Tin tức sự kiện
Thiệt hại nặng, Mỹ vẫn quay lưng với Hiệp định Paris
09:34, 25/11/2018 (GMT+7)
Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đã trải qua nhiều năm đàm phán cam go, phức tạp, sau khi được thông qua năm 2015, đến nay đã có trên 180 nước ký kết, nhằm thúc đẩy mọi nỗ lực để ứng phó hiệu quả với thách thức về biến đổi khí hậu trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, cách đây hơn một năm, Tổng thống Donal Trump đã đưa ra quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định này.
Trong khi đó, được Quốc hội Mỹ ủy quyền, hơn 300 nhà khoa học nước này đã tiến hành nghiên cứu và mới đây đã đưa ra bản báo cáo dài hơn 1.000 trang có mục đích thông báo tình hình với các nhà hoạch định chính sách, song không đưa ra bất kì khuyến nghị cụ thể nào về những hành động cần thực hiện về những tác động của biến đổi khí hậu đối với Mỹ.
Báo cáo có tên Đánh giá Khí hậu Quốc gia khẳng định "với tốc độ thải phát đang gia tăng ở mức lịch sử, tổn thất hàng năm ở một số lĩnh vực kinh tế dự kiến sẽ đạt mức hàng trăm tỷ USD vào cuối thể kỉ này, cao hơn tổng sản phẩm quốc nội GDP của nhiều bang ở Mỹ".
Theo báo cáo, "nếu không có những nỗ lực hạn chế thực chất, mang tính khu vực và toàn cầu, biến đổi khí hậu dự kiến sẽ gây thiệt hại ngày càng nhiều cho cơ sở hạ tầng, tài sản của Mỹ cũng như hạn chế tỷ lệ tăng trưởng".
Báo cáo cũng cho rằng tác động của biến đổi khí hậu cũng sẽ ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu, giá cả xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở nước ngoài và các chuỗi cung ứng.
Mặc dù Chính phủ Mỹ quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhưng một số bang nước này đã chống lại và có những hành động cụ thể để hạn chế sự tác động.
Trước đó, ngày 12/9, phát biểu nhân Hội nghị Hành động chống biến đổi khí hậu toàn cầu diễn ra ở thành phố San Francisco với sự tham gia của hơn 4.500 thống đốc, thị trưởng, giám đốc điều hành và chuyên gia từ hơn 100 quốc gia trên thế giới, Thống đốc bang California của Mỹ, ông Jerry Brown lên tiếng kêu gọi thế giới tăng cường hợp tác để có thể đạt được các mục tiêu về cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Ông Jerry Brown nhấn mạnh, một trong những giải pháp đối với tình trạng biến đổi khí hậu là phát triển một nền kinh tế mới, khuyến khích các hãng chế tạo thêm nhiều ô tô điện thân thiện với môi trường để giúp ứng phó hiệu quả với thách thức về khí hậu.
Bang California đã nổi lên là địa phương đi đầu trong hành động chống biến đổi khí hậu, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris cách đây hơn một năm và quay lưng lại với các chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama.
Còn báo cáo mang tên "Thực hiện Cam kết của Mỹ", do cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg tài trợ cho rằng, các nỗ lực không mệt mỏi ở các đơn vị hành chính địa phương như các bang, các thành phố và các doanh nghiệp của nước này nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ không thể nào bù lại được quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy bỏ các chính sách khí hậu của người tiền nhiệm Obama và thúc đẩy việc sử dụng năng lượng hóa thạch.
Báo cáo nhận định, theo đà hiện nay thì đến năm 2025, mức phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ sẽ chỉ giảm 17% so với năm 2005, trong khi cựu Tổng thống Obama đã đặt mục tiêu giảm 26% so với năm 2005.
Tuyết Minh