Tin tức sự kiện
Nhật – Mỹ 'khích lệ' Trung Quốc trong vấn đề Triều Tiên
09:05, 31/05/2017 (GMT+7)
Phát biểu ngày 30-5, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định Nhật và Mỹ đã nhất trí rằng việc gia tăng áp lực đối với CHDCND Triều Tiên vào thời điểm này là rất quan trọng, trong đó vai trò của Trung Quốc mang tính quyết định.
Tuyên bố này được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo thứ 3 trong vòng 1 tháng qua.
Cùng với đó, Ngoại trưởng Kishida cho biết sẽ kêu gọi Trung Quốc đóng “vai trò tích cực” trong vấn đề CHDCND Triều Tiên tại cuộc gặp với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, đang tới thăm Nhật Bản để thảo luận về cách thức giải quyết vấn đề trên. Ngoại trưởng Kishada khẳng định muốn xác nhận (với ông Dương Khiết Trì) rằng hợp tác Tokyo - Bắc Kinh là cần thiết để ngăn cản Bình Nhưỡng.
Nếu Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Tokyo sẵn sàng thúc đẩy hợp tác với Bắc Kinh để kiểm soát các mối đe dọa từ nước này.
Vụ thử tên lửa ngày 29-5 của CHDCND Triều Tiên. |
Trước đó, trong cuộc gặp hôm 29-5 với ông Dương Khiết Trì, nhấn mạnh vụ thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên là giai đoạn mới của hành động khiêu khích, cố vấn an ninh quốc gia cấp cao của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe – ông Shotaro Yachi cho rằng, Nhật Bản và Trung Quốc cần phải chung tay và hợp lực giải quyết các hành động gây hấn của Triều Tiên và yêu cầu Bình Nhưỡng phải tuân thủ các nghị quyết của LHQ. Trung Quốc hiện có ảnh hưởng lớn tới CHDCND Triều Tiên, khi chiếm khoảng 90% kim ngạch thương mại của Bình Nhưỡng.
Đồng thời Bắc Kinh là nước Ủy viên Thường trực HĐBA LHQ tham gia đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Mỹ, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên). Tuy nhiên, hiện nay giữa Bắc Kinh và Tokyo vẫn tồn tại những bất đồng trong việc khởi động lại đàm phán 6 bên vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Trong khi Trung Quốc nỗ lực tái khởi động đàm phán thì Nhật Bản vẫn tỏ ý chưa sẵn sàng khi Bình Nhưỡng không dứt khoát trong quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân và phát triển tên lửa đạn đạo.
Có cùng quan điểm khích lệ Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi vụ phóng tên lửa mới nhất của CHDCND Triều Tiên là “sự rất thiếu tôn trọng” của Bình Nhưỡng đối với Bắc Kinh, đồng thời đánh giá cao Trung Quốc vì những nỗ lực để kiềm chế chính quyền CHDCND Triều Tiên.
Trong khi đó, cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel Russel cho biết, Bắc Kinh cần phối hợp với Washington để ngăn chặn Triều Tiên lợi dụng sự mất lòng tin giữa Trung Quốc và Mỹ nhằm tiếp tục phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo ông Russel, đàm phán chung Trung Quốc - Mỹ - không phải chính sách “bên miệng hố chiến tranh hạt nhân” - với CHDCND Triều Tiên, là cách thức duy nhất cho phép nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un có được thứ ông ta muốn, đó là an ninh.
Khi đánh giá nỗ lực kiềm chế mối đe dọa hạt nhân ngày càng gia tăng của Triều Tiên như một “cuộc chiến tâm lý”, ông Russel cho rằng, viễn cảnh đàm phán một thỏa thuận bước ngoặt với chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên được xem là “nghèo nàn”.
Tuy nhiên, ông Russel khẳng định rằng: “Chỉ cần Mỹ và Trung Quốc, cũng như Hàn Quốc, duy trì đoàn kết, chúng ta có thể chiến thắng. Song nếu chúng ta chia rẽ và Triều Tiên có thể lợi dụng bất đồng giữa chúng ta, chúng ta sẽ đối mặt với vấn đề thực sự”.
Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cũng không ngại ngần chỉ ra bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, trong khi Bắc Kinh ưu tiên ngăn chặn Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ sáu, thì Washington quan tâm tới việc CHDCND Triều Tiên sẽ đạt năng lực phát triển tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân vươn tới lục địa Mỹ trong vòng 3 năm tới.
Về phía CHDCND Triều Tiên, chiều 30-5, sau khi tung ra các báo cáo, hình ảnh xác nhận cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo được tiến hành vào sáng sớm 29-5 vừa qua, Truyền hình Trung ương Triều Tiên (KCT) đã công bố một đoạn clip ghi cảnh phóng quả tên lửa dưới sự chỉ đạo và giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Quân đội CHDCND Triều Tiên không công bố tên loại tên lửa mới, nhưng tuyên bố rằng, quả tên lửa được bắn đi được hỗ trợ bởi một hệ thống điều khiển tên lửa với khả năng chính xác cực kỳ cao.
Tên lửa sau khi phóng đã bay thẳng về hướng Đông, bắn trúng mục tiêu ở kỷ lục chính xác chưa từng có với sai số chỉ trong khoảng 7m. Bình Nhưỡng cho hay, loại vũ khí họ vừa bắn kiểm nghiệm là tên lửa đạn đạo tầm trung.
Nguồn: CAND