Quốc tế

10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2017

14:34, 02/01/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Năm 2017 khép lại với những sự kiện quốc tế nổi bật, tác động đến nhiều mặt trong đời sống chính trị - xã hội của các quốc gia, khu vực, vùng lãnh thổ. Tuy vậy, quan hệ quốc tế vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp, đòi hỏi các quốc gia cần phải ngồi lại với nhau để chung tay giải quyết.

Tuần lễ Cấp cao APEC tại Việt Nam quy tụ hơn 2.000 đại biểu đại diện cho 21 nền kinh tế thành viên tham dự
Tuần lễ Cấp cao APEC tại Việt Nam quy tụ hơn 2.000 đại biểu đại diện cho 21 nền kinh tế thành viên tham dự

1. Mỹ - Trung với hàng loạt âm ỉ

Trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bên cạnh những thỏa thuận được ký kết và những cái bắt tay thân thiện là hàng loạt mâu thuẫn âm ỉ khó có thể đem đến những lựa chọn cho đôi bên cùng có lợi. Trong khi Trung Quốc muốn giữ Triều Tiên làm vùng đệm giữa lãnh thổ của mình thì Mỹ lại muốn Triều Tiên tiếp thu và đồng hóa với các giá trị dân chủ cũng như sự thịnh vượng của Hàn Quốc. Hiện, Trung Quốc vẫn đang bỏ ngoài tai mọi dị nghị từ trong và ngoài nước, đơn phương tuyên bố vô căn cứ cái gọi là chủ quyền và lịch sử trên Biển Đông đối với các nước trong khu vực. Trong khi đó, chính sách của Mỹ về Châu Á là vì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, tôn trọng tự do hàng hải…

2. TPP đổi thành CPTPP

Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, nhiều chuyên gia cho rằng, thỏa thuận thương mại tham vọng nhất thế giới đã chết. Tuy nhiên, TPP vẫn sống. Sự phản đối vào phút chót của Canada dù đảo lộn những dự định khép lại thỏa thuận này, tuy vậy các quốc gia còn lại vẫn hy vọng sẽ hoàn thành vào đầu năm tới. Sự tồn tại của TPP đã chứng minh rằng, không có việc Mỹ bỏ châu Á sẽ mở đường cho Trung Quốc. Ngược lại, với những nỗ lực của Nhật Bản và các quốc gia khác như Ôxtrâylia và Niu Dilân đã ủng hộ mạnh mẽ thỏa thuận này, TPP đến nay đã được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

3. Tuần lễ Cấp cao APEC 2017

Tuần lễ Cấp cao APEC, trong đó điểm nhấn là Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25, với chủ đề “Tạo môi trường mới, cùng vun đắp tương lai chung”, được tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 5 - 11/11/2017, quy tụ hơn 2.000 đại biểu đại diện cho 21 nền kinh tế thành viên tham dự, trong đó có nhiều nguyên thủ hàng đầu thế giới, như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Canada… Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

4. Căng thẳng tiếp tục gia tăng trên bán đảo Triều Tiên

Ngày 30/9 vừa qua, CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch (bom H) có thể gắn vào tên lửa đạn đạo liên lục địa. Đây là lần thử hạt nhân thứ 6 của Triều Tiên diễn ra trong năm nay. Những hành động trên của Triều Tiên đã liên tục vi phạm vào nghị quyết của HĐBA Liên Hợp quốc và vấp phải sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngày 11/9, 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết mới tăng cường các lệnh trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên, nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân thứ 6 của nước này.

Các vụ thử tên lửa càng làm nóng hơn tình hình trên bán đảo Triều Tiên
Các vụ thử tên lửa càng làm nóng hơn tình hình trên bán đảo Triều Tiên

5. Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2017

Trong 2 ngày 7 và 8/7/2017, Hội nghị thượng đỉnh G20 đã diễn ra ở Hamburg (Đức), với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”. Hội nghị đã hướng tới mục tiêu: Xây dựng nền kinh tế toàn cầu tự cường, bền vững và bao trùm; thúc đẩy các ưu tiên về sử dụng năng lượng hiệu quả, tái tạo và phi carbon hóa, chống nhờn kháng sinh trong tất cả các lĩnh vực; hỗ trợ châu Phi, vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới; việc làm và cạnh tranh trong thời đại kinh tế số. Tại Hội nghị, các vấn đề liên quan đến hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, khủng hoảng vùng Vịnh, vấn đề cuộc chiến ở Syria, chống khủng bố cũng được lãnh đạo các nước đưa ra thảo luận.

6. Đối thoại Sangri-la lần thứ 16

Đối thoại Sangri-la lần thứ 16 được diễn ra từ ngày 2 - 4/6/2017, thu hút hơn 500 đại biểu đến từ 40 quốc gia tham dự, trong đó có các bộ trưởng và quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Việt Nam… Sau 3 ngày nhóm họp, đối thoại đã Sangri - la 16 đã kết thúc với nhiều tuyên bố, cam kết mà bao trùm là cam kết việc duy trì hòa bình, an ninh của khu vực phải dựa trên việc tuân thủ các cam kết, luật lệ quốc tế. Điểm nổi bật của đối thoại lần này là các vấn đề được nêu lên không né tránh, không lẫn lộn giữa các yếu tố, trong đó thách thức an ninh được đề cập bao gồm Biển Đông, an ninh biển, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, chống khủng bố và an ninh mạng.

7. Nỗ lực "hạ nhiệt" điểm nóng Syria

Các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã ký bản ghi nhớ về thiết lập vùng an toàn ở Syria tại vòng đàm phán diễn ra ở thủ đô Astanna (Kazakhstan). Đây được coi là nỗ lực lớn nhất của các bên nhằm giảm tình trạng bạo lực kéo dài suốt 6 năm qua ở Syria. Bộ ngoại giao Syria nêu rõ: “Syria ủng hộ thiết lập vùng an toàn ở Syria do Nga đề xuất vì lo ngại cho tính mạng của người dân”. Bộ ngoại giao Syria cũng khẳng định cam kết thực hiện thỏa thuận chấm dứt thù địch đã ký ngày 30/12/2016, đồng thời nhấn mạnh quân đội Syria sẽ tiếp tục chiến đấu chống lại các nhóm khủng bố trên khắp đất nước.

8. Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30

Trong 3 ngày từ 27 - 29/4/2017, tại Manila (Philippin) đã diễn ra các hoạt động của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30. Tuy nhiên, điều đáng nói là Hội nghị này không đưa ra được tuyên bố chung ASEAN mà chỉ có Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị, được đưa ra bởi nước chủ nhà Philippin. Trong tuyên bố dài 25 trang này, các nước ASEAN đã không đề cập đến các hoạt động của Trung Quốc trong việc quân sự hóa đảo nhân tạo hay phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về vụ kiện Biển Đông của Philippin.

9. Liên minh châu Âu (EU) đối mặt với nhiều khó khăn

Sau 60 năm hình thành và phát triển, EU đang đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ, bắt nguồn từ các vấn đề xã hội, đe dọa kéo theo những hệ lụy ảnh hưởng trước hết tới nền an ninh cũng như các vấn đề kinh tế, chính trị. Đó là vấn đề khủng hoảng nhập cư, mâu thuẫn giữa các nước trong cùng khối (Đức - Pháp), hay như Bre-xit nước Anh rời khỏi EU… Tất cả đang chĩa mũi nhọn vào EU, nếu không kịp thời có chính sách đúng hướng, nguy cơ tan rã EU là thực tế.

10. Mỹ công nhận Jerusalem, Quốc tế lo ngại

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký bản tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Động thái này của Hoa Kỳ khiến các nước Ả rập và các nước Hồi giáo lo ngại có thể làm căng thẳng tình hình trong khu vực, phá vỡ các nỗ lực của Hoa Kỳ trước đó nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa thế giới Ả rập với Israel.

Đ. Thắng (tổng hợp)

Các tin khác