Nghị quyết về Chính phủ điện tử; hành khách gây bạo loạn bị cấm bay vĩnh viễn; chính sách đối với dân công hỏa tuyến; xem xét thoái hết vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp... là những thông tin tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 12-16/10/2015.
Nghị quyết về Chính phủ điện tử
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về Chính phủ điện tử. Theo đó, trong ba năm 2015 - 2017 tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.
Phấn đấu đến hết năm 2016 các bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3).
Bên cạnh đó, một số dịch vụ công phổ biến, liên quan nhiều tới người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).
DNNN không được góp vốn vào bất động sản, ngân hàng
Doanh nghiệp nhà nước không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (trừ doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đây là quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp đã được Chính phủ ban hành.
Hành khách gây bạo loạn bị cấm bay vĩnh viễn
Nghị định 92/2015/NĐ-CP về an ninh hàng không đã được Chính phủ ban hành quy định, cấm vận chuyển vĩnh viễn đối với đối tượng đã bị xử lý nhưng vẫn vi phạm một trong các trường hợp bị cấn vận chuyển trên 12 đến 24 tháng; người có hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản 2 Điều 190 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; người chiếm đoạt, gây bạo loạn tại cảng hàng không, sân bay và cơ sở cung cấp dịch vụ điều hành bay.
Tổ chức, hoạt động của DN quốc phòng, an ninh
Nghị định về tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh đã được Chính phủ ban hành. Theo đó, doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh phải bảo đảm 3 điều kiện: 1- Là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; 2- Có ngành, lĩnh vực hoạt động hoặc địa bàn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; 3- Được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh hoặc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ổn định, thường xuyên bằng nguồn lực của Nhà nước hoặc nguồn lực của doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu đầu tư, thành lập doanh nghiệp.
Chế độ ăn, nghỉ lao động trong ngày Lễ, Tết của phạm nhân
Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117/2011/NĐ-CP ngày 15/12/2011 của Chính phủ quy định về tổ chức quản lý phạm nhân và chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt chăm sóc y tế đối với phạm nhân.
Theo đó, chế độ ăn, nghỉ lao động trong các ngày Lễ, Tết của phạm nhân được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 29, Khoản 1 Điều 42 Luật Thi hành án hình sự và Khoản 1 Điều 115 Bộ Luật lao động năm 2012.
Về chế độ ăn, theo Khoản 1 Điều 42 Luật Thi hành án hình sự, phạm nhân được bảo đảm tiêu chuẩn định lượng về gạo, rau xanh, thịt, cá, đường, muối, nước mắm, bột ngọt, chất đốt. Đối với phạm nhân lao động nặng nhọc, độc hại theo quy định của pháp luật, thì định lượng ăn được tăng thêm. Ngày lễ, tết theo quy định của pháp luật, phạm nhân được ăn thêm nhưng mức ăn không quá năm lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.
Chính sách đối với dân công hỏa tuyến
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định quy định chế độ trợ cấp một lần, chế độ bảo hiểm y tế, trợ cấp mai táng phí và cấp “Giấy chứng nhận” đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.
Theo quy định, mức trợ cấp một lần được ấn định theo các mốc thời gian thực tế trực tiếp tham gia dân công hỏa tuyến (trường hợp có thời gian tham gia dân công hoả tuyến ở các đợt khác nhau hoặc có gián đoạn thì được cộng dồn). Cụ thể: Dưới 1 năm, mức trợ cấp bằng 2.000.000 đồng; đủ 1 năm đến dưới 2 năm, mức trợ cấp bằng 2.700.000 đồng; từ đủ 2 năm trở lên, mức trợ cấp bằng 3.500.000 đồng.
Đào tạo nhân lực phát triển điện hạt nhân
Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật đến năm 2020 phục vụ phát triển điện hạt nhân đã được Chính phủ phê duyệt.
Theo Kế hoạch sẽ tổ chức bồi dưỡng, thực tập ngắn hạn (dưới 3 tháng) và dài hạn (4 - 12 tháng) ở trong và ngoài nước ở các trình độ cơ sở, nâng cao và chuyên sâu cho nhân lực quản lý nhà nước, nghiên cứu - triển khai và hỗ trợ kỹ thuật.
Xem xét thoái hết vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thoái hết vốn nhà nước tại 10 doanh nghiệp: 1- Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (tỷ lệ vốn Nhà nước đang nắm giữ là 50,7%); 2- Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (40,4%); 3- Công ty cổ phần cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (46,6%); 4- Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (37,1%); 5- Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (47,6%); 6- Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (38,4%); 7- Công ty cổ phần sữa Việt Nam (45,1%); 8- Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang (49,9%); 9- Công ty cổ phần FPT (6,0%); 10- Công ty cổ phần viễn thông FPT (50,2%).
Xác minh phản ánh về tình trạng phân bón giả
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương xác minh nội dung báo Tiền phong phản ánh qua bài viết "Phân bón giả - Tai họa của nhà nông".