Tin tức sự kiện

Xung quanh hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ

08:41, 13/07/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Dư luận có thể trông chờ kết quả gì từ cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ vốn đã được ông chủ Nhà Trắng Donald Trump “chuẩn bị cả đời mình” khi nó mang đến cả những hy vọng nhưng cũng dấy lên không ít lo ngại cho nhiều quốc gia?

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
Chuyến viếng thăm và làm việc tại Moskva mới đây của ông John Bolton- trợ lý về các vấn đề an ninh của Tổng thống Mỹ đã đạt được thỏa thuận về cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Mỹ - Nga sẽ diễn ra tại thủ đô Helsinki (Phần Lan) vào ngày 16/7. Cũng xuất phát từ sáng kiến của Đại sứ Mỹ tại LB Nga John Huntsman, từ ngày 2-4/7, một đoàn gồm 7 nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa đã đến Moskva và theo như trưởng đoàn Richard Shelbi thì: “Chúng tôi muốn trực tiếp đối diện với giới chức cao nhất của Nga để cùng nhau tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu căng thẳng”.
 
Cuộc gặp giữa 2 Tổng thống D.Trump và V. Putin đã được ấn định và như Tổng thống Mỹ tuyên bố thì “chỉ riêng việc chúng tôi gặp nhau bất kể kết quả ra sao, đây cũng đã là một thắng lợi rồi!”.
 
Dư luận có thể trông chờ kết quả gì từ cuộc gặp gỡ vốn được cho là mang đến cả những hy vọng nhưng cũng dấy lên không ít lo ngại cho nhiều quốc gia này?
 
Bối cảnh thế giới bên thềm cuộc gặp gỡ
 
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc và Mỹ - EU đang có nguy cơ vượt ra khỏi tầm kiểm soát của các bên. Theo lời Tổng thống D.Trump thì trong suốt một thời gian dài, Mỹ đã mở rộng cửa để hàng hóa của các quốc gia kể trên thâm nhập dễ dàng vào thị trường nước này và đã đến lúc phải trả lại sự công bằng cho các sản phẩm "Made in USA". Theo các chuyên gia, do cán cân thương mại đang nghiêng về phía Trung Quốc (năm 2017, Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc 505,50 tỷ USD và xuất khẩu vào thị trường này chỉ có 130,30 tỷ USD). Còn EU, xuất khẩu từ EU vào Mỹ là 375,50 tỷ euro trong khi từ Mỹ vào EU chỉ là 255,50 tỷ euro, cho nên dường như sẽ rất khó để có sự nhượng bộ từ phía Nhà Trắng. Khó khăn lớn nhất ẩn đằng sau cuộc chiến thương mại này đối với Trung Quốc và EU đó là công cụ thanh toán quốc tế bằng đồng USD. Hiện nay, khoảng 60% số quốc gia chiếm trên 70% kim ngạch thương mại toàn cầu đang sử dụng đồng tiền này trong các giao dịch quốc tế. Có một thực tế cũng cho thấy lợi thế trong “cuộc chiến thương mại này” đang nghiêng về phía Mỹ, đây một trong những nước có tỷ lệ xuất khẩu/GDP thấp nhất thế giới.
 
Với quan điểm “nước Mỹ trên hết” và thực tế đã chứng minh cho điều này bằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Thỏa thuận hạt nhân với Iran, D.Trump càng chứng tỏ ông vừa là nhân vật cứng rắn vừa là người rất khó đoán định. Từ khi nhậm chức đến nay, Tổng thống Mỹ đã nhiều lần yêu cầu các quốc gia là thành viên NATO ở châu Âu phải tăng chi phí quốc phòng lên mức 2% GDP như họ đã cam kết từ năm 2014, thế nhưng cho đến thời điểm này, chi phí của Đức (thành viên chủ chốt của NATO tại châu Âu) mới chỉ ở mức 1,24% và dự kiến cho năm 2019 là 1,31% (tương đương 42,9 tỷ euro). Theo lời của Thủ tướng A.Merkel, Đức cam kết sẽ tăng chi phí cho quốc phòng nhưng từ nay đến năm 2025 cũng chỉ có thể đạt mức 1,5% GDP. Chính vì điều này mà mới đây Tổng thống D.Trump đã nói: “Các thành viên NATO ở châu Âu đang nhận được quá nhiều ưu ái trong khi đó Mỹ lại phải gồng gánh cho NATO quá nhiều!”. Trước cuộc gặp với V.Putin, Tổng thống Mỹ đến châu Âu để tham dự hội nghị thượng đỉnh các nước thành viên NATO, ông D.Trump đã viết cho nguyên thủ một số nước thành viên: Đức, Bỉ, Hà Lan, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Luxembourg và Na Uy để nhắc lại yêu cầu này. Tổng thống Mỹ còn đưa ra con số cụ thể: Trong khi Mỹ đang phải trích 3,58% GDP cho quốc phòng thì Đức chi cho người nhập cư 22 tỷ euro/năm gần với mức 23 tỷ euro mà Đức phải chi thêm tương đương với 0,8% GDP. Điều này có nghĩa họ đang làm từ thiện nhờ vào tiền của Mỹ mặc dù thặng dư ngân sách của Đức đang là 38,4 tỷ euro.  
 
Hiện nay có khoảng 60.000 quân nhân Mỹ đang đồn trú tại châu Âu mà hơn một nửa (35.000) là ở Đức, tiếp đến là Italy (12.000) và Anh (khoảng 8.500). Theo Washington Post, Lầu Năm góc đang soạn thảo kế hoach rút bớt quân tại “Lục địa già” mà chủ yếu là ở Đức để giảm bớt chi phí như Tổng thống yêu cầu.
 
Tại Syria, quân đội của Tổng thống B.Assad đang chiếm lợi thế. Khác với cựu Tổng thống B.Obama, người gần như suốt nhiệm kỳ của mình luôn kêu gọi B.Assad phải ra đi, D.Trump chỉ đề cao mục tiêu là loại trừ IS và với tiêu chí này, Nhà Trắng có lý do để lập kế hoạch rút quân ra khỏi đây.
 
Nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa John Kennedy sau chuyến thăm Nga mới đây đã nhận định: “Nga và Mỹ có thể là đối thủ chứ không thể trở thành kẻ thù của nhau. Các biện pháp trừng phạt Nga mà Mỹ và các đồng minh áp đặt với Nga đã không phát huy tác dụng…”. Việc Nga đang xích lại gần với Trung Quốc và quan hệ giữa 2 nước trở nên nồng ấm luôn khiến Mỹ quan ngại.
 
Bức tranh kinh tế nước Mỹ đang trở nên sáng sủa
 
Tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý II/2018 đạt 4% GDP, cao nhất trong vòng 4 năm qua. Mặc dù tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động đang có xu hướng tăng, nhưng thất nghiệp đã giảm xuống mức kỷ lục kể từ năm 2000 đến nay - 3,8%. Trong khoảng thời gian ông Trump cai quản Nhà Trắng, đã có 3,4 triệu chỗ làm mới được tạo thêm. 
 
Mặc dù vấp phải rất nhiều sự phản đối, nhưng hiệu quả mà những quy định về người nhập cư do ông Trump ban bố đã được minh chứng bằng con số 34.000 người nhập cư trái phép tại biên giới với Mexico bị bắt giữ trong tháng 6, giảm 16% so với tháng 5.
 
Nếu tỷ lệ người dân Mỹ ủng hộ Tổng thống D.Trump hồi cuối năm ngoái chỉ có 35% thì hiện nay đã đạt 45%, gần với thời kỳ đỉnh cao là 46%.
 
Với đối sách khôn ngoan của mình, lúc đầu là cứng rắn không khoan nhượng và sau đó là mềm mỏng, gây nhiễu… Tổng thống D.Trump đã làm “rã băng” mối quan hệ vốn đang đông cứng với Bình Nhưỡng mà kết quả cụ thể là cuộc gặp gỡ hội đàm với người đồng cấp Kim Jong Un tại Singapore mới đây. Hợp đồng bán vũ khí và hợp tác quốc phòng trị giá 380 tỷ USD với Saudi Arabia cũng là một điểm nhấn cụ thể trong thời gian qua của ông chủ Nhà Trắng.
 
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11/2018 và một trong những mục tiêu mà Tổng thống D.Trump đang cố gắng đạt được đó là tiếp tục giành sự thắng thế cho đảng Cộng hòa trong kỳ bầu cử này.
 
Thỏa thuận gì có thể đạt được từ cuộc gặp gỡ thượng đỉnh Nga - Mỹ?
 
Trước chuyến công du châu Âu lần này, Tổng thống Mỹ cho rằng, cuộc gặp gỡ đối thoại với người đồng cấp Nga V.Putin có thể sẽ “dễ thở” hơn rất nhiều so với các cuộc hội đàm cấp cao khác. Rất có thể vì không bị áp lực phải đạt được những mục tiêu nào thật cụ thể nên người đứng đầu Nhà Trắng nhận định như vậy chăng?
 
Trả lời phỏng vấn của Sky New Arabia mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết chủ đề chính của cuộc hội đàm giữa 2 nhà lãnh đạo D.Trump - V.Putin sẽ là các vấn đề về xung đột, căng thẳng tại Syria và Ukraine. Tuy vậy, dư luận vẫn đang nghiêng về một số giả thuyết cụ thể sau:
 
Với việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, Nhà Trắng dưới thời Tổng thống D.Trump đang thể hiện quyết tâm giảm thiểu sự ảnh hưởng của Tehran tại khu vực này. Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt vào Iran sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 6/8 tới đây và từ 4/11 năm nay, mọi hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và tài khoản của Ngân hàng Trung ương Iran sẽ bị Mỹ phong tỏa. Tổng thống Mỹ đang thuyết phục Saudi Arabia tăng sản lượng khai thác dầu mỏ thêm 2 triệu thùng/ngày để trám vào “lỗ thủng” 2,6 triệu thùng/ngày mà Iran đang xuất ra thị trường hiện nay. Tehran tuyên bố sẽ chặn tuyến trung chuyển qua eo biển Hormuz, nơi mà 20% nhu cầu dầu mỏ của thế giới được xuất khẩu qua con đường này và nếu điều này trở thành hiện thực thì chiến tranh Mỹ - Iran nhiều khả năng sẽ bùng nổ. Chính vì vậy, phía Mỹ đang tìm mọi cách để Moskva không cung cấp các trang thiết bị quân sự tiên tiến cho Tehran. Ngoài ra, sự hiện diện sâu rộng của Iran tại Syria đang khiến không chỉ Mỹ mà cả các đồng minh của mình như Israel, Saudi Arabia bất an. Do vị thế của Nga tại khu vực này đang ngày càng lớn nên rất có thể Washington cũng muốn đạt được những thỏa thuận nào đó để vừa giảm bớt chi phí lại vừa giữ được thể diện về vấn đề này.
 
Suốt nhiều năm qua, căng thẳng tại vùng Donbass của Ukraine luôn là lý do để EU áp đặt lệnh trừng phạt lên Nga và mới đây các nước thành viên EU lại tiếp tục gia hạn thêm 6 tháng nữa. Tuy nhiên, cũng chính vì chủ đề này mà những bất đồng, những rạn nứt đã bắt đầu xuất hiện trong nội bộ Liên minh châu Âu. Phát biểu lấp lửng mới đây của Tổng thống Mỹ về bán đảo Crimea, rằng ở đó toàn người nói tiếng Nga nên nếu Crimea thuộc về Nga cũng là dễ hiểu. Từ đó có thể đoán định rằng mặc dù còn phải phụ thuộc vào phía các cơ quan lập pháp nhưng với tính cách của mình, rất có thể ông chủ Nhà trắng sẽ đi trước một bước và sau khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tới đây với kết quả nghiêng về đảng Cộng hòa thì những trở ngại này sẽ được tháo gỡ nhằm cải thiện quan hệ với LB Nga.
 
Ngày 16/7, Tổng thống D.Trump sẽ gặp gỡ và hội đàm với Tổng thống Nga V.Putin sau khi hội nghị thượng đỉnh NATO kết thúc. Nếu mục tiêu tăng chi phí quân sự lên 2% GDP mà Mỹ đặt ra cho các đồng minh của mình không đạt được thì rất có thể sẽ có những nhượng bộ từ phía Washington khiến các thành viên NATO ở châu Âu quan ngại, ví dụ như: Hủy các cuộc tập trận chung ở châu Âu (nhất là tại vùng Baltic) có sự tham gia của quân đội Mỹ như ông D.Trump đã từng cam kết với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, điều này đã làm Seoul phật ý, ngừng xây dựng căn cứ quân sự tại Ba Lan như phía Warszawa đề xuất và chịu mọi chi phí…
 
Nếu đặt quan hệ Nga - Mỹ vào những thời điểm mà Lầu Năm góc khai hỏa nhắm vào Syria (nơi có quân đội Nga hậu thuẫn và đồn trú) thì mới thấy có rất nhiều sự thật ẩn sau lời phát biểu mới đây của ông D.Trump, rằng: “Tôi đã chuẩn bị cả đời mình cho cuộc gặp (với Tổng thống V.Putin) này”. Và vì vậy, dẫu kết quả có không đạt được như kỳ vọng thì chí ít quan hệ giữa 2 siêu cường cũng không thể mãi căng thẳng bởi cả 2 nhà lãnh đạo đều là những người rất thực tế.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác