Đã 1 tuần trôi qua sau cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump.
Hai “người trong cuộc” cũng như cộng đồng quốc tế cùng đánh giá đây là cuộc gặp thành công và hữu ích, đã mở ra tín hiệu tích cực đầu tiên về hi vọng cải thiện quan hệ song phương giữa hai nước, trong bối cảnh mối quan hệ này đang rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.
Tuy vậy, trong nội bộ chính trường Mỹ hiện vẫn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều xoanh quanh kết quả cuộc gặp, việc này được đánh giá là những cơn gió ngược chiều đối với mọi nỗ lực của Tổng thống Mỹ nếu ông muốn cải thiện quan hệ với Nga.
Bước đi tích cực được cả thế giới hoan nghênh
Tại cuộc gặp ngày 16-7 ở Helsinki (Phần Lan), hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ đã thẳng thắn trao đổi về nhiều vấn đề nóng của thế giới, như cuộc chiến chống khủng bố, cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, cuộc chiến tại Syria, thỏa thuận hạt nhân Iran, vấn đề an ninh của Israel, các nỗ lực thúc đẩy giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên...
Mặc dù không có bất kỳ tuyên bố chung nào trong Hội nghị Thượng đỉnh lần này song trong cuộc họp báo kết thúc, hai bên đã có những phát biểu đưa ra những tín hiệu tích cực đầu tiên về hy vọng cải thiện quan hệ giữa hai cường quốc.
Người đứng đầu Điện Kremlin khẳng định Moscow và Washington có thể đóng vai trò dẫn đầu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria, nêu những lo ngại về việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và hoan nghênh vai trò của Tổng thống Donald Trump trong việc thúc đẩy giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân Triều Tiên.
Ông cũng khẳng định Moscow đã, đang và sẽ không bao giờ can thiệp vào tiến trình bầu cử của Mỹ. Về phần mình, Tổng thống Mỹ mô tả cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga là một cuộc đối thoại thẳng thắn, cởi mở và có tính xây dựng sâu sắc.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại đối với Washington và Moscow cũng như toàn thế giới, người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng, hai nước phải tìm ra cơ hội hợp tác nếu muốn cải thiện tình hình thế giới. Theo ông, quan hệ Nga - Mỹ đã được cải thiện qua hội nghị thượng đỉnh này và quan hệ ngoại giao với Nga là điều cần thiết.
Về vấn đề mà đông đảo ý kiến chuyên gia đều đánh giá là “gai góc” liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, Tổng thống Donald Trump cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến quan hệ giữa hai nước xấu đi vì hoàn toàn không có âm mưu nào như điều tra cáo buộc.
Tổng thống Mỹ cũng cho biết, tới đây đại diện của Hội đồng An ninh Liên bang Nga và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ sẽ sớm gặp gỡ để phát triển kết quả hội nghị Thượng đỉnh Helsinki.
Trong một diễn biến liên quan, hôm 21-7 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo đã thực hiện một cuộc điện đàm để “trao đổi quan điểm về những cách thức phát triển quan hệ song phương với mục tiêu bình thường hóa quan hệ” trên cơ sở bình đăng và cùng có lợi.
Trong cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Nga khẳng định việc phía Mỹ bắt giữ người phụ nữ có tên Maria Butina vì tình nghi làm gián điệp là không thể chấp nhận và dựa trên những cáo buộc giả dối, đồng thời yêu cầu sớm trả tự do cho người này.
Ngoài ra hai quan chức cũng bàn thảo về khả năng phối hợp các nỗ lực nhằm cải thiện tình hình nhân đạo ở Syria, cũng như những thách thức trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin tại cuộc họp báo chung hôm 16-7 ở Phần Lan. |
Những cơn gió ngược chiều
Trái ngược với những phản ứng tích cực của cộng đồng quốc tế, giới nghị sĩ thuộc cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ của Mỹ đều tỏ ra không hài lòng về những phát biểu của Tổng thống Donald Trump tại cuộc họp báo sau khi Hội nghị thượng đỉnh Nga - Mỹ kết thúc.
Tại cuộc họp báo trên, Tổng thống Donald Trump cho rằng, cuộc điều tra của Mỹ về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 là một thảm họa đối với nước này và hết lòng bày tỏ sự tin tưởng vào người đồng cấp Vladimir Putin: “Tôi không thấy có bất cứ lý do nào của việc Nga can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016”.
Ngay lập tức phát biểu này đã khiến các nhà lập pháp Mỹ dậy sóng. Giới nghị sĩ thuộc cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ bày tỏ sự không hài lòng về cuộc gặp này khi cho rằng đây là “cơ hội bị bỏ lỡ. Họ cho rằng việc Tổng thống Mỹ phủ nhận đánh giá của các quan chức tình báo và đổ lỗi cho Mỹ vì cuộc tấn công của Nga đối với nền dân chủ của Mỹ là một “điều đáng hổ thẹn”.
Sau đó, mặc dù đã có tuyên bố “lỡ lời” đảo ngược nhiều phát ngôn về cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ, song điều này chẳng những không xoa dịu được tình hình, ngược lại còn làm xấu thêm hình ảnh của nhà lãnh đạo Mỹ. Không chỉ vậy, nội dung cụ thể những gì Tổng thống Mỹ đã thảo luận với người đồng cấp Nga tại cuộc họp kín cũng đang bị đặt câu hỏi.
Các nhà lập pháp Mỹ muốn làm rõ nội tình cuộc gặp kín của hai Tổng thống, liên tục đề nghị nữ phiên dịch Marina Gross phải ra điều trần trước Quốc hội. Chính giới Mỹ đang yêu cầu Tổng thống Trump phải công khai toàn bộ nội dung họp kín với Tổng thống Putin.
Chưa rõ Tổng thống Donald Trump sẽ hứng chịu thêm những chỉ trích gì từ cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16-7 vừa qua, song những phản ứng bước đầu tại Mỹ đã một lần nữa bộc lộ sự chia rẽ gay gắt trên chính trường Mỹ trong các vấn đề liên quan tới Nga.
Và đây chắc chắn là rào cản cho mọi nỗ lực của người đứng đầu Nhà Trắng nếu ông muốn cải thiện quan hệ với Nga, nhất là trong bối cảnh cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ của Mỹ đang tới gần (dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11-2018), những phản ứng trên có thể gây xáo trộn thêm chính trường Mỹ và có thể ảnh hưởng tới những nỗ lực của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử sắp tới.
.