Tin tức sự kiện

Thế giới trước những thách thức hiện hữu

09:38, 01/11/2018 (GMT+7)
Đằng sau sự căng thẳng của các cuộc chiến ngoại giao, thương mại, kinh tế... là gì? Phải chăng một cuộc định hình thế giới đang bắt đầu với những xoay chuyển quyết định "vận mệnh" thế giới vốn vẫn đang chìm trong nguy cơ của chủ nghĩa khủng bố, bóng dáng của một cuộc đại khủng hoảng và cuộc quyết đấu giữa toàn cầu hóa, chủ nghĩa đa phương, tự do hóa thương mại và chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ...?
 
1. Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát ở Mỹ (năm 2008) và lan ra toàn thế giới, gần 10 năm qua, thế giới trải qua những biến động to lớn cả về địa - kinh tế, địa - chính trị và địa - chiến lược.
 
10 năm sau, ngoài mầm mống của một cuộc siêu khủng hoảng mới đang manh nha hình thành, cuộc chiến kinh tế chưa từng có tiền lệ với quy mô hàng trăm tỷ USD và có thể gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD ở cấp độ xuyên lục địa đang kéo theo  hệ lụy toàn cầu. Song song với những tính toán chưa từng có tiền lệ, những xáo động trong nội bộ các nước, từ lớn tới nhỏ khiến các "điểm nóng" ngày một nóng hơn, thế giới đứng trước nguy cơ các cuộc chiến tranh cả "nóng", "lạnh" cùng một lúc.
Vũ khí hạt nhân ngày càng hiện đại khiến thế giới ngày càng lo lắng hơn. (Ảnh: The National Interest).
Vũ khí hạt nhân ngày càng hiện đại khiến thế giới ngày càng lo lắng hơn. (Ảnh: The National Interest).
Những yếu tố phức tạp về kinh tế, thương mại, chính trị, địa chính trị và những tính toán về một cuộc biến động lớn trong tương lai đã kéo theo tính phức tạp trong cạnh tranh và hợp tác giữa các nước lớn. Sự khúc khuỷu trong quan hệ toàn cầu tạo nên một bức tranh chung "lỗ chỗ" với gam màu sáng và xám cùng hòa quyện.
 
Những biến động đang dần tích tụ đánh dấu việc bắt đầu hình thành một cục diện mới của thế giới.
 
2. Rõ nét nhất của sự biến động này chính là việc điều chỉnh chiến lược đối ngoại, kinh tế và quân sự của các cường quốc. Mỹ, mặc dù vẫn là siêu cường số 1 toàn cầu, song xu thế rõ ràng là Mỹ đang suy giảm tương đối về sức mạnh quốc gia. Thực tế là vậy, nhưng Mỹ không và chưa bao giờ từ bỏ mục tiêu giữ vững vị trí hàng đầu thế giới. Mỗi giai đoạn chỉ là điều chỉnh chiến lược cho phù hợp với tình hình thế giới, và đặc biệt là sự "tiến bộ" của các đối thủ mà thôi.
 
Hãy nhìn vào chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thấy rõ: Kể từ khi nắm quyền, chính quyền của Tổng thống Donald Trump tích cực triển khai chính sách đối ngoại có tính thực dụng; tập trung nhiều vào các lợi ích kinh tế; khả năng răn đe về quân sự - kinh tế - thương mại cùng song hành hơn là về ngoại giao. Nhìn vào cách Mỹ xử lý quan hệ với Trung Quốc và Nga thông qua các chiến lược như kể ở trên sẽ thấy rất rõ.
 
Chỉ trong vòng một năm, sự điều chỉnh của Mỹ đã kéo theo điều chỉnh của hàng loạt nước lớn, nhỏ trên thế giới. Lấy ví dụ từ Trung Quốc. Sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc, với sức mạnh quốc gia tăng mạnh trên mọi khía cạnh, Trung Quốc tỏ rõ quyết tâm thực hiện mục tiêu trở thành cường quốc hàng đầu ở khu vực và trên thế giới thông qua việc biến "Giấc mộng Trung Hoa" thành sự thật. Trung Quốc ngày càng tỏ ra quyết đoán hơn trong việc bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình đã khiến Mỹ "cảnh giác". Cuộc "thương chiến" giữa nền kinh tế số 1 và số 2, ra đời trong bối cảnh ấy.
 
Điều đáng bàn là cách nó diễn ra cho thấy, nước Mỹ đã chuẩn bị cực kỳ công phu cho trận chiến "sống còn" này. Theo sự phân tích của các chuyên gia, họ đã bắt đầu nhìn thấy "nơi sâu thẳm" nhất của cuộc chiến, cái đích đi đến trong cuộc chiến này. Hóa ra, việc áp thuế thép, thuế nhôm sau đó là thuế ôtô, thuế hàng hóa xuất khẩu của Canada, Mexico, rồi cả châu Âu, những đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc... cuối cùng lại không thực sự nhằm vào những nơi đó... Những động thái tưởng chừng không liên quan tới cuộc thương chiến Mỹ - Trung thực chất lại nhằm để tạo ra một "thiên la địa võng" buộc Trung Quốc không thể cựa mình.
 
Tờ New York Times phân tích ông Donald Trump và nước Mỹ đang tiến tới cái đích của mình. "Lập trường cứng rắn với các đồng minh truyền thống mà ông Trump đưa ra giờ đây trông có vẻ như chỉ là bước khởi động trước sự kiện chính: cô lập Trung Quốc", tờ New York Times bình luận.
 
Nhìn vào kết quả thực tế thấy rõ, đúng là ông Trump đã thành công khi buộc các nước ngồi vào bàn đàm phán, thương thảo lại các hiệp định đã ký trước đó. Đòi hỏi như thế mà rốt cuộc Mỹ vẫn đạt các thỏa thuận mới, đầu tiên là với Hàn Quốc, rồi đến Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ thế hệ mới (USMCA) ký với Canada và Mexico; bước tiếp theo sẽ là thỏa thuận mới với Nhật Bản và EU.
 
Sự thành công của Tổng thống Donald Trump không chỉ ở việc gây sức ép với đối thủ trực tiếp là cường quốc kinh tế số 2, mà như ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế của ông Trump thì cái đích thực sự ẩn chứa những tính toán còn lớn hơn nhiều, tìm lại đồng minh trên một vị thế khác. "Chúng tôi đang đàm phán lại với EU. Chúng tôi đang đàm phán lại với Nhật Bản. Và chúng tôi đang hướng đến cái tôi tạm gọi là liên minh thương mại của những người đồng lòng để đương đầu với Trung Quốc".
 
Việc liên minh là điều bình thường, đặc biệt là liên minh trong kinh tế, tuy nhiên sự liên minh theo cách ông Trump đang làm khiến thế giới đứng trước nguy cơ biến hệ thống thương mại quốc tế thành hai khu vực ảnh hưởng, một khu vực thân Mỹ, một khu vực dựa vào dây chuyền cung ứng của Trung Quốc. Những nền kinh tế nhỏ sẽ chịu nhiều thiệt thòi và cực kỳ khó khăn trong ứng xử với cả hai "phe".
 
Cái cách Mỹ làm với Trung Quốc chắc chắn sẽ là cách mà Mỹ muốn "dằn mặt" cả thế giới. Nhất là trong bối cảnh như cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton tuyên bố Mỹ coi đây là "vấn đề lớn trong thế kỷ này".
 
3. Hệ lụy của cuộc "thương chiến" đã khiến dấu hiệu cuộc "Chiến tranh Lạnh" mới dần rõ. Những tuyên bố "lạnh gáy" của các cường quốc hạt nhân hiện tại khiến cả thế giới lo lắng, bởi nước Mỹ đã tiến gần hơn đến tình trạng đối đầu quân sự khi công khai đối đầu với cả Nga và Trung Quốc.
 
Những căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang tới mức một cuộc đối đầu kinh tế toàn diện dự báo sẽ để lại hậu quả khủng khiếp khi Trung Quốc trả đũa bằng cách bán tháo lượng trái phiếu của Chính phủ Mỹ trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD mà Trung Quốc hiện đang nắm giữ. Quả bom "hạt nhân kinh tế" đang treo trên giá và đã sẵn sàng phát nổ. Di chứng của nó chắc chắn sẽ không chỉ dừng ở hậu họa của hai nền kinh tế.
Nhiều liên minh quân sự mới đang hình thành nhưng lại không vì mục đích tốt đẹp của hòa bình thế giới. (Ảnh: Business Insider UK).
Nhiều liên minh quân sự mới đang hình thành nhưng lại không vì mục đích tốt đẹp của hòa bình thế giới. (Ảnh: Business Insider UK).
4. Ngoài sự biến động lớn về kinh tế có thể xảy ra trong tương lai gần, những "va đập" của các cường quốc hàng đầu còn nằm ở những điểm nóng quân sự ở cấp độ toàn cầu, đặc biệt là Trung Đông.
 
Việc Mỹ hé lộ mục đích nhúng tay vào Syria, hủy bỏ những cam kết với Iran liên quan tới vấn đề hạt nhân của nước này, đồng thời đẩy mạnh quan hệ với Israel và khối các nước Arab giàu có ở khu vực Trung Đông, trong khi bỏ mặc tiến trình hòa bình Palestin... khiến cả Trung Đông không thể thoát khỏi chảo lửa mà Mỹ đang trực tiếp hoặc gián tiếp "đổ dầu" vào. 
 
Đáng lẽ phải tiêu diệt khủng bố thì Mỹ lại lợi dụng cái cớ đó để kích động các nhóm thánh chiến chống lại quân Chính phủ Syria, đúng như Ngoại trưởng Nga tuyên bố: Sự hiện diện bất hợp pháp của Mỹ là lý do khiến nội chiến ở Syria không thể chấm dứt. Không chỉ thế, việc Mỹ âm mưu lập một Đại Kurdistan ở Syria và Iraq, khai sinh "một Israel mới..." làm cho Trung Đông thêm rối ren, không đường thoát, bất chấp những nỗ lực của Nga, Chính phủ Syria và nhiều nước khác ở Trung Đông muốn nỗ lực ổn định tình hình. Chưa bao giờ Trung Đông mong manh như thế.
 
Không chỉ tạo ra các mũi nhọn nhằm vào Trung Quốc, nước Mỹ rõ ràng muốn cả thế giới phải biến đổi theo chiến lược của mình. Ngoài Trung Quốc, Mỹ tiếp tục tăng cường các biện pháp toàn diện để chống lại nước Nga với vai trò đầy mâu thuẫn của châu Âu. Sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ trong vấn đề an ninh không chỉ làm yếu đi vị thế của lục địa già, mà châu Âu đôi khi đã trở thành công cụ để Mỹ lợi dụng. Châu Âu sẽ còn bất ổn và tiếp tục kẹt trong cuộc chiến Mỹ - Nga nếu không thể tạo ra "quyền tự chủ chiến lược".
 
5.Không chỉ đối mặt với hiểm họa kinh tế, hiểm họa khủng bố mới tiếp tục bủa vây thế giới. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chính trị quốc tế Italy (ISPI) mới đây, sự hiện diện của những chiến binh thánh chiến Hồi giáo quốc tế vẫn luôn là một hiểm họa nghiêm trọng đối với tình hình an ninh khu vực.
 
Hiện tượng này trước đây từng có rất nhiều tiền lệ. Các chiến binh đến từ phương Tây, dưới danh nghĩa thánh chiến, đã trực tiếp tham gia chiến sự tại các khu vực nóng ở nước ngoài như Afghanistan, Bosnia và Iraq, Syria... Gần đây, xu hướng này càng trở nên phát triển với quy mô và nhịp độ chưa từng có. 
 
Các chiến binh thánh chiến không chỉ đến từ những vùng đất nghèo khó mà giờ đây một phần không nhỏ các chiến binh thánh chiến mang tư tưởng cực đoan lại đến từ những quốc gia giàu có và văn minh đang tạo nguy cơ trở thành mối hiểm họa đối với tình hình an ninh toàn cầu khi đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp cho các cuộc tấn công khủng bố; góp phần làm cho các âm mưu khủng bố, tư tưởng khủng bố trở nên tinh vi hơn, lan rộng hơn trước đây rất nhiều.
 
6. Và cuối cùng, nguy cơ về cuộc chiến hạt nhân chưa bao giờ chấm dứt tiếp tục khiến thế giới sống trong "thấp thỏm". Liên tục các đặc tính chiến thuật và kỹ thuật của những hệ thống tấn công hạt nhân chiến lược mà Bộ Quốc phòng của các cường quốc hàng đầu liên tục công bố không khiến thế giới yên bình, mà trái lại, những công cụ được hiện đại nhằm mang tính mặc cả và răn đe này chỉ càng khiến nhiệt độ chính trị toàn cầu tăng cao.

Nguồn: CAND

Các tin khác