CCHC
Nhìn từ cuộc đối thoại của đồng chí Giám đốc Công an tỉnh
(Congannghean.vn)-Công tác cải cách hành chính (CCHC) trong Công an Nghệ An trong những năm qua đã được Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh đặc biệt quan tâm, nhất là đối với bộ phận thường xuyên tiếp xúc với nhân dân. Mới đây nhất, vào ngày 31/3, đồng chí Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh đã có buổi đối thoại với tinh thần cởi mở, thẳng thắn với lực lượng trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân, qua đó đã mở ra nhiều cải cách có lợi cho người dân.
Không ngại sửa sai
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh, trong những năm qua, công tác CCHC đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là trong các lĩnh vực giải quyết thủ tục cho nhân dân như cấp đổi CMND, xuất nhập cảnh…
Lãnh đạo Công an tỉnh tiếp nhận phản ánh, đề xuất của CBCS Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH về công tác cải cách hành chính |
Trong 5 năm qua, với mục tiêu đổi mới để phục vụ nhân dân, Công an Nghệ An đã tiến hành rà soát 381 thủ tục hành chính, qua đó kiến nghị hủy bỏ 2 thủ tục và sửa đổi, bổ sung 204 thủ tục khác. Công an các đơn vị, địa phương bố trí làm việc trong các ngày nghỉ, lễ để giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân.
Thời gian giải quyết được rút ngắn đáng kể như cấp CMND giảm còn 3 ngày, rút ngắn được 17 ngày; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT chỉ trong 3 ngày; cấp giấy thông hành Việt - Lào giảm còn 2 ngày.
Mở đầu Hội nghị đối thoại, đồng chí Giám đốc yêu cầu lãnh đạo Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH báo cáo về những “dư luận” liên quan đến việc cấp đổi CMND như “dịch vụ” sửa CMND hoặc để làm được CMND phải qua “cò”.
Lãnh đạo Phòng thừa nhận trước đây có tình trạng này, song từ khi có sự chỉ đạo của lãnh đạo Công an tỉnh, lễ tiết, tác phong của CBCS ở “Bộ phận một cửa” đã được chấn chỉnh; uy tín, trách nhiệm đối với nhân dân và Công an các huyện, thành, thị ngày càng được nâng cao.
Đồng chí Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, phải xác định Nhà nước là của dân, do dân và vì dân, tất cả những việc làm tiếp xúc hàng ngày với nhân dân là để phục vụ nhân dân, người dân đến cơ quan Công an là để được phục vụ chứ không phải để xin, cho. Bởi vậy, phải phấn đấu làm thế nào để Công an các đơn vị, địa phương tận tụy, vì dân và hoạt động công khai, minh bạch.
Cấp phát, cấp đổi CMND là lĩnh vực có nhiều ý kiến phản hồi từ phía nhân dân, đặc biệt là trong việc sửa sai các thông tin liên quan sau khi được cấp CMND. Công an huyện Nghi Lộc cho rằng, trước đây, việc phối hợp trong giải quyết các vướng mắc liên quan đến CMND cho công dân giữa Công an các huyện, thành, thị với Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH chưa thực sự nhuần nhuyễn.
Quá trình cấp CMND cho công dân có những lúc sai sót, cá biệt như tại huyện Nghi Lộc có 45 trường hợp sai CMND cần sửa, hiện đã giải quyết được 22 trường hợp, số còn lại vẫn đang còn vướng mắc. Lý do là tàng thư không còn để đối chiếu nên không được giải quyết, dù cơ sở đã đề nghị rất nhiều lần.
Sau khi nghe phản ánh, đồng chí Giám đốc đã yêu cầu Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH phải giải quyết ngay cho công dân, bởi CMND đã được cấp, có chữ ký của Giám đốc Công an tỉnh là cơ sở pháp lý cao nhất. “Trước đây chúng ta đã cấp CMND cho công dân rồi, bây giờ xin cấp lại, chẳng có lý do gì để không cấp đổi cho công dân cả. Nhân đây, tôi đề nghị Công an tất cả các đơn vị, địa phương phải rà soát lại các trường hợp còn tồn đọng để giải quyết cho công dân”, đồng chí Đại tá Nguyễn Hữu Cầu khẳng định.
“Làm gì cũng nên nghĩ cho dân”
Tại Hội nghị đối thoại, chia sẻ về kinh nghiệm trong việc cấp CMND cho công dân, Thượng tá Trần Đình Thông, Phó trưởng Công an huyện Nghi Lộc đã kể câu chuyện về một gia đình gồm 4 người, thuê xe taxi chở một người già đến trụ sở Công an huyện để làm CMND. Từ hình ảnh đó, Công an Nghi Lộc đã quyết định về tận nhà làm thủ tục cấp CMND cho người già, người tàn tật.
Bên cạnh đó, trước nhu cầu chính đáng của những người con xa quê, vào sáng mồng 2 Tết Nguyên đán hàng năm, Công an huyện đã tổ chức cấp CMND cho những người về quê ăn Tết.
Công tác CCHC trong Công an Nghệ An đã có những chuyển biến tích cực (Trong ảnh: Công an Nghệ An cấp CMND cho học sinh Trường THPT dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An) |
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, làm gì cũng nên nghĩ cho dân và phải nghiên cứu thực tiễn để triển khai. Đối với những trường hợp vướng mắc, phải giải thích cặn kẽ để nhân dân hiểu.
Tại Công an TP Vinh, còn tồn tại 2.612 hồ sơ liên quan đến CMND, hiện nay đã giải quyết được 1.137 hồ sơ, còn lại 1.475 hồ sơ chưa giải quyết được, trong đó riêng năm 2015 là 687 hồ sơ. Nguyên nhân là do chưa thống nhất được các thủ tục để giải quyết cho nhân dân. Ngoài ra, các trường hợp này không có giấy tờ gốc trước thời điểm cấp CMND lần đầu.
Cũng tại Hội nghị đối thoại, Công an TP Vinh đưa ra trường hợp cụ bà sinh năm 1924, quê quán tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, ra TP Vinh nhập khẩu vào phường Trường Thi năm 1997, trước đây đã có CMND nhưng tra cứu trên hệ thống không có nên Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH không cấp.
Chỉ đạo ngay tại Hội nghị, đồng chí Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho biết, cụ bà 92 tuổi đã “gần đất xa trời” nên không có lý do gì để không cấp CMND cả. Do đó đồng chí Giám đốc đề nghị ngay trong ngày, Công an TP Vinh phải làm xong thủ tục để trình đồng chí ký và cấp ngay CMND cho cụ bà. Đối với số CMND còn tồn đọng, Công an TP Vinh phải phân loại, đề xuất phương án ngay để trình Giám đốc xử lý, không thể để tồn tại tình trạng này mãi dẫn đến Công an không quản lý được công dân.
Đối với Phòng Hồ sơ và Đội CMND, Giám đốc Công an tỉnh yêu cầu tất cả các ngày trong tuần phải có cán bộ trực tại “Bộ phận một cửa” để tiếp công dân, thay vì chỉ trực vào các ngày thứ 2, 4, 6 như hiện nay.
Ở lĩnh vực xuất nhập cảnh, có nhiều trường hợp làm giả giấy tờ để làm thủ tục cấp đổi hộ chiếu. Riêng năm 2015, đã phát hiện 22 trường hợp, với nhiều hình thức như tẩy xóa, thay ảnh hoặc làm giả khai sinh từ cấp xã. Theo quy định, việc làm giả này sẽ bị xử phạt nghiêm, song đối với nhiều trường hợp, cán bộ xuất nhập cảnh cũng rất phân vân khi lập hồ sơ xử phạt vì gia cảnh quá nghèo.
Đề xuất xử lý đối với những trường hợp này, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, khi phát hiện sai phạm của dân, phải tiến hành xác minh, làm rõ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, tính chất vi phạm của từng hành vi để đối chiếu với sai phạm để xử lý. Căn cứ vào thực tế đời sống kinh tế và sức khỏe của người dân để đề xuất mức xử phạt hợp lý. Nếu có tình tiết giảm nhẹ phải áp dụng, trong trường hợp người dân khó khăn quá thì phải hướng dẫn họ làm đơn.
Quan điểm của đồng chí Giám đốc là hết sức thông cảm nhưng phải xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật để không tái diễn. “Mục tiêu của Công an không phải thu được tiền mà thực hiện xử phạt là để răn đe, từ đó không vi phạm pháp luật. Với những trường hợp làm giả CMND, tôi yêu cầu nghiên cứu để đề nghị từ chối không cấp hộ chiếu trong thời gian 5 năm, bởi ra nước ngoài phát hiện hộ chiếu làm giả, họ cũng từ chối nhập cảnh trong thời gian 5 năm”, đồng chí Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cho biết.
Thiên Thảo