học tiếng Anh và vượt qua một kỳ thi về quyền và nghĩa vụ công dân trước khi được tiếp nhận vào Mỹ.

Đề xuất chính sách mới cũng thắt chặt các hoạt động nhập cư theo diện đoàn tụ gia đình. Hiện đang có khoảng 2/3 trong số 1,1 triệu người nhập cư vào Mỹ mỗi năm được cấp thẻ xanh cho phép hưởng chế độ công dân thường trú tại Mỹ nhờ vào các mối quan hệ gia đình.

Hãng tin Reuters nhận định về khả năng kế hoạch này sẽ được ông D.Trump thúc đẩy trong chiến dịch tái tranh cử Tổng thống năm 2020. Tuy nhiên, những ý tưởng mới về chính sách nhập cư mà người đứng đầu Nhà Trắng vừa đưa ra lại có nguy cơ không được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.

Tổng thống Nga bày tỏ thiện chí gặp lại Tổng thống Mỹ

Tổng thống Nga Vladimir Putin tin tưởng rằng cơ hội gần nhất để ông gặp người đồng nhiệm Mỹ Donald Trump là trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Osaka, Nhật Bản vào tháng tới. Đây là thông điệp được người đứng đầu điện Kremlin đưa ra trong cuộc họp báo sau vòng đối thoại với Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen, ngày 15/5 tại Moscow, Nga.

Tổng thống Mỹ D.Trump (trái) và người đồng nhiệm Nga V. Putin tại cuộc gặp ở thủ đô Helsinki (Phần Lan), tháng 7/2018. (Ảnh: AFP)
Tổng thống Mỹ D.Trump (trái) và người đồng nhiệm Nga V. Putin tại cuộc gặp ở thủ đô Helsinki (Phần Lan), tháng 7/2018. (Ảnh: AFP)

Trước câu hỏi của phóng viên về khả năng cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ có diễn ra tại thủ đô Vienna của Áo hay không, ông Putin nói: “Chừng nào phía Mỹ còn sẵn sàng tiếp tục duy trì liên lạc về vấn đề này… thì chúng tôi sẵn sàng tham gia vào các vòng đàm phán này ở bất kỳ địa điểm nào, gồm cả thủ đô Vienna”. Ông Putin đánh giá Vienna là một địa điểm tốt để tiến hành các vòng đối thoại ở cấp cao nhất.

Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ tại Nhật Bản, nếu diễn ra theo dự kiến, sẽ đánh dấu lần gặp gỡ đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo hai nước kể từ sau khi Công tố viên đặc biệt của Mỹ Robert Mueller công bố kết quả điều tra bác bỏ sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai cường quốc đang bị phủ bóng đen bởi những bất đồng xung quanh một số điểm nóng trên thế giới, gồm cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela, tình hình Iran và Triều Tiên.

Ngày 14/5, Tổng thống Nga V.Putin đã gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại thành phố Sochi với thông điệp đáng chú ý được phát đi từ sự kiện này là Nga, Mỹ sẵn sàng hàn gắn các mối quan hệ và thúc đẩy hợp tác.

Quá trình chuyển giao quyền lực tại Sudan sẽ diễn ra trong 3 năm

Ngày 14/5, Hội đồng Quân sự chuyển tiếp (TMC) và các lực lượng đối lập tại Sudan đã đạt được thỏa thuận về thời gian chuyển giao quyền lực và thành phần của quốc hội chuyển tiếp.

Thành viên của đoàn đàm phán TMC, Trung tướng Yasir al-Atta phát biểu trước báo giới (Ảnh: Sudan Tribune)
Thành viên của đoàn đàm phán TMC, Trung tướng Yasir al-Atta phát biểu trước báo giới (Ảnh: Sudan Tribune)

Trong cuộc họp báo được tổ chức sau phiên đối thoại thứ hai vào ngày 14/5, các bên cho biết, họ đã tiến tới một thỏa thuận cho phép chuyển giao quyền lực từ quân sự sang dân sự, sau hơn một tháng quân đội lên nắm quyền điều hành đất nước kể từ ngày 11/4.

Phát biểu trước báo giới, thành viên của đoàn đàm phán TMC, Trung tướng Yasir al-Atta cho biết, hai bên đã nhất trí giai đoạn chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra trong 3 năm. Trong 6 tháng đầu tiên, ưu tiên sẽ được dành cho các cuộc đàm phán hòa bình với các nhóm vũ trang trên khắp cả nước.

Trước đó, ngày 13/5, TMC và các lực lượng đối lập thuộc Liên minh Tự do và Thay đổi đã nối lại các cuộc đàm phán sau nhiều ngày bế tắc. Trong ngày đàm phán đầu tiên, hai bên đã đạt được sự đồng thuận về một cơ cấu quyền lực và hệ thống quản trị đất nước.

Các cuộc đàm phán giữa hai bên diễn ra trong bối cảnh người biểu tình tại Sudan (thuộc Liên minh Tự do và Thay đổi) gây sức ép yêu cầu triển khai quá trình chuyển tiếp chính trị từ quân sự sang dân sự và liên tục biểu tình phản đối TMC kể từ khi cựu Tổng thống Omar al-Bashir bị quân đội nước này phế truất hôm 11/4 vừa qua./.

Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Các tin khác