Trong nước
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước
Sáng 11/7/2018, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Phiên họp thứ 25 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Phiên họp sẽ tiến hành trong 3 ngày, từ 11-13/7 với nhiều nội dung quan trọng. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã điều hành nội dung thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (BMNN).
Báo cáo một số nội dung về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Võ Trọng Việt cho biết, về danh mục BMNN (Điều 10), một số ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định việc ban hành danh mục BMNN, một số ý kiến đề nghị giao Bộ Công an ban hành danh mục BMNN.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp. |
Thường trực UBQPAN báo cáo như sau: Theo quy định của Pháp lệnh hiện hành, Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục BMNN độ Tuyệt mật, Tối mật; Bộ trưởng Bộ Công an quyết định danh mục BMNN độ Mật. Trên cơ sở tổng kết việc thi hành Pháp lệnh Bảo vệ BMNN hiện hành, Chính phủ đã đề nghị quy định giao Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục BMNN đối với cả 3 độ mật để khắc phục hạn chế hiện nay, bảo đảm tính thống nhất trong việc ban hành danh mục BMNN.
“Thường trực UBQPAN nhận thấy quy định như dự thảo Luật Chính phủ trình là phù hợp, đề nghị UBTVQH cho giữ như dự thảo Luật” – ông Võ Trọng Việt nói. Theo đó, Điều 10 quy định 15 lĩnh vực thuộc phạm vi BMNN gồm: chính trị; quốc phòng, an ninh, cơ yếu; lập pháp, tư pháp; đối ngoại; kinh tế; tài nguyên và môi trường; khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; thông tin và truyền thông; y tế; lao động, xã hội; tổ chức, cán bộ; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; kiểm toán. Trong từng lĩnh vực lại có phạm vi thông tin BMNN riêng.
Thảo luận tại Phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, danh mục BMNN quá rộng và không cụ thể nên sẽ dễ gây khó khăn trong thực thi. Bà đề nghị cần ban hành danh mục BMNN kèm theo Luật, quy định rõ những vấn đề, thông tin cấm để người dân biết và tránh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành Phiên thảo luận. |
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, Điều 10 có liên quan đến cả Điều 2 nhưng nội hàm chưa rõ ràng. Khái niệm BMNN là thông tin có nội dung quan trọng chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Tuy nhiên lại không định lượng thế nào là gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.
Cho ý kiến về việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Điều 10 dự thảo Luật quy định các lĩnh vực có thông tin mật, chứ không phải tất cả lĩnh vực đều mật. “Trong những vụ án có những nội dung cần mật thì Bộ Công an, Bộ Quốc phòng mới quy định mật. Còn thông tin vụ án, quá trình điều tra, xét xử đều không mật. Tức là nhiều vụ án không mật nhưng có những thông tin bí mật trong từng vụ án, các lĩnh vực có chứa thông tin mật” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Thay mặt Ban soạn thảo báo cáo giải trình thêm một số vấn đề tại phiên họp, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, nếu ban hành luôn danh mục BMNN thì rất rộng, do đó Ban soạn thảo xin phép UBTVQH chỉ ban hành phạm vi, lĩnh vực BMNN. Sau này thẩm quyền ban hành danh mục BMNN thuộc về Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Thứ trưởng Bùi Văn Nam thay mặt Ban soạn thảo báo cáo giải trình thêm một số vấn đề tại Phiên họp. |
Về thời hạn bảo vệ BMNN (Điều 22), Chủ nhiệm UBQPAN Võ Trọng Việt cho biết, một số ý kiến đề nghị điều chỉnh thời hạn đối với BMNN độ Tuyệt mật là 40 năm, Tối mật là 30 năm và Mật là 20 năm; hoặc Tuyệt mật là 20 năm, Tối mật là 10 năm, Mật là 5 năm, có thể được gia hạn nếu xét thấy cần thiết và gia hạn không quá một lần.
Thường trực UBQPAN thấy, thời hạn bảo vệ BMNN theo dự thảo Luật Chính phủ trình cơ bản phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Lưu trữ và pháp luật có liên quan, đồng thời có nghiên cứu, tham khảo pháp luật một số nước. Do đó, đề nghị UBTVQH cho giữ thời hạn bảo vệ BMNN như dự thảo Luật: 30 năm đối với BMNN độ Tuyệt mật; Tối mật là 20 năm và Mật là 10 năm.
Tại Phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, lịch đi nước ngoài của Chủ tịch Quốc hội là tuyệt mật, nhưng khi sự kiện diễn ra rồi thì có thể giải mật luôn, không cần để tới 30 năm. “Hay lịch công tác tuần của Bộ Chính trị, các đồng chí lãnh đạo Quốc hội khi xong rồi đương nhiên giải mật chứ không cần đợi 20 năm, 30 năm. Mà phải quy định trách nhiệm của một số cơ quan nhà nước trong việc giải mật…” – ông Định đề nghị.
Giải thích thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Nam cho biết, qua nghiên cứu thực tiễn của ta và các nước thì quy định giải mật 30, 20 và 10 năm là tương đối phù hợp. “Với những vấn đề cụ thể việc giải mật có thể khác đi. Ví dụ lịch làm việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trước khi diễn ra thì hết sức bí mật, sau đó có những cái có thể giải mật ngay nhưng có những vấn đề không thể giải mật ngay được. Chẳng hạn chương trình hoạt động đối ngoại lãnh đạo cấp cao có thể phải giữ bí mật trong nhiều năm. Việc này Ban soạn thảo sẽ có báo cáo UBTVQH sau” – Thứ trưởng Bùi Văn Nam lấy ví dụ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho ý kiến tại Phiên thảo luận. |
Thứ trưởng Bùi Văn Nam cũng khẳng định, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu những ý kiến xác đáng, thiết thực của UBTVQH và các đại biểu để cùng với UBQPAN chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện dự án Luật cho phù hợp.
Kết lại Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị UBQPAN phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của UBTVQH; đồng thời hoàn chỉnh dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các đoàn ĐBQH để tiếp tục hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6./.
Nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công an