Quốc tế
Thổ Nhĩ Kỳ mạnh tay với báo chí đối lập?
Một bình luận viên của tờ Dutch Metro đã bị bắt giữ với cáo buộc nói xấu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Trong khi đó, tại thủ đô Washington D.C của Mỹ, người ta lại chứng kiến cận vệ của ông Erdogan đối đầu với các nhà báo cũng như những người biểu tình phản đối khi ông đến đọc diễn văn tại Viện Brookings Institution.
Dường như, Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn có một thái độ “mạnh mẽ” hơn với báo chí?
Theo tin từ Hãng AP, nhà báo Hà Lan bị bắt giữ nói trên là Ebru Umar, người chuyên viết chuyên mục bình luận trên tờ Dutch Metro. Nữ nhà báo này bị bắt sau khi vừa đăng tải một status trên mạng xã hội rằng cô thấy một đám đông cảnh sát ở dưới cửa nhà mình lúc 23h ngày 24-6. Sau đó, ban lãnh đạo tờ Dutch Metro cũng xác nhận thông tin rằng, Ebru Umar đã bị dẫn giải tới đồn cảnh sát ở Kusadasi.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố mạnh tay với báo chí. |
Lên tiếng về vụ bắt giữ này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hà Lan Herman van Gelderen khẳng định, họ đang tìm mọi cách liên lạc với các cơ quan chức năng của Thổ Nhĩ Kỳ để tìm hiểu về nguyên nhân vụ bắt giữ cũng như cách thức giải quyết.
Phía chính quyền Ankara sau đó đã trả lời rằng, Ebru Umar đã có bài viết xúc phạm đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ, quân đội và cả lực lượng cảnh sát nước này.
Theo luật của Thổ Nhĩ Kỳ, hình phạt mà nhà báo Ebru Umar phải hứng chịu có thể là từ 6 tháng đến 2 năm tù giam. Hãng tin dẫn một nguồn tin từ Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Ebru Umar là công dân Hà Lan nhưng gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Cha mẹ ruột của cô là người Thổ Nhĩ Kỳ và vẫn thường xuyên đi lại giữa hai nước. Trước khi bị bắt, Ebru Umar đã có một số bài viết chỉ trích việc Thổ Nhĩ Kỳ hạn chế tự do báo chí.
Hồi trung tuần tháng 4, Ebru Umar còn viết một bài bình luận sau đó photo lại thành một đơn thỉnh cầu gửi tới Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Hà Lan, kêu gọi người Thổ Nhĩ Kỳ ở Hà Lan đứng lên tố cáo việc chính quyền Ankara đã kết tội sai một số người với lý do không tôn trọng chính phủ.
Nữ nhà báo Ebru Umar mới bị Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ. |
Cũng theo thông tin mà Ebru Umar đăng tải trên bài viết thì từ năm 2014 khi ông Erdogan lên làm Tổng thống, Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện 2.000 vụ xét xử nhằm vào những cá nhân bị cáo buộc không tôn trọng chính phủ, Tổng thống. Chưa hết, trong bài viết của mình, Ebru Umar còn có vẻ như đã “quá đà” khi so sánh động thái này giống như chương trình diệt chủng người Do Thái của phát xít Đức ngày xưa.
Nhiều nhà phân tích nhận định, vụ bắt giữ nhà báo Ebru Umar diễn ra vào đúng thời điểm nhạy cảm nhất khi mà Thủ tướng Đức Angela Merkel và giới chức Liên minh châu Âu (EU) đang thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình hỗ trợ nhằm ngăn chặn dòng người di cư đổ vào châu Âu qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp. Vì thế, trước đó, dù đã không dưới một lần chỉ trích Ankara không tôn trọng tự do báo giới, song lần này, EU chưa dám có một ý kiến gì xung quanh vấn đề này. Thậm chí, hồi đầu tháng, Đức buộc phải truy tố vụ một diễn viên hài người nước này đọc thơ châm biếm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trên đài truyền hình…
Rõ ràng, chiến dịch “truy quét báo chí nói xấu chính phủ” của Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng được mở rộng. Mới đây, với lý do an ninh, nước này cũng đã tịch thu giấy tờ của một nhà báo cấp cao thuộc hãng tin nhà nước Nga Sputnik tên là Tural Kerimov. Vụ việc xảy ra chỉ một ngày sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chặn truy cập vào trang web Sputnik ở nước này vì Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra ý kiến chỉ trích lãnh đạo của Ankara. Giới chức tại sân bay Istanbul thì từ chối nhập cảnh một phóng viên truyền hình Đức định phỏng vấn những người tị nạn tại biên giới Thổ Nhĩ Ky â- Syria…
Hôm 22-4, 4 học giả và 2 nhà báo cũng đã bị truy tố trong những vụ án riêng rẽ có liên quan tới việc hạn chế tự do ngôn luận. Các học giả phải đối mặt với những cáo trạng liên quan tới tội “tuyên truyền khủng bố” sau khi họ ký một tuyên bố, lên án hành động của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chống lại phe nổi dậy người Kurd. Còn hai nhà báo Can Dundar, chủ biên của tờ báo đối lập Cumhuriyet, và trưởng phòng tin của ông ở Ankara, là Erdem Gul thì phải ra tòa lần thứ ba, bị xét xử về tội làm gián điệp và nhiều khả năng sẽ bị tuyên án tù chung thân. Lỗi của họ là đã đăng tải câu chuyện cáo buộc Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ vận chuyển lậu vũ khí sang Syria.
Một tờ báo đối lập khác của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang phải chịu chung số phận bị bố ráp và đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước, đó là tờ Zaman. Tờ báo này bị cáo buộc liên hệ chặt chẽ với phong trào Hizmet của giáo sĩ Hồi giáo có nhiều ảnh hưởng, Fethullah Gulen trong khi Ankara tin rằng, Hizmet là nhóm “khủng bố” đặt mục tiêu lật đổ chính quyền Tổng thống Erdogan.
Một thống kê được đăng tải trên Hãng BBC cho hay, Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ 149/180 quốc gia trong bảng xếp hạng Tự do báo chí thế giới 2015 của tổ chức Phóng viên không biên giới. Hiện có hơn 30 nhà báo đang bị giam giữ ở nước này trong đó phần đông là người Kurd.
Nguồn: Báo CAND