Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), hiệp ước lớn cuối cùng nhằm cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga, sẽ hết hạn vào đầu năm 2021. Vì vậy, năm 2020 sẽ là năm đóng vai trò quan trọng đối với các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí giữa Washington và Moscow.
Sau sự sụp đổ của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp ước này, New START là hiệp ước kiểm soát vũ khí duy nhất còn lại giữa Washington và Moscow. Nếu New START bị “khai tử”, đây sẽ là lần đầu tiên trong 50 năm qua không có một hiệp ước nào giới hạn vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga.
Điều này đồng nghĩa với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cần phải nghiêm túc trong việc can dự vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí với Nga trong năm 2020. Tổng thống Nga Vladimir Putin từng khẳng định sẵn sàng tham gia New START không kèm theo điều kiện: “Nga đã đưa ra đề xuất. Phía Nga tuyên bố sẵn sàng gia hạn Hiệp ước New START. Tuy nhiên Nga chưa nhận được bất cứ câu trả lời đối với đề xuất của mình”.
Người đứng đầu Điện Kremlin đồng thời nhấn mạnh: “Nếu không có New START, sẽ không còn bất cứ thỏa thuận chính nào trên thế giới này để kiềm chế chạy đua vũ trang”.
Về phía Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bất ngờ tuyên bố sẵn sàng đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Nga. Trong tuyên bố ngày 6/2, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ đối đầu với người Nga nơi chúng tôi cần, nhưng đồng thời tôi nghĩ chúng tôi sẽ đàm phán, chúng tôi sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán sớm về kiểm soát vũ khí, về vấn đề hạt nhân, mà bạn biết, quan trọng đối với sự an toàn của thế giới, không chỉ Mỹ và Nga”.
Một vụ phóng thử tên lửa Bulava của Nga trên biển Bạch Hải hồi tháng 5/2018. |
Trong khi đó, cựu Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Burt, người với tư cách là nhà đàm phán chính của Mỹ đã thành công ký kết với Liên Xô Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân, nói rằng cái giá của việc không gia hạn New START sẽ là một “bước lùi” rất lớn.
Ông nói: “Mỹ và Nga sở hữu hơn 90% kho vũ khí hạt nhân của thế giới, nếu New START không được gia hạn, chúng ta sẽ sống trong một cuộc cạnh tranh hạt nhân Mỹ-Nga mà không có sự minh bạch và không dự đoán được. Thế giới sẽ không còn sự bảo vệ nào trước một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, và chúng ta sẽ trở về những năm 1960”.
Tổng thống Donald Trump cũng từng nói rằng, ông muốn một thỏa thuận ở cấp độ rộng lớn hơn vốn cũng bao gồm Trung Quốc, đem lại một chiến thắng lớn hơn cho hiệp ước này chứ không chỉ dừng lại ở việc gia hạn nó. Tuy nhiên, Trung Quốc liên tiếp bác bỏ ý tưởng tham gia đàm phán về New START.
Một số chuyên gia quân sự của Mỹ cũng cho rằng, ngoại giao hạt nhân cần có thời gian, sự chậm trễ trong việc mở các cuộc đàm phán quan trọng đã làm dấy lên mối lo ngại về mối quan tâm của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc duy trì hiệp ước hoặc rộng hơn là tuân thủ các giới hạn của các hiệp ước kiểm soát vũ khí.
Nhấn mạnh mối quan ngại của Quốc hội Mỹ về tương lai của New START, gần đây đã có một số động thái về vấn đề này. Đơn cử như Đạo luật Cấp thẩm quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA) cho năm tài khóa 2020, được Tổng thống Donald Trump ký thành luật hồi tháng 12/2019, quy định chính quyền phải thông báo trước cho Quốc hội trong vòng 120 ngày nếu Mỹ có kế hoạch rút khỏi New START.
Trong một bức thư hôm 16/12, các Thượng nghị sỹ Bob Menendez, Todd Young và Chris Van Hollen đã yêu cầu quyền Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Joseph Maguire đánh giá việc Nga và Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào khi New START hết hạn.
Hai nghị sĩ Todd và Chris Van Hollen cũng đưa ra một dự luật, trong đó kêu gọi gia hạn New START và yêu cầu ông Joseph Maguire phải báo cáo những hệ quả của việc cho phép hiệp ước hết hạn mà không có thỏa thuận gia hạn nào.
Nghị sỹ Todd Young nhận định ông coi năm 2020 là năm “sống còn” đối với New START, đồng thời cho rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump cần nhanh chóng quyết định về vấn đề này. Theo ông, nếu Mỹ có cơ chế xác minh và thực thi mạnh mẽ liên quan Nga, thông tin tình báo thu thập được từ Nga sẽ giúp ích cho những nỗ lực của Washington trong việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình.
Trong khi đó, ông Rusten, một cựu quan chức kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí, từng phục vụ tại Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao, là một trong số các chuyên gia kiểm soát vũ khí cho biết vì Mỹ cũng đang nỗ lực hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, nên cách tiếp cận tốt nhất là gia hạn New START ngay bây giờ và cùng công bố các nguyên tắc chung Nga-Mỹ để định hướng đàm phán về một thỏa thuận trong tương lai, xây dựng trên nền tảng của New START tiếp tục giảm và giải quyết các loại vũ khí hạt nhân bổ sung khác.
Về phần mình, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về An ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt Christopher Ford tuyên bố, Washington đang tìm kiếm khả năng gia hạn Hiệp ước, song vẫn chưa có quyết định nào liên quan tới vấn đề này được đưa ra.
Nếu Mỹ cho phép gia hạn hiệp ước này thêm 5 năm thì điều này sẽ khiến Washington mất thêm thời gian theo cách được báo trước nhằm hiện đại hóa kho vũ khí vào thời điểm mà Nga đang công khai tiến hành hiện đại hóa vũ khí hạt nhân.
Trong khi đó, một số nghị sỹ khác tại Quốc hội Mỹ lại tỏ ra hoài nghi về việc Nga có thể đáng tin cậy để tiếp tục tuân thủ New START sau khi Moscow (bị Mỹ cáo buộc) vi phạm INF. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Jim Risch bác bỏ ý nghĩ cho rằng năm 2020 sẽ có ý nghĩa quan trọng trong quá trình can dự các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí với Nga.
Ông cho rằng, đây là công việc của cả một quá trình. Mọi thứ sẽ cần phải trở nên tốt đẹp hơn trước khi chúng ta khởi động bất kỳ động thái nào, chẳng hạn như việc cả hai bên tuân thủ hiệp ước.
Tương tự, Thượng nghị sỹ Deb Fischer, Chủ tịch một tiểu ban thuộc Ủy ban Quân lực Thượng viện giám sát vấn đề vũ khí hạt nhân của Mỹ, cho rằng “vẫn còn quá sớm” để nói rằng 2020 sẽ là năm quan trọng đối với New START. Bà nói: “Chúng ta sẽ phải nghe nghóng tình hình”, đồng thời cho rằng Nga cần là một bên tích cực trong các hiệp ước loại này.
.