Quốc tế

Đảng Dân chủ và Cộng hòa chia nhau nắm giữ 2 viện Quốc hội Mỹ

16:43, 07/11/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Đảng Cộng hòa đã dễ dàng duy trì đa số tại Thượng viện trong khi đảng Dân chủ đã nắm quyền kiểm soát Hạ viện.

Kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội Mỹ năm 2018 đã không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên môn và kết quả của các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử. Đảng Cộng hòa đã dễ dàng duy trì đa số tại Thượng viện trong khi đảng Dân chủ đã nắm quyền kiểm soát Hạ viện.

Đảng Dân chủ và Cộng hòa chia nhau nắm giữ 2 viện Quốc hội Mỹ. Ảnh: CNN
Đảng Dân chủ và Cộng hòa chia nhau nắm giữ 2 viện Quốc hội Mỹ. Ảnh: CNN

Đảng Cộng hòa đã giành được 51/100 ghế Thượng viện, trong đó có 3 ghế từ đảng Dân chủ. Trong khi đó, đảng Dân chủ đã giành lại 25 ghế từ tay đối thủ Cộng hòa, đồng thời bảo toàn được số ghế đang nắm giữ tại Hạ viện khóa 115. Với kết quả trên, đảng Dân chủ sẽ giành được hơn 218 trên tổng số 435 ghế theo luật định và qua đó giành lại quyền kiểm soát Hạ viện.

Quốc hội Mỹ khóa mới (khóa 116) khai mạc ngày 20/1/2019 sẽ ở thế lưỡng cực khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa chia nhau mỗi đảng nắm giữ một viện lập pháp. Dù không bảo toàn được con số 49 ghế tại Thượng viện, song cuộc bầu cử được nhìn nhận là thắng lợi của đảng Dân chủ khi họ hoàn thành mục tiêu giành lại quyền kiểm soát ít nhất 1 trong 2 viện lập pháp. Đây là lần đầu tiên đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện trong 8 năm qua.

Kết quả bầu cử giữa kỳ năm 2018 cũng báo hiệu 2 năm cuối nhiệm kỳ đầy khó khăn đối với Tổng thống Donald Trump khi đảng Cộng hòa của ông không còn nắm toàn quyền kiểm soát Quốc hội. Với việc đảng Cộng hòa tiếp tục nắm đa số tại Thượng viện trong khi đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện, chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống Trump cơ bản sẽ không có thay đổi nhiều, tuy nhiên sẽ có những gián đoạn và điều chỉnh nhất định.

Việc thực hiện các chính sách cả đối nội và đối ngoại chắc chắn gặp nhiều khó khăn và thách thức hơn trước đây. Về đối nội, việc tìm kiếm giải pháp cho vấn đề người nhập cư, tìm kiếm thay thế chính sách y tế Obamacare, thúc đẩy chính sách y tế mới, kiểm soát súng đạn, phát triển kinh tế và nhiều vấn đề khác vốn đã bế tắc sẽ càng bế tắc hơn.

Chính sách đối ngoại, vốn do Thượng viện quyết định cơ bản sẽ không thay đổi nhiều, tuy nhiên, chính quyền Trump sẽ gặp khó khăn nhiều hơn khi thực hiện chiến lược nước Mỹ trên hết với các biện pháp trừng phạt và gây sức ép. Các nghị sĩ Dân chủ cũng có thể thách thức các chính sách ông Trump theo đuổi trong mối quan hệ với Triều Tiên, Nga hay Saudi Arabia hay buộc Tổng thống phải thu hẹp lại các tham vọng lập pháp, chẳng hạn như lời hứa xây tường biên giới với Mexico, thông qua gói cắt giảm thuế thứ hai hay việc thực hiện các chính sách cứng rắn về thương mại./.

Nguồn: Phạm Huân/VOV.VN

Các tin khác