Quốc tế

Thế giới tuần qua: Căng thẳng thương mại đe dọa kinh tế toàn cầu

10:31, 26/11/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Căng thẳng thương mại đe dọa kinh tế toàn cầu, lần đầu tiên APEC không ra được tuyên bố chung, biểu tình lớn phản đối tăng thuế nhiên liệu tại Pháp, các nhà lập pháp Nga kêu gọi sửa đổi quy định về sử dụng vũ khí hạt nhân..., là những tin tức quốc tế đáng chú ý trong tuần qua.

Căng thẳng thương mại đe dọa kinh tế toàn cầu

Ngày 21/11, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 do một số yếu tố rào cản, trong đó có cuộc chiến thương mại đang diễn biến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

OECD hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống mức 3,5% trong năm 2019. (Ảnh cắt từ bản tin của NHK)
OECD hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống mức 3,5% trong năm 2019. (Ảnh cắt từ bản tin của NHK)

Trong bản báo cáo tổng quan về tình hình kinh tế mới được công bố, OECD dự báo, GDP toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng 3,5% trong năm 2019, giảm 0,2% so với mức dự báo được đưa ra vào tháng 9/2018. Tổ chức này giữ nguyên dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới ở mức 3,7% trong năm 2018, song ước tính con số này sẽ giảm nhẹ về mức 3,5% trong năm 2020.

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết trong vòng 6 tháng gần đây, các nền kinh tế lớn nhất thế giới đã áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu tác động tới số lượng hàng hóa trị giá gần 500 tỉ USD. Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo cho rằng nếu tình hình leo thang căng thẳng thương mại còn tiếp diễn, các rủi ro kinh tế sẽ gia tăng, tác động mạnh tới tăng trưởng, việc làm và giá tiêu dùng trên toàn thế giới.

Lần đầu tiên APEC không ra được tuyên bố chung

Lần đầu tiên trong lịch sử 29 năm của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên không đạt được tuyên bố chung trong bối cảnh bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc về những nguyên tắc thương mại toàn cầu vẫn chưa được thu hẹp.

Thủ tướng Papua New Guinea - ông Peter O’Neill phát biểu tại cuộc họp báo sau khi Hội nghị thượng đỉnh APEC kết thúc. (Ảnh: Xinhua)
Thủ tướng Papua New Guinea - ông Peter O’Neill phát biểu tại cuộc họp báo sau khi Hội nghị thượng đỉnh APEC kết thúc. (Ảnh: Xinhua)

Sau khi Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 26 bế mạc ngày 18/11, cuộc tranh cãi giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mỹ và Trung Quốc đều đổ lỗi cho bên còn lại là nguyên nhân khiến bản tuyên bố chung không được đưa ra.

Ngày 23/11, Papua New Guinea - nước đăng cai hội nghị cấp cao APEC lần thứ 26 - đã ra tuyên bố của Chủ tịch luân phiên APEC, kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC tham gia tích cực hơn vào công việc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong tuyên bố, Thủ tướng Papua New Guinea Peter O'Neill cho biết, các quan điểm khác nhau về tự do thương mại và các quy định của WTO đã ngăn cản các nền kinh tế thành viên nhất trí một tuyên bố chung.

Biểu tình lớn phản đối tăng thuế nhiên liệu tại Pháp

Ngày 19/11, hàng chục nghìn người biểu tình mặc trang phục áo ghi-lê màu vàng đã phong tỏa các nhà kho chứa nhiên liệu và nhiều trục đường chính trên khắp nước Pháp trong bối cảnh chính phủ chưa có động thái nhượng bộ trước sức ép biểu tình bùng phát từ cuối tuần trước và tiếp tục từ chối cắt giảm thuế nhiên liệu.

Người biểu tình gây cản trở giao thông trên nhiều tuyến đường lớn tại Pháp. (Ảnh: AP)
Người biểu tình gây cản trở giao thông trên nhiều tuyến đường lớn tại Pháp. (Ảnh: AP)

Ngay từ ngày đầu tiên diễn ra vào hôm 17/11, phong trào biểu tình tự phát trên diện rộng nhằm phản đối quyết định tăng thuế nhiên liệu của chính phủ Pháp đã khiến 1 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Ngày 24/11, tại đại lộ Champs-Elysées ở thủ đô Paris, cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn, khiến cảnh sát phải dùng vòi rồng phun nước và lựu đạn hơi cay để giải tán. Theo thông tin từ cảnh sát, 8 người biểu tình đã bị bắt do có các hành động quá khích và ném vật liệu nổ.

Các nhà lập pháp Nga kêu gọi sửa đổi quy định về sử dụng vũ khí hạt nhân

Ngày 21/11, các nghị sỹ Quốc hội Nga đã kêu gọi Hội đồng An ninh Quốc gia nước này sửa đổi quy định về sử dụng vũ khí hạt nhân trong bối cảnh cách đây ít lâu, Tổng thống Mỹ D.Trump đã công bố ý định rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-12M Topol của Nga. (Ảnh: AFP)
Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-12M Topol của Nga. (Ảnh: AFP)

Trong một bản tài liệu đã được Ủy ban Quốc phòng và An ninh quốc gia phê chuẩn, các nghị sỹ Nga đã nêu phương án chuẩn bị một phiên bản mới về “những nét cơ bản trong chính sách răn đe hạt nhân của LB Nga”.

Ngày 22/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố nỗ lực của lãnh đạo Mỹ loại bỏ quy chế hạn chế vũ khí quốc tế hiện hành khiến Moskva lo ngại. Ông Lavrov cho rằng Nga và Mỹ, với tư cách là những quốc gia sở hữu tiềm năng hạt nhân lớn nhất, gánh vác trách nhiệm đặc biệt về duy trì an ninh toàn cầu.

Trong những năm gần đây, Moskva và Washington thường xuyên cáo buộc lẫn nhau vi phạm INF. Nga nhiều lần tuyên bố tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết đưa ra trong hiệp ước này.

Mỹ và Hàn Quốc thu hẹp quy mô cuộc tập trận “Đại bàng non”

Ngày 21/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết, cuộc tập trận chung giữa hai nước đồng minh mang tên “Đại bàng non” sẽ được thu hẹp quy mô.

Binh sĩ Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận
Binh sĩ Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận "Đại bàng non", tháng 4/2018. (Ảnh: Reuters)

Đây là lần thứ 5 Mỹ và và Hàn Quốc điều chỉnh quy mô của các cuộc tập trận chung nhằm giữ hòa khí và tuân thủ cam kết đã đưa ra với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố quyết tâm từ bỏ chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Tuyên bố trên được người đứng đầu Lầu Năm góc đưa ra vào thời điểm đang xuất hiện những thông tin đồn đoán về khả năng cuộc tập trận chung “Đại bàng non” sẽ bị trì hoãn trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang tìm kiếm cơ hội tiến hành Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào đầu năm 2019.

WMO: Lượng CO2 trong khí quyển tăng cao kỷ lục

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết lượng khí thải carbon dioxide (CO2) trong bầu khí quyển đã tăng lên ngưỡng cao kỷ lục mới trong năm 2017 và không có dấu hiệu cho thấy xu hướng này có thể đảo ngược trong thời gian tới.

Theo số liệu mới nhất trong Báo cáo Khí thải nhà kính thường niên của WMO, nồng độ CO2 trong bầu khí quyển đã chạm mốc 405,5 ppm vào năm ngoái, tăng từ mức 403,3ppm năm 2016 và 400,1 ppm năm 2015.

Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cảnh báo nếu không nhanh chóng cắt giảm CO2 và các khí thải gây hiệu ứng nhà kính khác, tình trạng biến đổi khí hậu sẽ gây ra nhiều tác động mang tính hủy diệt và không để đảo ngược đối với sự sống trên Trái Đất./.

Nguồn: Dangcongsan.vn

Các tin khác