Bài toán người tị nạn và nhập cư hiện nay được ví như phép thử đối với châu Âu về sự đoàn kết của thể chế này trước vấn đề hệ trọng sau Thế chiến II.
Thủ tướng Anh David Cameron hôm qua (7/9) đã tuyên bố, nước này sẽ chấp nhận đến 20.000 người tị nạn từ Syria từ nay đến năm 2020. Những người tị nạn đến Anh sẽ được cấp thị thực bảo vệ nhân đạo thời hạn 5 năm với đầy đủ quyền được làm việc và nhận trợ cấp xã hội. Những người này có thể nộp đơn xinh định cư ở Anh sau 5 năm.
Thủ tướng Cameron khẳng định, Anh sẽ cùng với các nước châu Âu khác đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay: “Chúng tôi đã cung cấp nơi ở cho hơn 5 nghìn người Syria nhưng vì quy mô của cuộc khủng hoảng này mà chúng ta phải làm nhiều hơn nữa. Nhưng vì Anh không tham gia hiệp ước Schengen nên chúng tôi có quyền quyết định cách tiếp cận riêng trong vấn đề này.”
Cảnh sát Đức đang nhìn dòng người tị nạn ở nhà ga Munich hôm 7/9. (ảnh: Reuters) |
Chính phủ Anh đang chịu áp lực của công luận trong nước về việc phải hành động nhiều hơn nữa khi so sánh với việc Đức có thể tiếp nhận đến 800.000 người tị nạn trong năm nay. Mặc dù vậy, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hôm qua (7/9) vẫn cho rằng, chính phủ nước này đáng lẽ có thể làm nhiều hơn nữa để đối phó với cuộc khủng hoảng người nhập cư hiện nay.
Phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp châu Phi (African Business Forum) ở Berlin, Đức hôm qua, Ngoại trưởng Steinmeier cho rằng: “Một trong những vấn đề ở đây là chúng ta đã lời đi thực trạng này quá lâu. Chúng ta đã nghe theo quan điểm rằng đây không phải là một xã hội nhập cư bất chấp thực tế rằng cứ 5 người Đức thì có một người không mang gốc gác ở đây. Sự chối bỏ đó dẫn tới việc chúng ta không muốn tranh luận về luật nhập cư mới. Và tôi nghĩ đó là một sai lầm mà chúng ta phải sửa chữa trong trung hạn.”
Liên minh châu Âu vừa đưa ra một gói hạn ngạch mới, theo đó 160.000 người xin tị nạn đang ở Italy, Hy Lạp và Hungari sẽ được phân bổ cho các nước thành viên dựa trên tương quan với dân số của nước sở tại, tỷ lệ thất nghiệp, tình hình kinh tế, cơ sở hạ tầng xã hội …
Tuy nhiên, Liên minh châu Âu khó có thể thuyết phục được sự cứng rắn của một số nước thành viên nhỏ hơn và có nền tảng kinh tế cũng như xã hội yếu hơn. Phát biểu sau cuộc gặp người đồng cấp Áo hôm qua (7/9), Thủ tướng Slovakia và Séc cho biết, họ sẽ không chấp thuận hệ thống hạn ngạch người tị nạn mà Liên minh châu Âu đề xuất.
Trước đó, 2 nước này đã tuyên bố có thể tiếp nhận hơn 1.500 người tị nạn và ưu tiên những người theo đạo Cơ Đốc nhưng con số mà Liên minh châu Âu đưa ra cao hơn rất nhiều, cụ thể là hơn 4.300 người đến CH Séc và gần 2.300 người đến Slovakia.
Hai nhà lãnh đạo Slovakia và Séc cho rằng, bất cứ sự giúp đỡ nào dành cho người tị nạn cần phải dựa trên cơ sở tự nguyện. Trong khi đó, Thủ tướng Áo Werner Faymann cho rằng, hệ thống hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn cần phải có một công thức để sàng lọc những người thực sự khốn khó thay vì tiếp nhận những người di cư vì lý do kinh tế đơn thuần.
“Tôi tin chắc chắn rằng chỉ có thể bảo vệ biên giới khi chúng ta biết phải làm gì với những người tị nạn vì chiến tranh. Có sự khác biệt giữa tị nạn kinh tế và tị nạn chiến tranh. Những người trốn chạy chiến tranh có quyền xin tị nạn và cần được bảo vệ. Họ có cơ hội của họ và chúng ta không thể đóng cánh cửa với họ”, ông Faymann nói.
Cuộc khủng hoảng người tị nạn và nhập cư hiện nay đang đe dọa những giá trị mà châu Âu xậy dựng sau chiến tranh thế giới thứ hai. Là một châu lục tích lũy sự thịnh vượng từ gần 500 năm thống trị và thuộc địa nhiều vùng đất giàu tài nguyên trên thế giới nhưng khi đứng trước những hình hảnh về nghèo đói và chiến tranh ở các nước thế giới thứ ba, người dân châu Âu lâu nay mới chỉ dừng lại ở việc đóng góp tài chính để viện trợ nhân đạo.
Nhưng khi làn sóng người nhập cư đổ bộ vào châu lục già, mỗi người dân và chính phủ các nước sẽ phải chia sẻ nhiều hơn thế, không chỉ sự thịnh vượng mà còn là không gian sống của chính họ và đối mặt với sự thay đổi xã hội có thể sẽ rất sâu sắc với lượng người nhập cư lớn đến thế.