Triều Tiên đã nhận không ít chỉ trích thậm chí là bị cộng đồng quốc tế trừng phạt vì tham vọng hạt nhân của họ, nhưng Bình Nhưỡng vẫn nhận được lương thực, nhiên liệu và các hình thức viện trợ khác từ một số nước láng giềng và thậm chí là từ các đối thủ của họ trong nhiều thập kỷ. Làm thế nào một đất nước nhỏ bé, bị cô lập tiếp tục nhận được những gì họ muốn và cần?
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: KCNA/Reuters. |
Triều Tiên thường sử dụng chiến thuật gây sức ép, tạo lợi thế trên bàn đàm phán bằng chính chương trình hạt nhân của nước này. Bình Nhưỡng cũng có thể nhận được sự hỗ trợ của một số quốc gia sẵn lòng giúp đỡ những người thực sự cần trợ giúp mà không quan tâm đến những vấn đề chính trị. Một nguồn trợ giúp khác đến từ những người ở Hàn Quốc vốn có niềm tin rằng việc viện trợ cho Triều Tiên có thể giúp cải thiện quan hệ liên Triều.
Thực tế cho thấy, Triều Tiên đã có bước tăng trưởng kinh tế dần dần trong những năm gần đây và không còn kêu gọi viện trợ nhân đạo nước ngoài nhiều như những gì nước này từng làm trong quá khứ.
Đấu trí với Mỹ
Bất chấp các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiếp tục chỉ đạo các nhà khoa học nước này nghiên cứu chế tạo một quả tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Chỉ trong 1 tháng qua, Triều Tiên đã phóng thử nghiệm 2 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và một khi Bình Nhưỡng có thể hoàn thiện khả năng tấn công của loại vũ khí tối tân này, họ có thể có được sự nhượng bộ lớn hơn từ phía Washington.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên bắt đầu nổ ra hồi năm 1993, Bình Nhưỡng đã đồng ý với một số thỏa thuận giải trừ quân bị. Trong đó, một hiệp định đã được Mỹ và Triều Tiên ký kết hồi năm 1994 sau các cuộc đàm phán song phương ở Geneva, Thụy Sĩ.
Một số thỏa thuận khác trong khuôn khổ các cuộc đàm phán đa phương – nơi có sự góp mặt của các cường quốc khu vực và trên thế giới diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 2003 – 2008 cho đến nay vẫn chưa thu được kết quả.
Tên lửa Triều Tiên rời bệ phóng. Ảnh: Reuters/KCNA. |
Những thỏa thuận này hướng đến mục tiêu Triều Tiên ngừng các hoạt động phát triển chương trình vũ khí hạt nhân, vô hiệu hóa các yếu tố chính trong chương trình vũ khí của nước này để đổi lấy an ninh, nhiên liệu và các loại viện trợ khác. Mặc dù vậy, không có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên có ý định ngừng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân.
Washington cáo buộc Bình Nhưỡng đã không trung thực và tiếp tục theo đuổi tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân trong khi Triều Tiên đổ lỗi cho Mỹ và các nước khác đã không cung cấp viện trợ kịp thời.
Tận dụng chính sách Ánh Dương của Hàn Quốc
Bản thân Hàn Quốc – quốc gia vốn luôn bị Triều Tiên đe dọa tấn công cũng chính là một trong những nước thường xuyên gửi hàng viện trợ cho Bình Nhưỡng.
Trong giai đoạn Hàn Quốc thực thi chính sách Ánh Dương từ năm 1998 – 2008, giới chức Hàn Quốc mong muốn thực hiện một cuộc hòa giải lớn với Triều Tiên. Điều này cũng được hoan nghênh ở Bình Nhưỡng.
Giai đoạn này, Hàn Quốc đã chuyển cho Triều Tiên hàng trăm nghìn tấn gạo và phân bón mỗi năm, đồng thời tham gia vào các dự án hợp tác để cung cấp nguồn ngoại tệ hợp pháp cho Triều Tiên. Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, giá trị tiền mặt và hàng hóa mà Seoul cung cấp cho Bình Nhưỡng trong giai đoạn này lên đến 6,8 tỷ USD.
Chính sách mềm dẻo của Hàn Quốc trong quan hệ với Triều Tiên giai đoạn 1998 - 2008 đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận như: hai bên đã có các cuộc đàm phán tích cực trong các vấn đề kinh tế và chính trị, quan hệ hai miền trở nên gần gũi hơn; hai Tổng thống Hàn Quốc đã có chuyến công du tới Bình Nhưỡng, tiến hành các cuộc gặp liên Triều lịch sử; hai bên mở Khu công nghiệp chung Kaesong, đưa hợp tác hai miền đi vào thực chất.
Các chương trình hỗ trợ nhân đạo lớn của Hàn Quốc và những dự án hợp tác song phương với Triều Tiên bị đình chỉ sau khi Chính phủ bảo thủ lên nắm quyền vào năm 2008.
Người láng giềng Trung Quốc
Trung Quốc được xem là nhân tố “rất quan trọng” trong nỗ lực của Mỹ để loại bỏ tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Kim ngạch thương mại song phương với Trung Quốc chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch thương mại của Triều Tiên. Trung Quốc cung cấp khoảng 500.000 tấn dầu thô cho Triều Tiên mỗi năm, hầu hết trong số đó là miễn phí.
Trung Quốc và Nga là hai thị trường tiềm năng cho hàng chục nghìn lao động Triều Tiên. Đây cũng chính là một trong những nguồn thu ngoại tệ quan trọng khác của Bình Nhưỡng.
Giới phê bình cho rằng Trung Quốc chưa bao giờ thực hiện đầy đủ các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt với Triều Tiên vì những lý do khác nhau. Dù Trung Quốc thất vọng khi Triều Tiên không ít lần đẩy họ vào thế khó xử trước cộng đồng quốc tế nhưng Bắc Kinh vẫn nhìn thấy lợi ích quốc gia trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Bình Nhưỡng.
Nhận định về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên, một số chuyên gia cho rằng nếu Trung Quốc tạm thời đình chỉ việc chuyển dầu cho Triều Tiên, động thái này sẽ ngay lập tức gây ra “sự hỗn loạn” và buộc nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải thay đổi chính sách.
“Nếu Trung Quốc ngừng xuất khẩu các chuyến hàng nhiên liệu sang Triều Tiên chỉ trong vòng khoảng 2-3 tuần sau khi nước này lần đầu tiên phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hôm 4/7 thì Triều Tiên sẽ không làm điều đó lần thứ hai”, AP dẫn lời nhà phân tích Cheong Seong-Chang thuộc Viện Sejong của Hàn Quốc nhận định.
Kho vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên đang nuôi tham vọng phát triển rõ ràng sẽ là lợi thế không nhỏ của nước này trên bàn đàm phán.
Các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên dường như là điều không thể tránh khỏi sau các vụ thử ICBM liên tiếp của nước này thời gian qua. Tuy nhiên, theo giới phân tích, Triều Tiên chỉ cảm thấy áp lực thật sự nếu Trung Quốc “ra đòn”, cụ thể là ngừng các chuyến hàng chở dầu hoặc có những biện pháp cứng rắn tương tự.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể sẽ không đàm phán với Mỹ hay Hàn Quốc, ít nhất cho đến khi Bình Nhưỡng có trong tay một kho ICBM với đầy đủ khả năng cần thiết. Tháng trước, Triều Tiên đã bác bỏ đề xuất mới nhất của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in về việc tiếp tục đàm phán nhằm làm giảm căng thẳng và nối lại các cuộc đoàn tụ liên Triều.
“Triều Tiên biết rằng họ có thể nhận được nhiều hơn một khi họ có năng lực hạt nhân lớn hơn”, chuyên gia Shin Beomchul thuộc Học viện Ngoại giao Hàn Quốc tại Seoul nói với AP./.