Tin tức sự kiện

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn: Việc đặc xá diễn ra minh bạch, không hề khép kín

09:42, 09/08/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Giải trình tại Phiên họp thứ 26 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về Luật Đặc xá (sửa đổi) sáng nay, 8-8, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, việc thực hiện đặc xá lâu nay đang diễn ra theo chiều hướng rất minh bạch, không hề nội bộ, khép kín chỉ trong ngành Công an.

Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp
Chủ tịch nước quy định thời điểm đặc xá
 
Trước đó, báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga cho biết, về thời điểm đặc xá (Điều 5 dự thảo Luật) có nhiều ý kiến nhất trí quy định 3 thời điểm đặc xá như dự thảo Luật.
 
Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về thời gian, tần suất thực hiện đặc xá (3 năm hoặc 5 năm/đợt); đề nghị quy định cụ thể thời điểm đặc xá là ngày Quốc khánh 2/9 hoặc ngày Tết Nguyên Đán hoặc ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4.
 
UBTP nhận thấy, dự thảo Luật của Chính phủ trình đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, quy định 3 thời điểm đặc xá gồm: Nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Thực tiễn thi hành Luật Đặc xá cho thấy Chủ tịch nước đã quyết định đặc xá ở cả 3 thời điểm nêu trên và không phát sinh vướng mắc về thời điểm đặc xá.
 
Cụ thể, Chủ tịch nước đã 7 lần ban hành Quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước (trong đó, 1 lần nhân dịp tết Nguyên đán Kỷ Sửu và 79 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 6 lần nhân dịp Quốc khánh 2/9) và đã đặc xá trong trường hợp đặc biệt đối với 14 người bị kết án.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại phiên họp
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại phiên họp
Tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, UBTP đề nghị cho giữ 3 thời điểm đặc xá như dự thảo Luật của Chính phủ trình; không quy định thời điểm, tần suất cụ thể đặc xá mà giao cho Chủ tịch nước căn cứ các quy định của Luật và tình hình của đất nước ở từng thời kỳ để quyết định thời điểm đặc xá phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.
 
Thảo luận tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng băn khoăn đến Điều 22 dự thảo Luật, người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt: “Trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của Nhà nước, Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được hưởng án treo, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người đang được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người đang chấp hành án phạt tù chung thân mà không phụ thuộc vào các điều kiện quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Luật này”.
 
“Có trường hợp mở ra cho đối tượng bị kết án treo, người đã được tha thù có điều kiện trước thời hạn (bản chất chính là khoan hồng). Giờ cho đặc xá thì có chồng chéo về chính sách hay không?” – Thứ trưởng Bộ Tư pháp nêu ý kiến.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
Trả lời vấn đề này, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cho biết, đặc xá trong trường hợp đặc biệt là rất đặc biệt, trước đây chỉ có 14 trường hợp đáp ứng yêu cầu chính trị, đối nội, đối ngoại và được hưởng ân huệ này từ Chủ tịch nước. Do tính chất “đặc biệt” nên việc mở rộng với đối tượng không ảnh hưởng gì đến chính sách khoan hồng và vẫn đảm bảo được yêu cầu đặt ra.
 
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an giải thích thêm, trong trường hợp đặc biệt có thể đặc xá hai đối tượng này vì án treo là đối với những đối tượng phạm ít nghiêm trọng, đang thi hành án tại cộng đồng, gia đình. Còn đối tượng được tha tù trước thời hạn rồi vẫn được xem xét đặc xá thì bản chất là thay đổi phương thức quản lý, tiếp tục thi hành tại tại gia đình, tại cộng đồng.
 
“Như vậy, quan điểm của ban soạn thảo là trong trường hợp đặc biệt, thời gian thi hành án còn lại đủ điều kiện đặc xá thì vẫn đặc xá được” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn khẳng định.
 
Viện Kiểm sát là thành viên hội đồng chặt chẽ trong các lần đặc xá
 
Trong khi đó, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải lo ngại tính minh bạch, công khai, công bằng trong việc lựa chọn, xét duyệt đối tượng được đặc xá.
 
“Quá trình bình bầu, lựa chọn đối tượng và quy trình tương đối khép kín trong nội bộ ngành Công an nên có dư luận còn băn khoăn. Hiện nay quá trình thanh, kiểm tra việc xem xét, lựa chọn bình bầu có quy định trách nhiệm của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, tuy nhiên tôi nhận thấy chưa được rõ ràng” – bà nói.
 
Trưởng ban Dân nguyện đề nghị quy định rõ ràng hơn về trình tự, thủ tục tham gia của Viện Kiểm sát trong việc giám sát và thanh tra quá trình thực hiện đặc xá. “Việc thành lập hội đồng tư vấn đặc xá thì thành phần đề nghị cân nhắc bổ sung thêm cơ quan dân cử, như ĐBQH hay cơ quan của Quốc hội”, bà Hải nêu ý kiến.
 
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn cho rằng rất cần công khai, minh bạch và “thực tế đang diễn ra theo chiều hướng rất minh bạch, không hề nội bộ, khép kín chỉ trong ngành Công an”.
 
Theo Thứ trưởng, tất cả quy định pháp luật, trong đó có Luật đặc xá thì phạm nhân đều được hướng dẫn, giải thích rõ, và họ là đối tượng hưởng thụ điều này nên họ cũng tìm hiểu và nhận thức hết sức đầy đủ quyền của họ đến đâu, trong trường hợp nào thì được đặc xá…
 
Khi triển khai việc thực hiện đặc xá thì cơ quan chủ trì trong Bộ Công an là Cơ quan thi hành án hình sự. Bên cạnh đó, Viện Kiểm sát giám sát thường xuyên và họ là thành viên hội đồng hết sức chặt chẽ trong các lần đặc xá.
 
“Không có gì là khép kín, là không minh bạch. Giám sát ở địa phương còn có HĐND, ban pháp chế các cấp cũng rất chặt” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh thêm.
Phạm tội khủng bố thì không được đặc xá
 
Về các trường hợp không đề nghị đặc xá (Điều 12 của dự thảo Luật), một số ý kiến đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành, không đề nghị đặc xá đối với người “trước đó đã được đặc xá” hoặc “có từ 2 tiền án trở lên”. Có ý kiến đề nghị bổ sung thêm các trường hợp không được đề nghị đặc xá đối với người bị kết án về tội phạm quy định tại Chương XIII, Chương XXVI và một số tội khác trong Bộ luật Hình sự.
 
UBTP nhận thấy, Luật Đặc xá hiện hành quy định không đề nghị đặc xá đối với trường hợp “trước đó đã được đặc xá” hoặc “có từ 2 tiền án trở lên”. Quy định này là chặt chẽ, phù hợp và qua thực tiễn thi hành không phát sinh vướng mắc, khó khăn.
 
Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Điều 12 dự thảo Luật đã được chỉnh lý, theo đó giữ lại 2 trường hợp không đề nghị đặc xá nêu trên; đồng thời, bổ sung các trường hợp không được đề nghị đặc xá đối với người bị kết án về một số tội quy định tại Chương XIII (Các tội xâm phạm an ninh quốc gia), Chương XXVI (Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) và Tội khủng bố (Điều 299) của BLHS.

Nguồn: Quỳnh Vinh/CAND

Các tin khác