Quốc tế
Cuộc đua sát nút giữa Donald Trump và Hillary Clinton
Trong những ngày này thế giới đang hướng sự quan tâm đến cuộc đua giành chiếc ghế trở thành chủ nhân của Nhà Trắng năm 2016 giữa hai ứng cử viên Donald Trump - một tỷ phú địa ốc New York chưa từng nắm giữ bất kỳ chức vụ gì trong chính quyền Mỹ và bà Hillary Clinton - người phụ nữ đầu tiên trở thành ứng cử viên tổng thống của một chính đảng lớn của Mỹ. Bất kể ai giành chiến thắng vào ngày 8/11 tới đều sẽ dẫn đến một số thay đổi không chỉ với nước Mỹ mà còn cả với quan hệ giữa Mỹ và các nước.
Bấm play để xem video. Mở loa để nghe thuyết minh.
Nguy hiểm, đáng sợ là những từ ngữ mà các chính trị gia, nhà ngoại giao và giới phân tích trên khắp thế giới dùng để mô tả chiến dịch tranh cử của ứng viên ứng viên Donald Trump. Tuy nhiên, ngay từ chặng đầu của mùa bầu cử, sau khi các bang hoàn thành bỏ phiếu sơ bộ, thì “kẻ ngoại đạo” Donald Trump đã làm thế giới phải kinh ngạc bởi kỳ tích đánh bại các đối thủ cùng đảng Cộng hòa.
Ông Ted Cruz, Thượng nghị sĩ bang Texas, Mỹ cho biết: "Cuộc đua của chúng ta đã chấm dứt quá sớm. Chúng ta đã thất bại tại Indiana. Chúng ta đã chiến đấu hết sức nhưng cử tri lại lựa chọn một con đường khác. Chính vì vậy, dù trái tim đang nặng trĩu, chúng ta vẫn phải rất lạc quan về tương lai lâu dài của nước Mỹ. Chúng ta quyết định dừng chiến dịch tranh cử của mình"
Ông James Thurber, Chuyên gia phân tích chiến dịch tranh cử cho biết: "Chúng ta từng có nhiều ứng cử viên là người ngoài cuộc như Barack Obama, hay Jimmy Carter, họ sử dụng cách tiếp cận là người ngoài cuộc để tạo nên sự thay đổi, tuy nhiên, Donald Trump độc nhất ở chỗ ông dường như không dùng những chiến thuật tranh cử tiêu chuẩn, ông ấy không thể bị kiểm soát".
Trong bối cảnh đó, kết quả thăm dò do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện vào cuối tháng 6 tại 10 nước châu Âu và bốn nước châu Á cho thấy, số đông người dân tin tưởng mạnh mẽ rằng ông Trump sẽ gây tổn hại cho mối quan hệ của Mỹ với thế giới nếu trở thành Tổng thống. Chỉ có ở Trung Quốc thì ông nhận được sự ủng hộ khá hơn, khi có 60% người được hỏi nhìn nhận ông Trump có năng lực lãnh đạo. Ngoài ra, các đảng phái có chủ trương phản đối người nhập cư và chống Liên minh châu Âu (Eurosceptic) cũng dành tỷ lệ ủng hộ đáng kể hơn cho ông Trump.
Trong khi đó, dựa trên thông tin và bình luận từ các chính trị gia trên thế giới, rõ ràng họ có xu hướng cởi mở hơn với bà Clinton. Với kinh nghiệm là Thượng nghị sĩ New York, Đệ nhất Phu nhân và Ngoại trưởng, nữ chính khách này nắm rõ cách thế giới này vận hành. Có lẽ quan trọng hơn cả, bà đã tường tận tình hình chính trị toàn cầu, những thuận lợi, những thách thức hiện tại đối với nước Mỹ qua người bạn là Tổng thống Obama. Các lãnh đạo thường xuyên làm việc với ông Obama sẽ có thể tin cậy được vào chính sách đối ngoại tương đồng của bà Clinton.
Giới chuyên gia đánh giá, cả 2 ứng cử viên đều có những lợi thế và điểm yếu riêng, và việc họ tận dụng những lợi thế, hóa giải những điểm yếu này như thế nào sẽ quyết định đến việc giành được lá phiếu của các cử tri.
Đại tá Lê Thế Mẫu - chuyên gia bình luận quốc tế cho biết: "Trước hết nói về bà Hillary Clinton, bà là một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm, đã từng là Ngoại trưởng Mỹ, xuất thân là một luật sư. Bà từng tham gia điều tra vụ Watergate đầu những năm 70 liên quan tới Tổng thống Richard Nixon. Cho nên bà là một người rất dạn dày về chính trị. Về điểm này nếu xét về góc độ một Tổng thống thì đây là một ưu điểm. Nhưng cái hạn chế của bà Clinton là có rất nhiều những khiếm khuyết, có nhiều điều không rõ ràng.
Ví dụ như như vấn đề hiện nay chưa được giải quyết, chưa được hóa giải, và dư luận Mỹ đang cần câu trả lời rõ ràng tức là bà đã sử dụng hàng nghìn bức thư điện tử công vụ vào mục đích cá nhân. Thứ hai là bà Clinton khiếm khuyết về sức khỏe.
Còn về ông Trump là một nhà kinh tế, tỉ phú, cho nên ông chỉ có quan điểm tư duy của kinh tế. Chứ còn về mặt kinh nghiệm lãnh đạo, kinh nghiệm chiến trường thì ông không có. Điều này đã thể hiện rất rõ trong cuộc tranh luận vừa rồi. Thế nhưng ông lại có tư duy khác. Theo tôi tư duy này phù hợp với thực tế hiện nay. Tức là ông cho rằng cần phải nhìn lại vị thế của nước Mỹ. Vị thế của nước Mỹ hiện nay không phải là một siêu cường duy nhất, không phải một quốc gia có thể lãnh đạo thế giới. Mà nước Mỹ muốn phát triển cần phải hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới, trước hết là với Nga."
Như vậy có thể thấy cả bà Clinton lẫn ông Trump cùng những hoạch định tương lai của họ như nhận định của phần lớn chuyên gia đều không hoàn hảo. Nhưng cho dù cử tri Mỹ quyết định lựa chọn ai, việc chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời tổng thống thứ 45 sẽ có những thay đổi, chuyển ngoặt hay có tính kế thừa vẫn phải đợi tới ngày 8/11 tới.
Theo ANTV