Chính sách cho lao động nữ; miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài; tăng cường điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, hải đảo… là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 28/9-2/10.
Tăng cường điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, hải đảo
Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan, UBND các địa phương có biển tăng cường công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan, UBND các địa phương có biển quán triệt quan điểm tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng. Công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển phải đi trước một bước để bảo đảm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hoạch định đường lối, chính sách phát triển bền vững kinh tế biển, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Nhiều chính sách cho lao động nữ
Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ.
Theo Nghị định trên, lao động nữ được hưởng nhiều chính sách và quyền lợi như: quyền làm việc bình đẳng; cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe; quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động khi mang thai; được hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo....
Công dân có quyền giám sát các dự án đầu tư
Theo Nghị định về giám sát và đánh giá đầu tư vừa được Chính phủ ban hành, công dân có quyền giám sát các dự án đầu tư thông qua Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng được quyền yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cung cấp các thông tin về quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch xây dựng chi tiết các khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp và kế hoạch đầu tư có liên quan trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật; có quyền yêu cầu chủ chương trình, chủ đầu tư trả lời, cung cấp các thông tin phục vụ việc giám sát đầu tư...
Miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2015/NĐ-CP quy định miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam.
Theo quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam muốn được miễn thị thực phải đảm bảo các điều kiện: Có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế còn giá trị ít nhất một năm; có giấy tờ chứng minh là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam; không thuộc các trường hợp chưa cho nhập cảnh và tạm hoãn xuất cảnh quy định tại Điều 21 và Điều 28 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Bổ sung quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực lao động
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nghị định này bổ sung một số quy định nhằm xử lý vi phạm về tuyển, quản lý lao động, sử dụng lao động...
Theo đó, hành vi phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý lao động sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.
Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế ngành NNPTNT
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược Hội nhập kinh tế quốc tế ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030”. Mục tiêu cụ thể là phát triển nền nông nghiệp Việt Nam bền vững và hiệu quả dựa trên lợi thế và khả năng cạnh tranh, hạn chế tác động bất lợi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển các thị trường có giá trị cao và bền vững cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam ở cả địa bàn truyền thống và địa bàn mới, tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư để khai thác thế mạnh của nông nghiệp, góp phần tăng giá trị cho sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân....
Xây dựng 3 trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia
Theo Quy hoạch mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xây dựng và phát triển 3 trung tâm công nghệ sinh học cấp quốc gia tại miền Bắc, miền Trung và miền Nam có đủ năng lực tiếp thu, làm chủ, tiến tới sáng tạo các công nghệ nền của công nghệ sinh học.
Ba trung tâm công nghệ sinh học này có cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế; có đội ngũ nhân lực đủ khả năng giải quyết các nhiệm vụ mang tầm chiến lược quốc gia, từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu công nghệ tạo các sản phẩm chất lượng cao cho sản xuất quy mô pilot (sản xuất thử nghiệm) và quy mô công nghiệp.
Khai thác nguồn gene thành sản phẩm thương mại
Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gene đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, đến năm 2020, khai thác và phát triển ít nhất 100 nguồn gene có giá trị ứng dụng để phát triển phục vụ nông nghiệp, công nghiệp, y-dược, văn hóa, bảo vệ môi trường và an ninh-quốc phòng.
Kiểm tra thông tin tàu du lịch vịnh Hạ Long bị "làm luật"
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh khẩn trương kiểm tra, làm rõ vấn đề báo chí phản ánh về việc hàng trăm tàu du lịch trên vịnh Hạ Long bị "làm luật".
Kiểm tra tình trạng ô nhiễm nguồn nước công trình thủy lợi tại Hà Nội
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm tra thông tin báo chí phản ánh tình trạng nguồn nước của một số hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội đang bị ô nhiễm trầm trọng.