Quốc tế

Cơ hội và thách thức của ASEAN giữa các nước lớn

08:34, 05/12/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Căng thẳng trong các mối quan hệ Mỹ - Trung, Mỹ - Nga ngày càng nghiêm trọng với những phát biểu không khoan nhượng từ tất cả các phía. Một cuộc “Chiến tranh Lạnh” về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc hay Mỹ - Nga đang ngày càng trở nên hiện hữu và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, mà trong đó là ASEAN, có thể sẽ trở thành sân khấu chính diễn ra các cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc kinh tế, quân sự trên thế giới.

Cuộc khủng hoảng lớn có thể đến bất cứ lúc nào

Châu Á nói chung, Đông Nam Á nói riêng có thể sẽ chìm trong vòng xoáy của cuộc thương chiến đang không ngừng mở rộng giữa cường quốc kinh tế số 1 và số 2 thế giới. Tầm ảnh hưởng của cuộc chiến này dự báo sẽ lớn tới mức cả hai cường quốc rơi vào đại suy thoái, tiếp đó... tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế ở quy mô toàn cầu, trật tự thế giới có thể thay đổi...

Việc quyết tâm theo đuổi những chiến lược, sáng kiến quy mô toàn cầu của hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đã khiến "phản ứng phụ" của chiến lược tương lai thế giới đang được vẽ lại theo những gì diễn ra dọc các “con đường” và sách lược dài hơi này. Đang có hai tầm nhìn, hai cách hành xử và hai chiến lược đối nghịch nhau... khiến các nước nằm trong khu vực "đứng ngồi" không yên.

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa diễn ra, chưa bao giờ sự đối nghịch lộ rõ như vậy và chưa bao giờ Đông Nam Á đứng trước tình thế nguy hiểm như hiện nay. Trong cuộc họp thượng đỉnh APEC 2018 vừa kết thúc mà không ra được tuyên bố chung, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã đẩy cao cuộc tấn công của Mỹ chống lại Trung Quốc bằng những tuyên bố mạnh mẽ liên quan tới các chính sách mà nước này đang thực thi trên thế giới.

Đáp lại tuyên bố của phía Mỹ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tìm cách trấn an các nước, đồng thời không quên lôi kéo “đồng minh” là những nước chịu hậu quả từ chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ; nhấn mạnh, cần đoàn kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ, bảo vệ các quy tắc đã giúp điều hành nền thương mại toàn cầu.

Hậu quả của sự đối đầu này đang thúc đẩy nhanh hơn tiến trình cả hai cường quốc tiến tới một cuộc đại suy thoái có thể diễn ra trong thời gian ngắn và làm lây lan "virus" khủng hoảng kinh tế tới các quốc gia trong khu vực, mà Đông Nam Á sẽ là khu vực đầu tiên chịu hậu quả nặng nề.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại APEC 2018. Ảnh: Yahoo.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại APEC 2018. Ảnh: Yahoo.

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, nền kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu “hụt hơi” từ giữa năm 2019 và có thể rơi vào suy thoái trong năm 2020, thời điểm Mỹ tiến hành cuộc bầu cử tổng thống. Một bài viết trên tờ Washington Post ngày 18-11 cho biết hơn 30% số các chuyên gia kinh tế hàng đầu được hỏi dự đoán rằng kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu suy thoái vào năm 2020.

Tỷ phú đầu tư Ray Dalio, người từng dự báo chính xác cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 dự báo khả năng suy thoái kinh tế trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ kế tiếp là tương đối cao, khoảng 70%. "Chúng ta sẽ có một cuộc khủng hoảng tài chính", tỷ phú đầu tư Ray Dalio đưa ra nhận xét.

Và như vậy, một khi Mỹ rơi vào khủng hoảng trong bối cảnh cuộc chiến thương mại được đẩy lên cao trào, sự rối loạn sẽ bắt đầu. Khi đó, Đông Nam Á sẽ mắc kẹt giữa sự đối đầu "tệ hại" Mỹ - Trung Quốc. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, ông Hank Paulson, đã cảnh báo về một “tấm màn sắt kinh tế” mà chính quyền Tổng thống Donald Trump tạo ra đang gây chia rẽ thế giới.

Nhìn lại lịch sử từ thập niên 1990, Đông Nam Á đã luôn cố gắng né tránh tình thế phải tồn tại trong thế kẹt giữa sự đối đầu của các cường quốc. Nhưng, sự va chạm giữa các sách lược của hai cường quốc khiến tình trạng mắc kẹt “chính sách” của hai cường quốc đã và đang khiến nhiều quốc gia ở Đông Nam Á lúng túng, chao đảo.

Đương nhiên, các quốc gia Đông Nam Á phải chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo, mà rất có thể diễn sẽ ra trong thời gian ngắn, nếu như hai cường quốc kinh tế này không tìm ra lối thoát cho những cuộc va chạm.

ASEAN luôn gắn bó với cả hai cường quốc, không thể bỏ bên nọ, chọn bên kia. Tuyên bố của các nhà lãnh đạo của cả hai phía thực sự là đáng lo ngại, bởi nó cho thấy một trò chơi địa chính trị với tổng cầu bằng không đang chuẩn bị diễn ra tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á nói riêng.

Không chỉ là kinh tế...

Trong khi sự chú ý tập trung chủ yếu vào các cuộc chiến tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thì hai quốc gia này vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh sự hiện diện về quân sự của mình và mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó tập trung lớn vào khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc đang làm điều này một cách tinh tế hơn bằng việc đầu tư cơ sở hạ tầng lớn vào hàng chục quốc gia thông qua Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).

Việc tăng cường xây dựng các cảng biển ở Ấn Độ Dương và Đông Nam Á là dấu hiệu rõ ràng nhất của việc Trung Quốc có ý định xây dựng sức mạnh hàng hải của mình.

Trong khi đó, Mỹ đang thực hiện việc này một cách công khai hơn bằng cách xây dựng các liên minh để kiềm chế Trung Quốc và xây dựng chiến lược mới ở khu vực do Mỹ dẫn đầu. Vào tuần trước, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã thông báo rằng Mỹ sẽ xây dựng một căn cứ hải quân ở Papua New Guinea.

Phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC 2018 tại Port Moresby, ông Pence nói rằng Mỹ sẽ hợp tác với Australia trong việc phát triển căn cứ hải quân Lombrum trên đảo Manus “để bảo vệ chủ quyền và quyền tự do hàng hải đối với các đảo ở Thái Bình Dương”.

ASEAN từng có một công cụ hiệu quả để tồn tại trong cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trước đây: đó là Hiệp định Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN) được ký kết tại Kuala Lumpur năm 1971 với 5 thành viên ban đầu gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Các quốc gia khác gia nhập ASEAN sau đó đã tự động công nhận thỏa thuận này.

ZOPFAN không chỉ giúp hướng dẫn việc tự do lưu thông hàng hải đối với các tàu thuyền qua vùng biển của thời kỳ đó mà còn trở thành tài liệu tham khảo cho các hiệp định và thỏa thuận trong tương lai nhằm thúc đẩy an ninh và ổn định khu vực, kể cả Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (TAC) được ký kết tại Bangkok năm 1976 và Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á phi hạt nhân (SEA-NWFZ) cũng được ký kết tại Bangkok năm 1995.

Sự phát triển ngày càng tăng các căn cứ quân sự của Mỹ hay Trung Quốc ở khu vực đã cho thấy mức độ nguy hiểm tiềm tàng trong tương lai đối với ASEAN. ASEAN cần có phản ứng kịp thời không chỉ để bảo vệ đường biên giới riêng của mình mà còn phải đảm bảo hòa bình và ổn định cho toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bởi không chỉ có sự cạnh tranh Trung - Mỹ, thực tế, Nga cũng có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức mới, bắt nguồn từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể mở rộng phạm vi, đẩy cuộc xung đột giữa Moscow và Washington lan sang khu vực Đông Nam Á.

Sự cạnh tranh chiến lược, những căng thẳng gần đây giữa các nước lớn ở khu vực, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc và Mỹ - Nga đã cho thấy một đòi hỏi bức thiết đối với ASEAN trong việc tiếp cận vấn đề này một cách chặt chẽ hơn, cần có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để góp phần duy trì hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.

ASEAN không thể “ngồi” nhìn cuộc chiến

Đối đầu Mỹ - Trung là kịch bản không hề dễ chịu đối với một khu vực phát triển kinh tế trong đó có nhiều quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Các nền kinh tế nhỏ hơn trong khu vực đã nhìn thấy hậu quả và các nước này đã cố gắng để cân bằng giữa quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Họ muốn tiếp cận với nền kinh tế đang tăng trưởng nóng của Trung Quốc nhưng cùng lúc đó vẫn cần đến Mỹ để giải quyết một số vấn đề trong khu vực. Đây là một thực tế. Đặc biệt là các nước trong khối ASEAN, nơi đang quy tụ lợi ích chiến lược mà hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới đều muốn có.

Trong khi nền kinh tế thế giới tiếp tục mở rộng, ảnh hưởng từ xáo trộn về kinh tế, địa chiến lược và công nghệ có thể đe dọa đến thành quả và lợi ích của ASEAN. Để tồn tại, các thành viên của khối phải đưa ra những quyết định quan trọng về vai trò của cộng đồng trong các vấn đề khu vực. Nếu lựa chọn đúng đắn, ASEAN có thể biến thách thức thành cơ hội cho một tương lai phát triển bền vững. Những thành quả vượt bậc của ASEAN trong 5 thập niên qua chủ yếu nhờ vào nỗ lực của các thành viên.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự APEC 2018. Ảnh: Nikkei Asian Review.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự APEC 2018. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Đồng thời, khu vực cũng hưởng lợi từ cấu trúc toàn cầu thời hậu Chiến tranh Thế giới II để thúc đẩy đầu tư và xuất khẩu. Nền tảng toàn cầu đang biến đổi sâu sắc. Lợi ích từ thương mại tự do và rộng mở bị nghi ngờ, những diễn đàn đa phương bị thách thức, những thế lực địa chính trị mới đang trỗi dậy và kinh tế toàn cầu tiếp tục nghiêng nhiều hơn về những thị trường mới nổi. Tất cả kéo theo những tầm nhìn mới, đôi khi trái ngược nhau về cách tổ chức và vận hành trật tự thế giới.

Các chuyên gia nhận định, ASEAN phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn nếu muốn thế giới ủng hộ lợi ích của mình. Nhiều nhà quan sát lo ngại các thế lực bên ngoài gây tổn hại đến sự đồng thuận trong khối bằng cách gia tăng ảnh hưởng lên từng thành viên thông qua đầu tư, thương mại và nhiều yếu tố khác. Nếu đánh mất sự gắn kết, ASEAN sẽ không còn khả năng giải quyết tranh chấp và định hình những nguyên tắc ứng xử quốc tế.

Có ý kiến cho rằng căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới nhiều khả năng sẽ gây tổn thương cho khối. Vì vậy, chắc chắn ASEAN quan tâm tới việc đảm bảo một môi trường thương mại toàn cầu lành mạnh với cam kết cho một hệ thống mở, minh bạch và tuân theo luật lệ. Đồng thời, đây là thời điểm quan trọng đối với các nước ASEAN bắt đầu suy nghĩ sâu sắc hơn về thị trường trong nước chứ không phải là thị trường bên ngoài hay toàn cầu.

Trong bối cảnh bức tranh mậu dịch toàn cầu đang đối diện sự đối đầu giữa hai trường phái chính, ASEAN sẽ phải tích cực phối hợp để tái ổn định và tránh những rủi ro của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khó có thể được giải quyết trong ngắn hạn và các nền kinh tế mở ở ASEAN sẽ chịu ảnh hưởng từ những mâu thuẫn này. Vì lẽ đó, các nền kinh tế trong khu vực cần cởi mở với đầu tư và nhanh chóng thúc đẩy việc hoàn thành các thỏa thuận thương mại như Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để sớm củng cố lập trường duy trì thương mại cởi mở.

Trong cuộc song đấu giữa hai người khổng lồ, không chỉ có "nguy", mà cơ hội là rất lớn. Thực tế cho thấy, các cường quốc đều muốn gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị tại khu vực thuộc loại năng động nhất thế giới, với khoảng 650 triệu người tiêu dùng. Những thách thức liên tục của một môi trường kinh tế đang thay đổi không phải là mới đối với khu vực ASEAN.

Khu vực này đã từng hứng chịu hai cú sốc do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và năm 1997.  Tuy hiện nay đứng trước nhiều rủi ro từ mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ nhưng các nước ASEAN cũng đã rút được nhiều kinh nghiệm từ hai lần trải qua khủng hoảng.

Rõ ràng, các cảnh báo về trật tự quốc tế mới hậu Chiến tranh Thế giới thứ 2 không giảm xuống khi tình trạng căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc không được tháo ngòi. "Hiệu ứng domino" có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Thủ tướng Mahathir, một lãnh đạo kỳ cựu trong khu vực cho rằng Mỹ là “một cường quốc thuộc địa” lợi dụng “sức ép kinh tế để hù dọa người khác”.

Theo ông, nếu không thay đổi và cuộc song đấu tới hồi cực điểm sẽ khiến trật tự quốc tế có những thay đổi mang tính bước ngoặt. Điều này gây bất lợi cho ASEAN.

Không có ai ngoài cuộc trong trận quyết đấu của hai nền kinh tế lớn nhất này. “Mùa đông băng giá kéo dài”, hay “tấm màn sắt kinh tế” là từ ngữ nhiều tờ báo chỉ quan hệ Mỹ - Trung sẽ làm thay đổi trật tự kinh tế thế giới. Nếu cục diện này được hình thành sẽ không chỉ giáng đòn nặng nề vào kinh tế Trung Quốc, mà các nền kinh tế lệ thuộc vào Mỹ cũng như Trung Quốc và các nước nhỏ hơn như ASEAN cũng sẽ đối mặt với thách thức nghiêm trọng nhất kể từ sau hai cuộc khủng hoảng cách đây đúng chu kỳ 10 năm.

Nguồn: Hoa Vinh/Báo CAND

Các tin khác