Trong nước

Sẵn sàng kịch bản ứng phó với tình huống xấu nhất

09:04, 25/11/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh yêu cầu này với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và cho biết trong đêm 24/11, các thành viên trong Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai sẽ tham gia trực chống bão cùng với tỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra tình hình tàu thuyền tránh trú bão tại Cảng Bến Lội - Bình Châu. Ảnh báo BRVT
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra tình hình tàu thuyền tránh trú bão tại Cảng Bến Lội - Bình Châu. Ảnh báo BRVT

Chiều 24/11, Đoàn kiểm tra do đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,  rà soát công tác phòng chống cơn bão số 9 tại địa bàn.

Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã kiểm tra thực tế công tác phòng chống bão số 9 tại cảng cá Lộc An và điểm di dân tránh bão tập trung tại Trường Tiểu học Lộc An (huyện Đất Đỏ), cảng cá Bình Châu (huyện Xuyên Mộc).

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện được một khối lượng công việc rất lớn trong việc tuyên truyền, di dân, kêu gọi sắp xếp tàu bè vào nơi neo đậu… đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân.

Bộ trưởng nhấn mạnh, bão số 9 tuy không quá lớn nhưng đổ bộ vào đất liền đúng lúc triều cường lên cao, buổi đêm, đồng thời tương tác với gió mùa Đông Bắc có nhiều hơi ẩm nên rất dễ tạo dông lốc, rất nguy hiểm. Bà Rịa - Vũng Tàu được xác định là một trong những trọng điểm nơi cơn bão đổ bộ, trong khi đây vùng ven biển có nhiều xung yếu nhiều, đông khách du lịch tới nghỉ dưỡng vào cuối tuần và còn là địa bàn công nghiệp phát triển với nhiều công trình, nhà máy lớn, nguy cơ cháy nổ rất cao.

Trước tính chất phức tạp của cơn bão, lại đổ bộ vào đêm, Bộ trưởng yêu cầu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổng rà soát lại các phương án phòng, chống bão và theo phương châm “4 tại chỗ”.

Trước hết, trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại trước khi bão đổ bộ, tỉnh tiến hành rà soát, kiểm tra lại công tác di dân tập trung ở những điểm xung yếu, đặc biệt là những hộ có lao động trẻ, khỏe thường chủ quan ở lại nhà để bảo vệ tài sản; kiểm tra, yêu cầu lên bờ đối với những ngư dân, thuyền trưởng đang còn ở lại tàu để chằng néo tàu cá, lồng bè trên sông; thông báo, yêu cầu các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đảm bảo an toàn cho du khách; tổng rà soát lại toàn bộ các hồ đập trên địa bàn; tổ chức lực lượng trực chống bão.

Trong đêm 24/11, các thành viên trong Đoàn kiểm tra sẽ tham gia trực chống bão cùng với tỉnh. Bộ trưởng cũng lưu ý tỉnh phải sẵn sàng các kịch bản khi có tình huống xấu nhất xảy ra.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính đến 13 giờ ngày 24/11 đã có 4.668 tàu với hơn 23.000 ngư dân vào bờ neo đậu an toàn. Hiện còn hơn 1.000 tàu cá với khoảng 8.000 ngư dân đang còn hoạt động trên biển nhưng đều ở ngoài vùng nguy hiểm và giữ liên lạc thông suốt với cơ quan chức năng và gia đình.

Qua rà soát các khu vực xung yếu, vùng nguy cơ cao, toàn tỉnh dự kiến di dời khoảng 21.000 hộ với hơn 97.000 dân; trong đó khoảng 18.000 dân sơ tán tập trung, còn lại là sơ tán tại chỗ. Hiện các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục di dân, trong đó di dân tập trung đã đạt khoảng 11.300 dân vào các trường học, nhà văn hóa.

Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, đến tối 24/11 sẽ hoàn tất việc di dân tập trung vào những nơi an toàn./.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác