Quốc tế
Nga có "nhảy vào" cuộc chiến Armenia - Azerbaijan?
Chiến sự Azerbaijan – Armenia có chiều hướng leo thang
Theo thống kê của Cơ quan Điều phối Vấn đề Nhân đạo Liên Hợp Quốc (OCHA), hơn 200 người đã thương vong kể từ khi chiến sự leo thang tại Nagorno-Karabakh, Azerbaijan từ đêm 1/4.
Theo Bộ Quốc phòng Azerbaijan, quân đội Azerbaijan đã tiêu diệt được 10 xe tăng chiến đấu của lục quân Armenia ở Nagorno-Karabakh. Tuy nhiên, nước này cũng thiệt hại 3 xe tăng chiến trường chủ lực và 1 trực thăng Mi-24.
Một chiếc trực thăng của Azerbaijan bị bắn hạ tại Nagorno-Karabakh. (ảnh: CNN) |
Cả Azerbaijan và Armenia đều đổ lỗi cho nhau về cuộc giao tranh này. Hãng Azertag ngày 3/4 dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết thêm, quân đội Azerbaijan đã bị công kích bằng súng cối 60mm, 82mm, 120mm, pháo hạng nặng, và súng phóng lựu, tổng cộng tới “130 lần” trong ngày. Quân đội Azerbaijan khẳng định, hỏa lực của đối phương được bắn đi từ các ngọn đồi trong các khu vực thuộc lãnh thổ Armenia.
Trong khi đó, hãng tin Reuters và Đài CNN dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Armenia khẳng định “Đối phương đã sử dụng xe tăng, pháo binh và không quân để xâm nhập sâu vào phòng tuyến của Quân đội phòng vệ Nagorno-Karabakh và chiếm lĩnh các vị trí chiến thuật”. Bộ Quốc phòng Armenia cho biết “đối phương đã bị vô hiệu hóa”.
Đây là cuộc giao tranh tồi tệ nhất đã xảy ra kể khi cuộc chiến tranh toàn diện khu vực này từ cách đây 22 năm.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ủng hộ Azerbaijan
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan ngày 3/4 tuyên bố hậu thuẫn cho đồng minh Azerbaijan “đến cùng” trong cuộc xung đột giữa nước này với Armenia. Điều này được giới phân tích cảnh báo sẽ tác động đến Nga trong bối cảnh Moscow và Ankara cũng căng thẳng.
Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hôm 3/4 dẫn lời ông Erdogan nói với một phóng viên Azerbaijan trong chuyến thăm Mỹ rằng “Chúng tôi cầu nguyện cho những người anh em Azerbaijan sẽ giành ưu thế trong các vụ đụng độ như thế này với thương vong ít nhất”.
Ông Erdogan nói thêm với người phóng viên: “Chúng tôi sẽ ủng hộ Azerbaijan tới cùng”.
Các đơn vị pháo binh của Armenia ở Martakert. (ảnh: Getty) |
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ trích thất bại của Nhóm Minsk – nhóm xúc tiến các nỗ lực của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) nhằm tìm kiếm hòa bình dưới sự chủ tọa của Pháp, Nga và Mỹ - trong việc giải quyết xung đột.
Ông Erdogan lý giải: “Chúng ta đối mặt với các sự cố như thế này là do Nhóm Minsk đánh giá thấp tình hình. Nếu Nhóm Minsk có những bước đi công bằng và quyết đoán về vấn đề này thì các sự việc vừa rồi đã không xảy ra. Tuy nhiên các điểm yếu của Nhóm Minsk thật không may đã dẫn tới cơ sự như hiện nay”.
Thổ Nhĩ Kỳ có mối liên hệ gần gũi về văn hóa và ngôn ngữ với Azerbaijan và là đồng minh chủ chốt của Baku. Ankara không có mối quan hệ ngoại giao với Armenia do tranh cãi về các vụ thảm sát người Armenia thời đế chế Ottoman mà phía Armenia coi là diệt chủng.
Nga tham gia với vai trò “dàn xếp”
Ngay khi giao tranh Nagorno-Karabakh bùng phát, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ sự lo ngại sâu sắc, đồng thời kêu gọi các bên tham gia cuộc xung đột hãy mau chóng ngừng bắn và thể hiện sự kiềm chế.
Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng kênh liên lạc ba bên (Nga, Armenia, Azerbaijan) và kênh quốc tế (Nhóm Minsk của OSCE về Nagorno-Karabakh gồm các đại diện Nga, Pháp và Hoa Kỳ), đã thực hiện hàng loạt nỗ lực to lớn, mở ra hy vọng sẽ tiến tới đạt giải pháp cho cuộc xung đột.
Tuy nhiên, rất đáng tiếc rằng xung đột lại tiếp tục bùng phát mà không có dấu hiệu nào báo trước, đẩy nhân dân Nagorno-Karabakh vào lò lửa chiến tranh, với sự tham gia của 2 quốc gia tách ra từ Liên Xô cũ là Armenia và Azerbaijan - ông Peskov nhận định.
Về phía Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, Phó Chủ tịch Sergei Zheleznyak bày tỏ quan điểm: Điều đáng nghi ngại nhất hiện nay là khả năng có “thế lực thứ ba” tác động vào mối quan hệ đang “căng như dây đàn” giữa Armenia và Azerbaijan. “Nga buộc phải thể hiện trách nhiệm trước cuộc giao tranh này”.
Tass dẫn lời ông Sergei Zheleznyak nói: “Rõ ràng có thế lực thứ ba đang thổi bùng ngọn lửa chiến tranh ở Trung Đông, Trung Á và khu vực Caucasus. Thế lực này không hài lòng với những thành tựu của Nga trong quá trình gìn giữ hòa bình và chống khủng bố ở Syria. Thế lực này đang góp phần làm gia tăng sự tức giận trong cuộc xung đột kéo dài đã lâu ở khu vực Nagorny-Karabakh”.
Nga đóng vai trò đồng minh của Armenia. Năm 2015, Nga vừa cam kết cho Armenia vay 200 triệu USD để mua vũ khí của Nga và hiện đại hóa lực lượng vũ trang. Ngay sau khi có thông tin về tình hình chiến sự Nagorny-Karabakh, Nga đã có sự liên lạc với Armenia. Đây được cho là tín hiệu thể hiện Nga sẵn sàng thực hiện các trách nhiệm với đồng minh của mình.
Tuy nhiên, giới phân tích quốc tế vẫn nghiêng về nhận định hồi tháng 11/2014 cũng là một thời điểm bùng phát xung đột Armenia – Azerbaijan, rằng Nga chắc chắn đến phút chót vẫn giữ vững quan điểm trung lập và không để xung đột này bùng lên ảnh hưởng đến biên giới của mình.
Nga sẽ chẳng được lợi nếu biên giới bất ổn cũng như can dự vào mâu thuẫn vốn có Armenia – Azerbaijan. Quan hệ mong manh giữa Nga – Azerbaijan vốn đã là “sợi chỉ” mà nếu đứt, Baku sẽ nhanh chóng đứng vào hàng ngũ kẻ thù của Moscow
Nguồn: vov.vn