Nga đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ ngừng ngay những “hành động khiêu khích” trong khi Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định tàu cá của mình không làm gì tàu chiến của Nga.
Theo Reuters, những lời lẽ cứng rắn mà hai bên dành cho nhau diễn ra sau khi chiếc tàu cá Koroglu Balikcilik của Thổ Nhĩ Kỳ bị Nga cáo buộc là cố ý lao vào tàu hộ vệ tên lửa Smetlivy của Nga ngày 13/12 khiến chiếc tàu này buộc phải sử dụng súng máy hạng nhẹ để bắn cảnh báo.
Tàu hộ vệ tên lửa Smetlivy của Nga. Ảnh Wikipedia |
“Thổ Nhĩ Kỳ hành động quá bất cẩn”
Bộ Quốc phòng Nga ngày 13/12 cho biết, sau khi sự việc này diễn ra, Nga đã triệu tập tùy viên quân sự Thổ Nhĩ Kỳ để yêu cầu giải thích rõ về hành động của phía Thổ Nhĩ Kỳ.
“Tùy viên quân sự này đã được Nga cảnh báo rõ ràng về những hậu quả tiềm tàng từ hành động cực kỳ bất cẩn của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào quân đội Nga đang chiến đấu chống khủng bố ở Syria. Cụ thể, những quan ngại của chúng tôi về hành động khiêu khích của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào tàu khu trục Smetlivy đã được Thứ trưởng Anatoly Antonov truyền đạt rõ ràng tới Phó Đô đốc Ahmet Gunes của phía Thổ Nhĩ Kỳ”, Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.
Trước đó, ngày 13/12, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc tàu cá Thổ Nhĩ Kỳ đã không hồi đáp cảnh báo từ tàu hộ vệ tên lửa Smetlivy và chỉ chịu đổi hướng để tránh đâm vào tàu của Nga sau khi bị tàu của Nga bắn cảnh báo khi chỉ còn cách chiếc tàu này khoảng 500m.
“Chỉ có may mắn mới khiến một thảm kịch không xảy ra”, Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh.
Thổ Nhĩ Kỳ âm mưu chặn đứng đường vào Syria của Hải quân Nga?
Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu chính trị Nikolai Dimlevich nhận định, hành động của Ankara là sự khiêu khích có chủ ý: “Tôi sợ rằng, những hành động khiêu khích như thế này sẽ liên tục tái diễn và đẩy tình hình căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đến mức không thể chấp nhận được và buộc Nga phải có hành động cứng rắn".
"Khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lên tiếng cáo buộc sự hiện diện của Hải quân Nga ở Địa Trung Hải có thể đe dọa tới tình hình trong khu vực và tìm cách “đóng cửa” các eo biển mà tàu chiến của Nga buộc phải đi qua hòng ngăn chặn việc Nga chuyển vũ khí đến Syria", ông Nikolai Dimlevich nói.
Ông Dimlevich nhấn mạnh, điều này hoàn toàn có khả năng xảy ra đặc biệt là sau việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cường kích Su-24 của Nga đang không kích IS ở biên giới Syria- Thổ Nhĩ Kỳ cũng như việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân sang miền Bắc Iraq.
Vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi cường kích Su-24 của Nga được cho là do Mỹ hoặc NATO "đạo diễn". Trên ảnh là một chiếc Su-24 của Nga. Ảnh Sputnik News |
“Tôi nghĩ rằng, những việc như vậy đều “có bàn tay đạo diễn” của Washington hoặc NATO”, ông Dimlevich nói và nhấn mạnh, thủy thủ trên chiếc tàu chiến của Nga đã hành động theo đúng luật pháp quốc tế.
“Tàu chiến của Nga đang hoạt động ở vùng biển quốc tế và không hề có ý định tiến vào lãnh hải của Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Dimlevich khẳng định.
Cùng chung quan điểm này, Giáo sư Srdja Trifkovich, phụ trách biên tập mảng đối ngoại Tạp chí Chronicles Magazine nhận định, hành động khiêu khích tàu chiến Nga của Thổ Nhĩ Kỳ là “khúc dạo đầu để Thổ Nhĩ Kỳ nêu vấn đề đàm phán lại Công ước Montreux [liên quan đến việc tàu nước ngoài đi qua eo biển Bosporus và Dardanelles] của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga .
GS. Trifkovich giải thích, Công ước Montreux (ký năm 1936) sẽ được xem xét lại 20 năm/lần và vào năm 2016, Công ước này sẽ được ký lại.
“Rõ ràng, đây là lúc thuận tiện nhất để Thổ Nhĩ Kỳ làm leo thang căng thẳng thông qua một vài vụ việc để rồi đổ lỗi cho phía Nga và tuyên bố áp đặt việc cấm tàu chiến của Nga đi qua 2 eo biển nói trên”, GS. Trifkovich nói.
Việc chặn đứng tàu Nga đi qua 2 eo biển này sẽ khiến Nga cực kỳ khó khăn trong việc điều động Hải quân tham gia hỗ trợ Không quân Nga đang tiến hành không kích IS ở Syria bởi con đường ngắn nhất để tàu chiến của Nga đến được Syria là đi qua 2 eo biển đó.
“Sự kiên nhẫn của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga là có giới hạn”
Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, người đang có mặt tại Rome để trao đổi về tình hình Libya cho biết, Ankara sẽ điều tra vụ việc này và sẽ có thông báo chính thức ngay khi có thêm thông tin.
Ông Cavusoglu khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ muốn giải quyết những khúc mắc với Nga thông qua đối thoại.
Mặc dù vậy, theo ông Cavusoglu: “Tàu của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là một chiếc tàu cá. Tôi có cảm giác rằng, Hải quân Nga đã làm quá trong vụ này. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng cần phải thiết lập lại mối quan hệ song phương dựa trên sự tin cậy lẫn nhau như trước đây nhưng sự kiên nhẫn của chúng tôi là có giới hạn”.
Hành động đưa xe tăng và binh sĩ sang Iraq của Thổ Nhĩ Kỳ được cho là nhằm đẩy căng thẳng Nga- Thổ Nhĩ Kỳ đến mức không thể chấp nhận được để Thổ Nhĩ Kỳ nhân đó tìm cách chặn đường tàu Hải quân Nga đi qua eo biển nước này đến Syria. Ảnh AP |
Ông Cavusoglu cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên “Nga tự khiến mình trở lên lố bịch” và bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga là để bảo vệ nguồn cung dầu mỏ lậu từ IS sang Thổ Nhĩ Kỳ.
“Sẽ chẳng ai tin được điều này”, ông Cavusoglu khẳng định.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ trích việc Nga tiến hành không kích ở Syria và cho rằng, Nga đang hậu thuẫn chế độ của Tổng thống Syria Bashar al- Assad chứ không phải chống IS.
“Thật không may, Nga không có mặt ở Syria để chống khủng bố”, ông Cavusoglu cáo buộc, chỉ có 8% các cuộc không kích của Nga là nhằm vào IS, số còn lại là vào các lực lượng chống lại ông Assad.
Ông Cavusoglu cũng khẳng định, chỉ không kích không là chưa đủ để tiêu diệt IS mà còn cần có sự tham chiến của bộ binh.