Tin tức sự kiện
Vụ 'Hồ sơ Panama': Hàng loạt nước vào cuộc
“Hồ sơ Panama” tiết lộ cách thức trốn thuế, rửa tiền liên quan đến nhiều chính trị gia, các nhân vật nối tiếng. Vụ rò rỉ dữ liệu này đang gây chấn động thế giới.
Ngày 4/4, Văn phòng Công tố Panama thông báo đã mở cuộc điều tra liên quan đến các thông tin về hành vi rửa tiền và trốn thuế của hàng loạt chính trị gia và các nhân vật nổi tiếng được tiết lộ trong "Hồ sơ Panama".
Trong một tuyên bố, Văn phòng Công tố Panama nhấn mạnh "những sự thật được mô tả trên các phương tiện truyền thông trong nước và quốc tế liên quan đến "Hồ sơ Panama" đều sẽ bị điều tra hình sự".
Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Panama Juan Carlos Valera khẳng định nước này sẽ hợp tác với chính phủ các nước trên thế giới trong quá trình điều tra vụ bê bối trên.
Cùng ngày, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo đang xem xét các báo cáo về các thỏa thuận và giao dịch tài chính ở nước ngoài mà nhiều chính trị gia và các nhân vật nổi tiếng trên toàn cầu có dính líu được tiết lộ trong “Hồ sơ Panama”. Bộ trên nhấn mạnh sẽ đánh giá một cách cẩn trọng mọi cáo buộc đáng tin cậy nhằm xác định sự tồn tại của các bằng chứng cho thấy có hành vi tham nhũng và các hành vi khác vi phạm luật pháp Mỹ.
Tại Canada, chính phủ nước này đã yêu cầu được cung cấp một bản sao dữ liệu rò rỉ về danh sách khách hàng được Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama giúp trốn thuế, để giới chức nước này kiểm tra thông tin và có biện pháp xử lý bất kỳ trường hợp trốn thuế nào trong vụ việc này. Ottawa cũng khẳng định đang theo dõi chặt chẽ các trường hợp công dân nước này mở công ty trốn thuế và rửa tiền ở Panama cũng như các nơi khác trên thế giới và sẽ đưa vụ việc lên các công tố viên nếu cần thiết.
Báo chí Argentina đưa tin Tổng thống Macri nằm trong danh sách bị tình nghi có dính líu tới “Hồ sơ Panama”. Chính phủ Argentina đã bác bỏ thông tin trên và cho rằng Tổng thống Macri chưa từng có cổ phần trong công ty Fleg Trading, có trụ sở tại Bahamas, bị cáo buộc tham gia trốn thuế và rửa tiền.
Trong khi đó, ông Macri cũng khẳng định việc ông từng giữ chức Giám đốc Fleg Trading là hợp pháp và do chính bố ông bổ nhiệm bởi đây là công ty gia đình, với những hoạt động đầu tư tại Brazil.
Tại Đức, trưởng đoàn nghị sĩ đảng Cánh tả tại Quốc hội Đức Sahra Wagenknecht yêu cầu xem xét thành lập một uỷ ban điều tra ở quốc hội để điều tra việc trốn thuế cũng như sẽ có những hành động cứng rắn và kiên quyết đối với các ngân hàng tiếp tay cho việc trốn thuế. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính một số bang của Đức như Thüringen và Bayern cùng nhiều chính trị gia khác của Đức cũng đã kêu gọi nhanh chóng đánh giá các dữ liệu trong "Hồ sơ Panama".
Theo báo "Sueddeutsche Zeitung" (Nam Đức) số ra ngày 5/4, hàng nghìn người Đức và ít nhất 28 ngân hàng của nước này bị nằm trong diện điều tra do nghi liên quan tới Công ty luật Mossack Fonseca trong vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama".
Trong khi đó, các công tố viên điều tra tài chính của Pháp ngày 4/4 cho biết sẽ tiến hành điều tra về vụ gian lận thuế liên quan tới Công ty Mossack Fonseca. Trước đó, Bộ Tài chính nước này cũng thông báo sẽ tìm cách tiếp cận các tài liệu trên và có biện pháp trừng phạt những đối tượng trốn thuế.
Cùng ngày, giới chức Tây Ban Nha và một số quốc gia như Thuỵ Sĩ, Áo, Na Uy, Thuỵ Điển, Ukraine, Australia và Costa Rica cũng cho biết sẽ điều tra các cá nhân, công ty và ngân hàng có tên trong "Hồ sơ Panama" về khả năng trốn thuế, tiếp tay trốn thuế hoặc gian lận tài chính.
Theo các kết quả điều tra 11,5 triệu trang tài liệu bị rò rỉ của Mossack Fonseca ở Panama, công ty luật này đã tạo ra một "thiên đường trốn thuế", qua đó giúp khoảng 140 chính trị gia, gồm cả 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, cùng những ngôi sao thể thao, trùm ma túy... trốn nộp thuế, rửa tiền. Số tài liệu này, còn gọi là "Hồ sơ Panama", ghi lại hoạt động hàng ngày của công ty luật Mossack Fonseca trong suốt 40 năm (từ năm 1975). Đây được xem vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất từ trước tới nay và nó hé lộ về một vụ tham nhũng toàn cầu, cũng như những bí mật của giới nhà giàu trên toàn thế giới.
Nguồn: Chinhphu.vn