Quốc tế
Mỹ đang muốn cụ thể thông điệp phi hạt nhân hóa?
Với kế hoạch tới thăm Hiroshima, Tổng thống Mỹ Barack Obama trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm thành phố 70 năm về trước từng hứng chịu một quả bom nguyên tử do Mỹ ném xuống.
Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh nỗ lực quốc tế để giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân đang rơi vào bế tắc, cả chính phủ Mỹ và Nhật Bản hy vọng chuyến thăm của ông Obama sẽ là động lực thúc đẩy để đạt được mục tiêu một thế giới phi vũ khí hạt nhân.
Theo kế hoạch, Tổng thống Obama sẽ tới thành phố Hiroshima cùng Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe khi ông đến Nhật Bản vào ngày 27/5 sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7). Quyết định trên phần nào cho thấy cam kết của nhà lãnh đạo Mỹ trong việc tiếp tục thúc đẩy hòa bình và an ninh trong một thế giới không vũ khí hạt nhân.
Với chuyến thăm Công viên Hòa bình, gần nơi quả bom rơi xuống năm 1945, Tổng thống Obama có vẻ như đang mong muốn thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế vũ khí hạt nhân? Dù đưa ra tuyên bố ngầm rằng sẽ không có bất kỳ lời xin lỗi nào về những gì từng diễn ra trong quá khứ cũng như sẽ không nhắc lại quyết định sử dụng bom hạt nhân của Mỹ trong giai đoạn cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai, song Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Ben Rhodes tiết lộ trong một tuyên bố khác rằng Tổng thống Obama sẽ tập trung nói về những mất mát trong cuộc chiến và kêu gọi hướng tới một thế giới phi vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, nói rằng một lời xin lỗi là điều không cần phải trông đợi, hay cần thiết phải có. Tuy nhiên, phát biểu trước báo giới, ông Abe khẳng định: “Thủ tướng của quốc gia duy nhất phải hứng chịu các cuộc tấn công bằng bom nguyên tử và nhà lãnh đạo của quốc gia duy nhất trên thế giới đã sử dụng vũ khí nguyên tử trong cuộc chiến sẽ cùng nhau bày tỏ sự tôn trọng đối với các nạn nhân”. Đây sẽ là một cách tưởng nhớ các nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử và chia sẻ với những người sống sót hiện vẫn đang chịu nhiều đau đớn.
Mặc dù ký ức về vụ ném quả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima ngày 6/8/1945, khiến 140.000 người thiệt mạng và quả bom thứ hai được thả xuống Nagasaki 3 ngày sau đó, cướp đi sinh mạng của 70.000 người không dễ để người dân xứ sở “Mặt trời mọc” có thể quên, song có vẻ như người dân Nhật Bản đã sẵn sàng gác lại quá khứ cho thời khắc sắp tới.
Tổng thống Mỹ Obama (bên phải) sẽ có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản vào cuối tháng 5 này. |
Trong cuộc thăm dò dư luận mà hãng truyền hình NHK tiến hành, 70% số người được hỏi nói rằng họ muốn ông Obama đến thăm Nhật Bản, trong khi số người phản đối chỉ có 2%. Đặc biệt, những người sống sót sau thảm họa lại mong chờ chuyến thăm này từ lâu.
Cụ Sunao Tsuboi, 91 tuổi, một người sống sót sau vụ đánh bom và là người đứng đầu nhóm những người sống sót ở thảnh phố phía tây Nhật Bản này, nói: “Cuối cùng thì ngày này cũng đến. Chúng tôi không yêu cầu một lời xin lỗi. Tất cả những gì chúng tôi muốn là được nhìn thấy Tổng thống Obama đặt hoa tại công viên Hòa bình và cúi đầu mặc niệm. Đây sẽ là bước đầu tiên trong việc xóa sổ vũ khí hạt nhân”.
Thị trưởng thành phố Hiroshima Kazumi Matsui ca ngợi kế hoạch tới thăm thành phố này của ông Obama là một “quyết định táo bạo, đầy lương tâm và hoàn toàn hợp tình hợp lý”. Ông Matsui hy vọng Tổng thống Obama sẽ lắng nghe câu chuyện của những người sống sót sau thảm họa. Trong khi đó, Thị trưởng thành phố Nagasaki Tomihisa Taue cho biết Tổng thống Obama sẽ “phát đi một thông điệp mạnh mẽ hướng đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.
Giới phân tích cho rằng, việc các sử gia và người dân Mỹ tranh luận về quyết định thả bom của Tổng thống Harry Truman là “hoàn toàn hợp pháp”, tuy nhiên, đó không phải là những gì Tổng thống Obama sẽ làm khi ông đến thăm Hiroshima. Những gì Tổng thống Obama sẽ làm là nhấn mạnh sự thật quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản đã trở nên tốt hơn bất cứ ai có thể tưởng tượng ra sau năm 1945.
Mặc dù Chủ tịch Hiệp hội Kiểm soát vũ khí Daryl Kimball cho rằng, Tổng thống Obama nên “sử dụng cơ hội này để lên kế hoạch cho các hành động cụ thể mà Mỹ và các nước khác có thể và sẽ theo đuổi nhằm hướng đến một thế giới không có vũ khí hạt nhân”, song Giám đốc Tổ chức Hành động vì hòa bình Kevin Martin nhận định rằng, người ta sẽ cho ông Obama “là giả dối nếu như ông tiếp tục kêu gọi phi hạt nhân hóa thế giới trong khi chính quyền của ông lại tiếp tục kế hoạch chi 1.000 tỷ USD trong 30 năm để phát triển vũ khí hạt nhân”. Tháng 1/2015, Văn phòng Ngân sách thuộc Quốc hội Mỹ ước tính, chương trình vũ khí hạt nhân của chính quyền sẽ tiêu tốn khoảng 348 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Hiện các tổ chức ủng hộ phi hạt nhân hóa cho rằng, thông điệp “mạnh mẽ” của Tổng thống Obama đưa ra trong bài diễn văn tại Prague trong năm đầu tiên nhậm chức của mình, là chưa đủ, cho rằng ông Obama cần phải sử dụng năm cuối trong nhiệm kỳ để thực hiện các hành động cụ thể hơn.
Nguồn: Báo CAND