Quốc tế

'Cú sốc lớn' trên hành trình tới ngai vàng của Thái tử Saudi Arabia

08:48, 09/11/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
Con đường tới quyền lực tối thượng của Thái tử Saudi Arabia hiện giờ đang gặp phải nhiều rào cản lớn do những tính toán sai lầm trong chính sách của ông.

 

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, 33 tuổi, được chọn là người kế vị ngai vàng của quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới trong nhiều thập kỷ qua, thế nhưng con đường tới quyền lực tối thượng của ông hiện giờ đang gặp phải nhiều rào cản lớn do những tính toán sai lầm trong chính sách đối nội và đối ngoại của ông. Đặc biệt khi hiện nay có nhiều cáo buộc Thái tử liên quan đến sau vụ sát hại nhà báo Khashoggi hôm 2/10 vừa qua.

Cái chết của nhà báo Khashoggi đã khiến dư luận dồn mọi sự chú ý vào Thái tử Mohammed bin Salman (MbS) – nhân vật đang làm khuynh đảo Trung Đông bằng những động thái táo bạo của mình kể từ ngày nắm quyền lực trong tay. Giới quan sát cho rằng, vụ việc không chỉ khiến danh tiếng của ông bị hoen ố sau những nỗ lực gây dựng uy tín và quyền lực thời gian qua, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế của Saudi Arabia, mà còn gây leo thang căng thẳng với Mỹ- đồng minh chủ chốt của quốc gia Arab này.

Nỗ lực gây dựng uy tín không ngừng nghỉ

Thái tử Mohammed bin Salman đã được giao phó nhiều chức vụ quan trọng và được sự tín nhiệm của Vua cha. Nguồn: AFP
Thái tử Mohammed bin Salman đã được giao phó nhiều chức vụ quan trọng và được sự tín nhiệm của Vua cha. Nguồn: AFP

Mohammed bin Salman được Vua cha phong làm Thái tử vào tháng 6/2017 khi mới 31 tuổi, đưa ông trở thành nhân vật quan trọng thứ 2 tại Saudi Arabia. Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng Thái tử Mohammed bin Salman đã được giao phó nhiều chức vụ quan trọng, trong đó có việc quản lý tập đoàn năng lượng quốc gia Aramco, đứng đầu Hội đồng Kinh tế và Phát triển, quản lý ngân sách đầu tư công của cả Vương quốc.

Mohammed bin Salman nổi tiếng với chính sách đối ngoại cứng rắn tại khu vực Trung Đông. Ngay khi nắm giữ cương vị Bộ trưởng Quốc phòng, ông đã “nổ phát súng” đầu tiên, phát động chiến dịch quân sự cùng với nhiều quốc gia Arab khác chống lại phiến quân Houthi tại Yemen. MbS cũng được là người đứng sau hàng loạt những chiến dịch táo bạo khác như cô lập ngoại giao Qatar, gây sức ép buộc Thủ tướng Lebanon Saad Hariri từ chức, thanh trừng tham nhũng trong hoàng tộc Saudi Arabia.

Về mặt kinh tế, ông luôn mong muốn xây dựng một Vương quốc Saudi Arabia giàu mạnh không phụ thuộc vào dầu mỏ.

Mohammed bin Salman đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng, cách mạng hóa hầu hết các khía cạnh của cuộc sống người dân ở quốc gia Arab này, về cả kinh tế lẫn xã hội. Kế hoạch này có tên gọi là Tầm nhìn 2030, dự kiến gia tăng doanh thu từ các Nguồn phi dầu mỏ lên đến 160 tỷ USD vào năm 2020.

Kế hoạch dự tính cũng tạo ra nhiều thay đổi trong chương trình giáo dục, thúc đẩy vai trò của nữ giới trong lực lượng lao động và đầu tư nhiều vào lĩnh vực giải trí để tạo công ăn việc làm cho giới trẻ. Chuyên gia Frederic Wehrey từ Viện Hòa bình Quốc tế Carnegie (Washington D.C.) nhận định rằng, vị thái tử trẻ tuổi này đã nắm giữ "quyền lực và sự ảnh hưởng hiếm có trong một thời gian rất ngắn". Nhiều tờ báo lớn của phương Tây nếu như trước đây từng chỉ trích sự bảo thủ của quốc gia vùng Vịnh này thì nay đều công nhận thành công và các nỗ lực cải cách của Thái tử Mohammed bin Salman.

Ông được biết đến như một người cải tổ và dẫn đầu các nỗ lực hiện đại hóa Saudi Arabia. Nguồn: AFP
Ông được biết đến như một người cải tổ và dẫn đầu các nỗ lực hiện đại hóa Saudi Arabia. Nguồn: AFP

Trả giá từ những toan tính sai lầm

Dù là lãnh đạo tuổi trẻ tài cao, được sự tin tưởng của Quốc vương và nhiều thành viên trong Hoàng tộc, nhưng con đường tiến tới ngai vàng của Mohammed bin Salman không hề bằng phẳng, một phần là do những mâu thuẫn nội bộ, xuất phát từ quá trình chuyển giao quyền lực chưa hoàn thành, mà bất cứ nhân vật hâm mộ “Trò chơi vương quyền” nào cũng dễ dàng nhận ra những nguy hiểm tiềm ẩn.

“Các cáo buộc tham nhũng có thể được tạo ra nhằm vào bất cứ ai trong chính phủ hoặc trong các tổ chức kinh doanh. Đây giống như là bước đi cuối cùng để củng cố vai trò cầm quyền của MbS, qua việc loại bỏ những đối thủ tiềm năng.

Giáo sư Colin Kahl
Nghiên cứu chính sách Trung Đông tại Đại học Georgetown

Một phần là do những chính sách cải cách táo bạo của ông đã làm dấy lên nhiều phản ứng tiêu cực trong nước. Tầng lớp giáo sĩ bảo thủ là những người đầu tiên phản đối những cải cách của Thái tử. Tuy nhiên, những chỉ trích này nhanh chóng bị dập tắt khi chính quyền Saudi Arabia thực hiện các vụ giam giữ nhiều giáo sĩ quyền lực và nhiều học giả nổi tiếng ở đất nước. Hãng tin Reuters dẫn một số Nguồn tin an ninh cho biết, các đối tượng nêu trên bị bắt giữ với cáo buộc tiến hành “các hoạt động do thám, tiếp xúc với các thế lực và tổ chức bên ngoài, trong đó có tổ chức Anh em Hồi giáo”.

Chưa hết, Mohammed bin Salman còn hứng chịu nhiều “búa rìu dư luận” khi mạnh tay trấn áp tệ nạn tham nhũng, trong đó bắt giữ nhiều thành viên đối lập trong hoàng tộc năm 2017. Nguyên nhân của vụ bắt giữ này được truyền thông nhà nước Saudi giải thích là để phục vụ điều tra các cáo buộc tham nhũng. Thế nhưng các chuyên gia lại cho rằng chiến dịch này được thực hiện nhằm giúp Thái tử loại bỏ những đối thủ.

Giáo sư Colin Kahl, nghiên cứu chính sách Trung Đông tại Đại học Georgetown nhận định: “Các cáo buộc tham nhũng có thể được tạo ra nhằm vào bất cứ ai trong chính phủ hoặc trong các tổ chức kinh doanh. Đây giống như là bước đi cuối cùng để củng cố vai trò cầm quyền của MbS, qua việc loại bỏ những đối thủ tiềm năng”.

Can dự vào xung đột tại Yemen là một trong những chính sách sai lầm của Thái tử Mohammed. Nguồn: The Atlantic.
Can dự vào xung đột tại Yemen là một trong những chính sách sai lầm của Thái tử Mohammed. Nguồn: The Atlantic.

Về mặt ngoại giao, Thái tử Mohammed bin Salman nổi tiếng với chính sách đối ngoại răn đe và gây sức ép. Tuy nhiên, chính sách này không những không mang lại hiệu quả mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Saudi Arabia trên trường quốc tế. Đến thời điểm hiện tại, Saudi Arabia vẫn sa lầy vào cuộc chiến chống phiến quân Houthi tại Yemen và số tiền mà nước này phải bỏ ra cho các chiến dịch không kích đã lên đến hơn 100 tỷ USD. Biện pháp cô lập và phong tỏa Qatar cũng không có tác dụng ngoài việc đẩy quốc gia láng giềng trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) này tiến gần hơn với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Căng thẳng ngoại giao giữa Saudi Arabia và Canada liên quan đến vấn đề nhân quyền có lẽ là vụ việc đáng lưu tâm nhất. Đáp trả việc Canada kêu gọi Saudi Arabia thả tự do cho các nhà hoạt động nhân quyền bị bắt giữ, quốc gia Arab này đã trục xuất đại sứ Canada về nước, đóng băng các hoạt động thương mại giữa hai bên và chấm dứt chương trình học bổng cho 16.000 sinh viên Saudi Arabia đang theo học tại Canada.

Cái chết của Khashoggi – cú giáng mạnh vào quyền lực của Thái tử

Hình ảnh Thái tử Mohammed bin Salman đã bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng sau vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Ảnh: CJR.
Hình ảnh Thái tử Mohammed bin Salman đã bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng sau vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Ảnh: CJR.

Khoảng 3 tuần sau cái chết bí ẩn của nhà báo Khashoggi ở lãnh sự quán Saudi Arabia tại Thổ Nhĩ Kỳ, dư luận hiện đang dồn mọi sự chú ý vào Thái tử Mohammed bin Salman (MbS). Giới quan sát cho rằng, các nỗ lực xây dựng hình ảnh nhà lãnh đạo cấp tiến của ông trong suốt 3 năm qua đã bị ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng sau sự việc này. Những mâu thuẫn trong tuyên bố của chính quyền Saudi Arabia cùng với các thông tin rò rỉ về tình tiết ghê rợn liên quan đến vụ sát hại nhà bao này đã làm hoen ố danh tiếng của MbS như một người cải tổ và dẫn đầu các nỗ lực hiện đại hóa Saudi Arabia.

Bất chấp việc Arab Saudi thực thi một số biện pháp để giữ thể diện và bảo vệ vị thế của MbS, chẳng hạn như Quốc vương bổ nhiệm ông đứng đầu ủy ban tái cơ cấu tình báo hay chính quyền Saudi Arabia nhiều lần khẳng định Khashoggi đã thiệt mạng trong một "trận ẩu đả" bất ngờ xảy ra trong tòa nhà lãnh sự. Vẫn có nhiều nghi vấn cho rằng Thái tử Mohammed bin Salman chính là người đứng sau vụ sát hại này. “Vụ việc không thể xảy ra nếu không có sự chấp thuận của MbS. Không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ”, một nhà cựu ngoại giao cấp cao của Mỹ nói với tờ Bưu điện Washington.

Sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế trước cái chết của nhà báo Khashoggi đã tạo ra cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất mà Thái tử Mohammed bin Salman phải đối mặt kể từ khi nắm quyền. MbS từng hy vọng thúc đẩy sự ủng hộ quốc tế đối với các nỗ lực cải cách nền kinh tế của Saudi Arabia, nhưng hiện giờ Vương quốc này có nguy cơ phải hứng chịu một loạt biện pháp trừng phạt từ cộng đồng quốc tế. Saudi Arabia từng cảnh báo đáp trả mạnh tay đối với các biện pháp trừng phạt, song giới phân tích cho rằng, việc sử dụng vũ khí chính là dầu mỏ có thể phản tác dụng, khiến mục tiêu kinh tế của Mohammed bin Salman thậm chí ngày càng xa tầm với.

“Bất cứ thách thức trực tiếp nào đối với sự kế vị ngai vàng của Thái tử Mohammed có thể gây bất ổn tới toàn bộ Vương quốc. Là người trẻ tuổi và gần gũi với Quốc vương Salman, nhiều khả năng cách hành xử của Thái tử Mohammed sẽ bị hạn chế bởi ảnh hưởng của cha mình cũng như nhiều nhà lãnh đạo khác trên thế giới.”

Ông Cinzia Bianco, chuyên gia thuộc Tổ chức phân tích Vùng Vịnh

Ông Michael Stephens – nhà phân tích chuyên nghiên cứu về Trung Đông ở Viện Royal United Services của London nhấn mạnh: “Vấn đề hiện nay là cách thức các chính phủ phương Tây phối hợp đưa ra phản ứng và họ muốn tình hình hình leo thang căng thẳng ở mức độ nào. Nhưng các biện pháp trừng phạt về tài chính có được coi là đủ hữu hiệu để gửi một thông điệp tới Saudi Arabia rằng điều này sẽ chẳng bao giờ xảy ra lại hay không? Nhiều người có thể cảm thấy rằng điều này là không phù hợp”.

Mối quan ngại lớn nhất của Saudi Arabia hiện nay là Mỹ, một đồng minh quân sự quan trọng và là Nguồn đầu tư chủ chốt để Saudi Arabia thực hiện các dự án cải cách về kinh tế. Phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ có thể khiến các nước phương Tây khác hành động theo, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Tổng thống Mỹ Donald Trump đến nay đã gửi đi nhiều tín hiệu mâu thuẫn, một mặt cam kết “trừng phạt nghiêm khắc” những đối tượng đứng sau cái chết của nhà báo Khashoggi, mặt khác lại khẳng định không muốn chấm dứt việc bán vũ khí cho Saudi Arabia. Ông Trump đã chọn Saudi Arabia là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài trên cương vị Tổng thống, trong khi con rể kiêm cố vấn của ông Jared Kushner đã xây dựng mối quan hệ gần gũi với Thái tử Mohmmed.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, bất chấp thái độ hòa hoãn từ Tổng thống Trump, Saudi Arabia vẫn phải đối mặt với mối đe dọa áp đặt trừng phạt từ Quốc hội Mỹ, nơi các thành viên cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã bày tỏ sự phẫn nộ liên quan đến cái chết của ông Khashoggi. Một số nghị sỹ Mỹ đã đề xuất sử dụng Đạo luật Magnitsky toàn cầu năm 2016 đối với Saudi Arabia, áp đặt lệnh cấm nhập cảnh và các biện pháp trừng phạt nhằm vào những cá nhân vi phạm nhân quyền hoặc có hành vi tham nhũng.

Còn Ayham Kamel, một chuyên gia về Trung Đông và Bắc Phi tại nhóm tham vấn Eurasia Group khẳng định, dù xuất hiện nhiều đồn đoán cuộc khủng hoảng liên quan đến vụ sát hại nhà báo Khagsogi sẽ đánh dấu sự kết thúc vai trò cầm quyền của Thái tử Mohammed, nhưng các thông điệp từ Saudi Arabia vẫn cho thấy Vua Salman luôn bày tỏ tin tưởng nhân vật kế nhiệm hiện nay là phù hơp. Và nếu Thái tử Mohammed lên ngôi, ông có thể nắm quyền trong nhiều thập kỷ, lâu hơn bất kỳ vụ vua nào khác, kể từ khi Saudi Arabia được sáng lập vào năm 1932./.

 

Nguồn: vov.vn

Các tin khác