Quốc tế

10 sự kiện chính trị - an ninh quốc tế nổi bật nhất năm 2017

09:15, 01/01/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Thế giới năm 2017 chứng kiến nhiều sự kiện biến động và đầy kịch tính, từ việc Tổng thống Trump bắt đầu nhiệm kỳ với hàng loạt quyết định bất ngờ, đến sự sụp đổ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Trung Đông hay sự leo thang nhanh chóng của cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên và bùng phát trở lại căng thẳng Israel-Palestine. 

1. Liên Hợp Quốc bác bỏ quyết định của Mỹ về Jerusalem

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6-12 ra tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đánh dấu sự thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ ở khu vực nhạy cảm này trong suốt nhiều thập kỷ. Quyết định của Tổng thống Trump nhanh chóng khiến bầu không khí vốn không bình yên tại khu vực này biến thành bạo lực thực sự với hàng loạt cuộc xung đột giữa người Palestine và Israel, cùng với đó là các cuộc biểu tình khác tại những quốc gia Arab.

Ngoài ra, lần đầu tiên trong lịch sử, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) “chống” Mỹ trong cuộc bỏ phiếu kêu gọi Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel tại phiên họp bất thường ngày 21-12. Bất chấp lời cảnh báo cắt viện trợ được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra trước đó, 128 nước thành viên LHQ đã bỏ phiếu tán thành với nghị quyết, 9 nước bỏ phiếu chống, 35 phiếu trắng và 25 nước không bỏ phiếu.

Tuy vậy, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley vẫn khẳng định “Washington sẽ ghi nhớ ngày này” và rằng “Mỹ nhất định chuyển Đại sứ quán về Jerusalem”.

2. APEC 2017 và sự ra đời của CPTPP

Từ ngày 6 đến 11-11, 21 nhà lãnh đạo các nền kinh tế Diễn đàn kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đã tụ hội ở Đà Nẵng, dưới sự chủ trì của Việt Nam để bàn về cách ứng phó với các thách thức trong phát triển kinh tế ở khu vực.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các nhà lãnh đạo dự APEC 2017.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các nhà lãnh đạo dự APEC 2017.

Tại đây, các nhà lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng về tạo động lực mới cùng vun đắp tương lai chung, đồng thời thống nhất 5 nội dung quan trọng về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội; Phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; các chính sách và biện pháp chiến lược nhằm phát triển những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa theo hướng xanh, bền vững và sáng tạo; cam kết hoàn tất thực hiện các mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư; nhóm tầm nhìn APEC nhằm hỗ trợ quan chức xác định hướng đi và tương lai của diễn đàn sau năm 2020.

APEC Đà Nẵng 2017 còn là nơi đánh dấu sự tái sinh của hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau sự ra đi của Mỹ. Theo đó, TPP được đổi tên thành Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) với 11 thành viên, mang theo những nội dung cốt yếu nhất của TPP, nhưng được cải tiến để phù hợp hơn.

3. Triều Tiên thử tên lửa “mạnh nhất từ trước đến nay”

Năm 2017 chứng kiến sự phát triển vượt bậc về công nghệ tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên với ít nhất 15 vụ thử tên lửa và 1 vụ thử hạt nhân. Đặc biệt, sáng 29-11, Bình Nhưỡng tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15 được nước này khẳng định là loại tên lửa mạnh nhất và cũng được các chuyên gia đánh giá là đủ khả năng tấn công lục địa Mỹ.

Năm 2017 cũng là năm mà mối quan hệ Mỹ-Triều Tiên đạt ở mức thấp nhất trong lịch sử, với những cuộc khẩu chiến liên tiếp diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Lệnh trừng phạt mới nhất nhằm vào Triều Tiên do Mỹ soạn thảo được Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua đã trở thành lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất, giáng một đòn mạnh vào kinh tế Triều Tiên. Trung Quốc, quốc gia từng được coi là thân cận với Triều Tiên, cũng buộc phải áp dụng các lệnh trừng phạt này, bao gồm việc thắt chặt xuất nhập khẩu và năng lượng.

4. Chiến lược an ninh Trung Quốc – Mỹ

Thông điệp lớn nhất trong bài diễn văn khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là công khai tuyên bố quốc gia này sẽ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới vào giữa thế kỷ XXI, đưa Trung Quốc từ “náu mình chờ thời” sang kỷ nguyên mới “trỗi dậy mạnh mẽ” để hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa”.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley.

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 đã chính thức thông qua việc đưa “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” vào Điều lệ Đảng. Đây là bước tiến dài kể từ thời mà các lãnh đạo Trung Quốc còn gọi đất nước họ là nước nghèo và đóng vai trò khiêm tốn trên trường quốc tế.

Trong khi đó, chiến lược an ninh quốc gia (NSS) mới của Mỹ được Tổng thống Donald Trump công bố ngày 18-12 gồm 4 trụ cột chính, bao gồm: bảo vệ đất nước và người dân Mỹ; thúc đẩy phát triển thịnh vượng; thúc đẩy hòa bình thông qua sức mạnh và tăng cường ảnh hưởng của Mỹ, trong đó coi an ninh kinh tế là an ninh quốc gia và chú trọng đặc biệt vào quan hệ kinh tế giữa Mỹ với các nước khác.

Chưa hết, Chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đánh giá Nga và Trung Quốc là hai cường quốc đang tìm cách thay đổi nguyên trạng toàn cầu, thường xuyên gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ, “đang có ý đồ làm xói mòn an ninh và sự thịnh vượng của Mỹ”.

5. Ông Putin tái tranh cử Tổng thống Nga

Trong cuộc họp báo trực tuyến trước toàn thể người dân Nga hôm 14-12, đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức xác nhận thông tin rằng ông sẽ tái tranh cử với tư cách ứng viên độc lập. Các bản khảo sát mới được công bố cho thấy hơn 80% người dân Nga vẫn hết lòng tin tưởng chính sách điều hành đất nước của Putin, trong khi khoảng 75% người được hỏi khẳng định sẽ đi bỏ phiếu cho ông trong cuộc bầu cử vào năm sau.

Tổng thống Putin, năm nay 65 tuổi, trong suốt 17 năm nắm giữ những cương vị đứng đầu nước Nga (13 năm làm Tổng thống và 4 năm làm Thủ tướng), đã đem lại nhiều thay đổi quan trọng cho nước Nga. Ông Putin cũng được mệnh danh là một trong số ít những nhà lãnh đạo có khả năng xoay chuyển trật tự thế giới.

Binh lính Iraq ăn mừng sự kiện IS bị đánh bại. Ảnh: EPA
Binh lính Iraq ăn mừng sự kiện IS bị đánh bại. Ảnh: EPA

6. “Địa chấn” Catalonia đòi ly khai khỏi Tây Ban Nha

Dựa trên sự ủng hộ của hơn 90% cử tri, ngày 27-10, Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont chính thức tuyên bố đơn phương độc lập và tách khỏi Tây Ban Nha. Tuy nhiên, chính quyền Madrid đã bác tuyên bố nêu trên, phế truất Thủ hiến và giải tán nghị viện Catalonia.

Việc Catalonia tuyên bố ly khai đã khiến cộng đồng thế giới xôn xao lo ngại. Đây không chỉ đơn thuần là việc nội bộ của Tây Ban Nha, bởi nếu sự việc này thành công thì “cơn sốt” ly khai tại châu Âu và cả những khu vực khác sẽ ngày càng lan rộng.

7. IS tan rã ở Trung Đông

Sau hơn 3 năm giao tranh khốc liệt với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), trong những ngày đầu tháng 12, Syria và Iraq cùng đồng loạt tuyên bố đã quét sạch các phần tử khủng bố ra khỏi những sào huyệt quan trọng nhất của chúng trên lãnh thổ hai nước này, đánh dấu sự sụp đổ cơ bản của IS ở Trung Đông.

Tuy nhiên, các nhà quan sát vẫn lo ngại rằng, khi mất đi lãnh thổ trên thực địa, các tổ chức khủng bố có thể sẽ thiết lập một vương triều ảo trên mạng internet và kích hoạt những nhân tố nằm vùng trên khắp Trung Đông để tiếp tục gây bất ổn tình hình.

Yêu cầu đặt ra lúc này là nhanh chóng khởi động công tác tái thiết đất nước, giúp hàng triệu người dân bị ảnh hưởng bởi chiến tranh khôi phục cuộc sống, xoa dịu mâu thuẫn giữa các phe phái, qua đó cô lập những thành phần ủng hộ tư tưởng cực đoan mà IS gieo rắc suốt những năm qua.

8. Khủng bố len lỏi khắp địa cầu

Năm 2017, châu Âu đã chứng kiến hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu như nổ bom tại nhà thi đấu Manchester (Anh) trong buổi biểu diễn của nữ ca sỹ Mỹ Ariana Grande; vụ lao xe và đâm dao khủng bố tại London hay đâm xe vào phố đi bộ Las Ramblas (Tây Ban Nha) khiến hàng trăm người thương vong.

Những vụ tấn công khủng bố bất ngờ xảy đến tại Mỹ mà điển hình là vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ hôm 1-10 làm 59 người thiệt mạng và hơn 500 người khác bị thương. Có thể thấy rằng, loại bỏ IS ở Trung Đông không đồng nghĩa với việc loại bỏ được mối đe dọa mà chủ nghĩa khủng bố gây ra trên toàn thế giới.

9. Căng thẳng chính trị ở Trung Đông-châu Phi

Những mâu thuẫn cũ, cùng một loạt các cuộc khủng hoảng, xung đột mới trở thành gam màu chủ đạo trong bức tranh toàn cảnh Trung Đông-châu Phi trong năm qua.

Ngày 5-6, Saudi Arabia dẫn đầu một loạt các quốc gia Arab vùng Vịnh gồm Bahrain, Ai Cập và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, đồng thời cáo buộc Doha hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố và gây bất ổn ở Trung Đông. Suốt nhiều tháng qua, bất chấp nỗ lực của nhiều quốc gia, căng thẳng ngoại giao ở vùng Vịnh vẫn chưa được tháo gỡ.

Ở Zimbabwe, ngày 15-11, quân đội nước này bất ngờ điều nhiều xe bọc thép tới thủ đô Harare, chiếm đài truyền hình quốc gia và giam lỏng Tổng thống Mugabe cùng người vợ tại dinh thự của ông. Một tuần sau đó, dưới áp lực tuyệt đối từ quân đội, người dân và các đảng phái, ông Mugabe ngày 21-11 đã chấp nhận từ chức, chấm dứt 37 năm cầm quyền.

Tới ngày 24-11, Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa, người từng bị phế truất bởi ông Mugabe, đã tuyên thệ nhậm chức, trở thành tân Tổng thống của quốc gia nghèo khó bậc nhất thế giới.

Cùng lúc đó, các cuộc xung đột dai dẳng ở Yemen, Libya hay mâu thuẫn chính trị, ngoại giao giữa các nước Arab và Israel, căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ - Syria… cũng chưa thể tìm ra lối thoát khả dĩ nào.

10. Sức nóng của đồng tiền bitcoin

Với mức tăng trên 2.000%, từ mức dưới 1.000USD/ 1 bitcoin lên sát ngưỡng 20.000USD/ 1 bitcoin trong hơn 11 tháng đầu năm 2017, rồi lại lao dốc điên đảo về mốc hơn 11.000USD vào những ngày cuối năm, đồng tiền ảo Bitcoin đang trở thành món đầu tư đặc biệt và là từ khóa tìm kiếm nổi bật nhất trên Internet toàn cầu.

Mặc dù vậy, nhiều chính phủ, ngân hàng trung ương, cũng như các chuyên gia phân tích tài chính đã bày tỏ lo ngại rằng, do Bitcoin là một loại tiền mã hóa không cần thông qua bất kỳ cơ chế lưu trữ hay hệ thống quản lý trung tâm nào, nó có thể bị thao túng và gây ra thiệt hại khủng khiếp cho các nhà đầu tư.

Theo Báo CAND

Các tin khác