Trong nước

Chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

08:37, 31/10/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí tiếp tục được đại biểu chất vấn về việc chậm trễ trong bồi thường oan sai; vi phạm quy định pháp luật trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; tình trạng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tăng cao.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí về giải pháp đẩy nhanh tiến độ bồi thường oan sai.
Đại biểu Hoàng Văn Hùng chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí về giải pháp đẩy nhanh tiến độ bồi thường oan sai.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên nêu câu hỏi: Năm 2018, Viện Kiểm sát nhân dân giải quyết 9 đơn trong tổng số 18 đơn yêu cầu bồi thường, trong 9 đơn còn lại có trường hợp đã kéo dài nhiều năm, trong đó có một trường hợp kéo dài từ 2005 đến nay đã qua 13 năm, làm ảnh hưởng đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người bị oan và giảm niềm tin của người dân với tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật. Đại biểu đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết giải pháp trong thời gian tới để giải quyết dứt điểm đơn yêu cầu bồi thường?

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí khẳng định, khi để xảy ra oan sai cho người dân là việc ngoài ý muốn, chúng tôi chia sẻ với người bị oan sai. Qua đây, chúng tôi nhận thức trách nhiệm của mình và thời gian tới sẽ tăng cường công tác kiểm tra trong việc xử lý chậm giải quyết bồi thường, oan sai. Mặc dù thiệt hại gây ra đối với người oan, sai phải được bồi thường nhưng cũng cần tuân thủ quy định của pháp luật. Khó khăn hiện nay khi tiến hành thương lượng là hai bên không có sự thống nhất về mức bồi thường. Một bên theo quy định của nhà nước, một bên thì tính toán theo chủ quan thiệt hại của người bị oan, sai, vì vậy không tìm được điểm chung. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới kéo dài thời gian bồi thường oan, sai.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân các cấp tiếp tục thực hiện đầy đủ quy định về Luật Bồi thường nhà nước.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân các cấp tiếp tục thực hiện đầy đủ quy định về Luật Bồi thường nhà nước.

Hiện nay Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo đối với những vụ việc liên quan đến thương lượng bồi thường thì viện kiểm sát các cấp phải chủ động, nếu khó khăn thì báo cáo cấp trên xem xét giải quyết. Với vụ việc kéo dài 13 năm chưa bồi thường mà đại biểu Hoàng Văn Hùng nêu thì Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới trình Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quyết định mức bồi thường và chịu trách nhiệm với quyết định này.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cũng báo cáo trước Quốc hội những giải pháp đẩy nhanh tiến độ bồi thường oan, sai. Đó là tiếp tục thực hiện đầy đủ quy định về Luật Bồi thường nhà nước, nếu phát hiện có quy định nào không phù hợp với thực tiễn thì kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Giải pháp thứ hai là chủ động chỉ đạo cán bộ kiểm sát khi thực hiện nhiệm vụ cần linh hoạt giải quyết, giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết. Đồng thời xây dựng phương án đối với từng trường hợp yêu cầu bồi thường, khi có diễn biến phức tạp thì báo cáo kịp thời cho cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm.

Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
Đại biểu Tô Văn Tám, Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Một số đại biểu nêu thực tế, năm 2017, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao bố trí 187 kiểm sát viên trong ngành không làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng đánh giá việc bố trí kiểm sát viên không làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp là vi phạm quy định tại Điều 74 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014. Tuy nhiên, năm 2018 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vẫn tiếp tục bố trí 144 kiểm sát viên công tác tại các đơn vị tham mưu tổng hợp, quản lý nhà nước.

Ông Lê Minh Trí chia sẻ đây là vấn đề trăn trở lớn nhất từ khi nhận nhiệm vụ Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Hiện nay, 63 tỉnh thành thì có chánh văn phòng của 63 Viện kiểm sát cấp tỉnh; ở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao có 3 chánh văn phòng; trưởng phòng tổ chức 63 tỉnh thành…. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết: “Theo quy định, Văn phòng không cần nghiệp vụ nhưng thực tế hành chính của kiểm sát là hành chính nghiệp vụ chứ không phải hành chính đơn thuần làm nhiệm vụ văn thư, giấy tờ. Bởi Văn phòng hàng năm phải đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ; Văn phòng còn làm công tác kiểm tra hàng năm ở địa phương, nếu chánh văn phòng không biết nghiệp vụ thì sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đây là nguyên nhân khiến thời gian qua, nhiều đồng chí chánh văn phòng, chánh thanh tra hoặc vụ trưởng vụ tổ chức được luân chuyển để đáp ứng công việc nên chưa thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật.  Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cũng thừa nhận đang lúng túng trong việc thực hiện chính sách pháp luật, quy định trong luật, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định".

Đại biểu Lê Thị Nga chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về thực trạng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tăng cao.
Đại biểu Lê Thị Nga chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về thực trạng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tăng cao.

Chất vấn về tình trạng trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tăng cao, đại biểu Lê Thị Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, cho rằng, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung được pháp luật cho phép nhưng phải có giới hạn, có điều kiện vì liên quan đến thời hạn tạm giam, liên quan đến thời hạn áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng như hoãn chấp hành, kê biên, phong tỏa tài khoản và một số biện pháp hạn chế quyền công dân khác. Do vậy, Nghị quyết 55 của Quốc hội đã yêu cầu hạn chế đến mức thấp nhất việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung thì các cơ quan tư pháp cần chấp hành. Đại biểu Lê Thị Nga cũng nhấn mạnh: Viện Kiểm sát mà trả hồ sơ điều tra cho cơ quan điều tra nhiều chứng tỏ chất lượng điều tra còn hạn chế. Tòa án mà trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhân dân nhiều thì chứng tỏ chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra trong giai đoạn điều tra còn hạn chế. Theo Báo cáo của Ủy ban Tư pháp, số vụ án mà Tòa án trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát nhiều gấp 2 lần số vụ Viện kiểm sát trả hồ sơ cho cơ quan điều tra cho thấy chất lượng công tố và thực hành công tố trong giai đoạn này còn một số hạn chế. Đại biểu lấy ví dụ vụ ông Hoàng Công Lương là bác sỹ ở Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, sau khi tòa án trả hồ sơ thì Viện kiểm sát chuyển cho cơ quan điều tra khởi tố thêm 2 bị can là Hoàng Đình Hiếu và Trần Văn Thắng. Điều này chứng tỏ trong giai đoạn truy tố Viện kiểm sát đã bỏ lọt người phạm tội. Vì vậy, đại biểu cho rằng cơ quan tư pháp cần chấp hành đúng Nghị quyết 55/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp Thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Về vấn đề này, Chủ tọa phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân trả lời bằng văn bản đối với phần trao đổi của đại biểu Lê Thị Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên./.

Nguồn: Cổng TTĐT Quốc hội Việt Nam

Các tin khác