Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trong những tháng vừa qua đã có tác động không nhỏ tới thị trường lao động khu vực châu Á - Thái Bình Dương do phải thay đổi về sản xuất, các nguồn lực được phân bổ lại giữa các lĩnh vực và các quốc gia tại khu vực.
Báo cáo mới đây về tình hình thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2018 của Ủy ban Kinh tế và xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương của LHQ (UNESCAP) nêu rõ rằng: Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang và niềm tin của người tiêu dùng giảm sút có thể khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của toàn cầu giảm tới 400 tỷ USD và GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm tới 117 tỷ USD.
UNESCAP cũng lưu ý rằng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã có tác động lớn, dẫn đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng hiện nay và khiến giới đầu tư lo lắng.
Trong khi đó, tăng trưởng thương mại của khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng đã chậm lại sau nửa đầu năm 2018 và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực này dự báo tiếp tục xu hướng giảm trong năm tới sau khi đã giảm 4% trong năm nay.
Đặc biệt, những thay đổi về sản xuất, các nguồn lực được phân bổ lại giữa các lĩnh vực và các quốc gia tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương do căng thẳng thương mại sẽ khiến cho hàng chục triệu người bị mất việc làm và buộc họ phải tìm kiếm công việc mới.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, việc thực hiện các thỏa thuận thương mại lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc có thể bù đắp phần lớn thiệt hại kinh tế do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung gây ra.
Vì khi các bên liên quan của RCEP thực hiện các thỏa thuận sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu ở khu vực này, tăng trưởng từ mức 1,3-2,9% và tạo thêm từ 3,5-12,5 triệu việc làm.
Trong một diễn biến liên quan, trả lời phỏng vấn kênh CNBC ngày 12/12, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho hay, Trung Quốc đã có các động thái đầu tiên thực hiện "thỏa thuận đình chiến thương mại" với Mỹ sau khi giảm thuế nhập khẩu đối với ô tô và nối lại nhập khẩu sản phẩm đậu nành của nền kinh tế số một thế giới này.
Ông Wilbur Ross đồng thời nhấn mạnh quyết định của phía Trung Quốc sẽ khẳng định tính xác thực của những thông tin mà Tổng thống Donald Trump công bố sau cuộc đối thoại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) mới đây tại Argentina.
Một động thái khác đáng chú ý như tờ Wall Street Journal cùng ngày đưa tin là giới chức Trung Quốc còn nhất trí thay thế chính sách công nghiệp toàn diện mang tên "Made in China 2025", vốn vấp phải sự chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump và thay vào đó bằng một kế hoạch mới, tạo điều kiện hơn cho các công ty nước ngoài tiếp cận thị trường Trung Quốc.
.