Quốc tế
Châu Âu lo bị tấn công khủng bố trong tháng lễ Ramadan
Trong một cuộn băng ghi hình đăng trên Youtube, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng kêu gọi những người Hồi giáo tại châu Âu – những người chưa thể gia nhập IS tại Syria hay Iraq, có thể thực hiện các vụ tấn công tại những nơi mà họ đang sinh sống. Mục tiêu của các vụ tấn công này là học giả, chính trị gia… IS khẳng định, những gì sắp diễn ra sẽ khốc liệt hơn rất nhiều.
IS dọa phủ cờ đen của nhóm khủng bố này lên ngày lễ Ramadan vốn thanh bình của người Hồi giáo. Ảnh minh họa: AP. |
Hàng triệu người Hồi giáo trên thế giới ngày 27/5 bước vào tháng lễ chay tịnh Ramadan.
Vụ tấn công tại Anh đầu tuần này với việc IS nhận trách nhiệm có thể là mở đầu cho một loạt vụ tấn công tại phương Tây trong tháng lễ linh thiêng này.
Theo cảnh sát Anh, cơ quan an ninh đã thu thập được nhiều bằng chứng cho thấy đây là một mạng lưới khủng bố với ít nhất 8 người đã bị bắt giữ sau các cuộc truy quét. Thủ tướng Anh Theresa May cảnh báo có khả năng xảy ra thêm các vụ tấn công khác nữa.
“Cơ quan phụ trách các vấn đề chống khủng bố ở Anh vẫn đặt mức cảnh báo cao nhất”, bà May nói. “Điều đó có nghĩa là không chỉ nguy cơ xảy ra các vụ tấn công cao mà khả năng xảy các vụ tấn công tiếp theo đang rất hiện hữu. Việc nâng mức nguy cơ cảnh báo sẽ giúp chúng ta có thêm nguồn lực và sự ủng hộ để đảm bảo an toàn cho người dân.”
Nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đưa ra các biện pháp an ninh để đối phó với mối đe dọa khủng bố sau vụ tấn công tại Anh cũng như trong tháng lễ Ramadan. Pháp gia hạn tình trạng khẩn cấp trong khi Bộ trưởng Nội vụ Italia cho biết đang xem xét mức nguy cơ khủng bố.
Đối với phần đông người Hồi giáo thì tháng lễ Ramadan là khoảng thời gian dành cho cầu nguyện và làm các hoạt động từ thiện.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Ramadan đã bị nhuốm màu bạo lực trên toàn thế giới, với các vụ tấn công của IS.
Tháng lễ Ramadan năm 2016 mở màn với vụ tấn công của một công dân Mỹ vào câu lạc bộ ban đêm ở Orlando, làm 49 người thiệt mạng. Sau đó là hàng loạt vụ tấn công xảy ra tại Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh…
Đối với nhiều người Hồi giáo, việc tăng cường các vụ tấn công nhằm vào tháng lễ linh thiêng này một lần nữa chứng minh tổ chức như IS không phải là tập hợp những người Hồi giáo chân chính.
“Chúng tôi đón tháng lễ Ramadan yên bình và nhiều người Pháp còn đến tham gia cùng chúng tôi”, một người Hồi giáo đang sinh sống tại Pháp chia sẻ. “Chúng ta phải đoàn kết trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố vì những người thực hiện các vụ tấn công này không phải là người Hồi giáo thực sự.”
Giới quan sát nhận định, trong bối cảnh IS đang thất thế tại Iraq và Syria, các vụ tấn công như ở Manchester không đơn thuần là chỉ gây tổn thất cho nước Anh mà còn là công cụ quản lý hình ảnh của IS, tạo hiệu ứng truyền thông, động viên các tay súng ở tuyến đầu chiến đấu.
Ngoài ra, các vụ tấn công như vậy cũng là cách để IS tạo hằn thù, gieo rắc bất hòa giữa thế giới Hồi giáo và cộng đồng xã hội rộng lớn hơn. Vì vậy, với vụ tấn công mở màn tại Manchester, sau đó là Ai Cập, các chuyên gia chống khủng bố lo ngại tháng lễ Ramadan năm nay lại tiếp tục chứng kiến thêm hàng loạt vụ tấn công mới.
Nguồn: vov.vn