Trong nước

Tổng Thanh tra Chính phủ

Đẩy mạnh một số giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng

07:57, 31/10/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về giải pháp đẩy lùi tham nhũng tại phiên chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, sáng 30/10, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, thời gian tới quyết tâm đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng với nhiều giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào việc kiểm tra, giám sát, phát hiện tham nhũng.

Quyết tâm đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng với nhiều giải pháp

Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Văn Mão – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, đặt câu hỏi: Vấn đề phòng, chống tham nhũng đã được nêu ra từ kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, tuy nhiên đến nay theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, nhận định tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay. Bên cạnh tham nhũng vặt thì các vụ tham nhũng lớn dưới hình thức nhóm lợi ích, doanh nghiệp, sân sau, công ty gia đình đang bộc lộ cần được nhận diện đánh giá thực chất. Đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ, với trách nhiệm là cơ quan thường trực của Ủy ban Phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và các giải pháp căn cơ để đẩy lùi tình trạng mà báo cáo đã nêu trên?

Đại biểu Trần Văn Mão - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, đặt câu hỏi về nguyên nhân, trách nhiệm và các giải pháp căn cơ để đẩy lùi tình trạng tham nhũng
Đại biểu Trần Văn Mão - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, đặt câu hỏi về nguyên nhân, trách nhiệm và các giải pháp căn cơ để đẩy lùi tình trạng tham nhũng

Trả lời chất vấn của đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, hiện nay, công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cũng như toàn dân rất quan tâm. Với quyết tâm cao, sự quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư của Quốc hội và Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng thì tình hình tham nhũng được ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, với tình trạng hiện nay, tham nhũng vẫn phức tạp nên vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới.

Về nguyên nhân của tình hình tham nhũng, theo Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng có rất nhiều, trong đó có công tác tuyên truyền, hệ thống pháp luật, công tác phòng ngừa tham nhũng, phát hiện và xử lý. Vì vậy, thời gian tới với tình hình này Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng kể cả Chính phủ cũng quyết tâm đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng với nhiều giải pháp. Cụ thể, giải pháp thứ nhất là tiếp tục tuyên truyền pháp luật để người dân toàn hệ thống chính trị, đặc biệt cán bộ, công chức nắm vững Luật Phòng, chống tham nhũng và hệ thống pháp luật.

Giải pháp thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để làm sao đầy đủ toàn diện và đảm bảo kiểm soát tất cả hoạt động đặc biệt trong lĩnh vực quản lý nhà nước của người có trách nhiệm liên quan đến cán bộ, công chức nhà nước.

Giải pháp thứ ba, trong hoàn thiện pháp luật, nhanh chóng sửa đổi, bổ sung để kỳ họp lần này Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vì trong đó có nhiều giải pháp, khắc phục hạn chế, từ những không giải trình được một cách hợp lý. Tăng cường cả hệ thống chính trị tham gia vào việc kiểm tra, giám sát, phát hiện, kể cả nhân dân và báo chí để làm sao hạn chế thấp nhất tình hình tham nhũng, để góp phần làm trong sạch bộ máy và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Nhất trí với trả lời của Tổng Thanh tra Chính phủ, song đại biểu Trần Văn Mão cũng tranh luận thêm, chúng ta làm rất nhiều giải pháp để phòng, chống tham nhũng chung trong cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, một thực trạng Ủy ban Tư pháp đánh giá đó là bên cạnh tham nhũng vặt thì lợi ích nhóm, doanh nghiệp sân sau, công ty gia đình ngày càng lộ diện. Đại biểu đặt vấn đề, giải pháp căn cơ nào để giảm hoặc đẩy lùi các doanh nghiệp sân sau, gia đình này ngày càng phát triển như nhận định của Ủy ban Tư pháp.

Giải pháp đột phá nhất làm sao để tiếp công dân một cách thực sự ở cơ sở

Cũng trong phiên chất vấn, trả lời câu hỏi của đại biểu Ngọ Duy Hiểu – Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội, về các giải pháp đột phá cả trước mắt và lâu dài để giải quyết tình trạng tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng mong đợi của cử tri, Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Minh Khái khẳn định, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo là việc hết sức quan trọng. Trong năm 2018, Chính phủ cũng đã có những giải pháp tăng cường tiếp công dân và chỉ đạo lãnh đạo cả hệ thống, kể các ban ngành và địa phương cũng đã đẩy mạnh công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo. Tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng đã thuyên giảm. Tuy nhiên, trong số liệu, số đơn khiếu nại, vụ việc có tăng nhưng đoàn đông người không tăng so với năm 2017.

Tổng Thanh tra Chính phủ chia sẻ, với chức năng quản lý nhà nước về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Chính phủ cũng tham mưu và đề xuất nhiều giải pháp để làm sao cải thiện tình hình. Trong đó, có những giải pháp chẳng hạn như: tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tổ chức thực hiện tốt Luật Tiếp công dân và Luật Giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt lưu ý thanh tra, kiểm tra để chúng ta góp ý, chấn chỉnh, còn nhiều thiếu xót trong việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phối hợp với các ban ngành, tổ chức trong hệ thống chính trị để làm sao chúng ta tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu quả.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, trong nhiều giải pháp như thế, giải pháp đột phá hiện nay là phải làm sao để tiếp và giải quyết dứt điểm các vụ việc, những yêu cầu khiếu nại của người dân từ cơ sở. Vì theo Luật Khiếu nại, tố cáo, chúng ta giải quyết lần 1 rồi lần 2 là hết thẩm quyền. Giải quyết lần 1, lần 2, nếu như công dân chưa thỏa mãn, có thể kiện ra tòa hành chính. Tuy nhiên, hiện nay có thể giải quyết lần 2 rồi nhưng người dân vẫn rất ngại ra tòa hành chính. Do đó, tập trung thành những đoàn đông người để tiếp tục kéo lên khiếu nại vượt cấp.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu - đoàn ĐBQH TP.Hà Nội chất vấn về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng mong đợi của cử tri
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu - đoàn ĐBQH TP.Hà Nội chất vấn về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa đáp ứng mong đợi của cử tri

Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, giải pháp đột phá nhất hiện nay đó là làm sao để chúng ta tiếp công dân một cách thực sự ở cơ sở và những vụ việc phức tạp, đông người. Theo đó, Trung ương phải phối hợp cùng với các địa phương để xử lý giải quyết.

Gần đây, sau khi Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hội nghị với 27 tỉnh thành có những vụ việc phức tạp đông người, Thanh tra Chính phủ đã ban hành một kế hoạch, trong đó có phân cấp giữa Trung ương và địa phương. Đối với cấp Trung ương, đặc biệt là Thanh tra Chính phủ đôn đốc, hướng dẫn. Kế hoạch này tôi nghĩ sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận và nếu chúng ta thực hiện thì giải pháp thực hiện kế hoạch này trong thời gian sắp tới tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân sẽ có hiệu quả hơn.

Chia sẻ với Thanh tra Chính phủ, phát biểu tại hội trường, đại biểu Phan Việt Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, đề xuất, hiện một số Chủ tịch huyện, Chủ tịch tỉnh ở một số tỉnh, ngại tiếp nhân dân. Chính vì vậy, để quản lý và có bước đột phá, áp dụng công nghệ cao, tất cả các phòng tiếp dân ở cấp tỉnh, cấp huyện có thể nối mạng với Tổng Thanh tra Chính phủ và theo dõi. Trên cơ sở đó, có những trả lời hoặc từ chối tiếp công dân để chúng ta theo dõi và có biện pháp xử lý...

Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội Việt Nam

Các tin khác